Ra mắt cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc – văn”

Chủ nhật - 05/05/2024 02:01
Sáng ngày 4/5/2024, tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã diễn ra buổi tọa đàm ra mắt sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” của tác giả Lê Y Linh - Ngô Nhật Tăng, do Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Nhà sách Tri thức Trẻ Books) liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản phát hành.
Tham gia tọa đàm có tác giả Lê Y Linh, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học; diễn giả Ngô Nhật Tăng, nhà sưu tầm văn cổ, Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội; đại diện tín ngưỡng thờ mẫu, đồng thày Nguyễn Đăng Tài, đại diện một số đơn vị xuất bản, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam và đông đảo bạn đọc quan tâm đến tín ngưỡng Đạo Mẫu và hầu bóng.
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã tập trung giới thiệu nội dung cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn”; Đặc trưng không gian hầu bóng và vai trò của cung văn; Hành trình thực hành tín ngưỡng và các văn bản cổ thông qua bộ sưu tập của Nghệ nhân Phạm Văn Kiêm.
1
Các diễn giả tham gia Tọa đàm ra mắt sách
Nội dung cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” là câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là bộ sưu tập đầy đủ nhất hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc văn - hầu bóng: thầy Phạm Văn Kiêm. Khi nói về thầy, cung văn, nhà đạo gọi thầy là “ông Kiêm chùa Vua”. Những di sản thầy để lại xứng đáng trở thành nguồn tư liệu quý giá trong hành trình phụng sự nhà Thánh.
Cuốn sách dày 800 trang, chia thành hai phần: phần một, tác giả đào sâu về ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc thực hành hầu bóng; phần hai, tác giả cùng cộng sự sưu tầm và công bố di cảo gần 200 bản văn cổ của thầy Phạm Văn Kiêm. Phần di cảo của thầy đã được nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng tổ chức chú giải chi tiết với sự hỗ trợ chuyên môn của hai nhà Hán Nôm học Lê Phương Duy và Kim Trung Linh (Bùi Quốc Linh). Ngoài ra, các bản văn của thầy Phạm Văn Kiêm còn được đối chiếu với những cuốn văn cổ xuất bản bằng chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, một giai đoạn then chốt trong sự biến đổi của thực hành tín ngưỡng. Là một công trình nghiên cứu công phu được thai nghén trong thời gian dài, Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn không chỉ là cuốn sách chuyên sâu về nghiên cứu mà còn có hình thức chỉn chu. Bìa sách được minh họa bởi họa sĩ Lê Thiết Cương. Các hình ảnh do các học trò của thầy Phạm Văn Kiêm vẽ trong những tập chép văn của thầy từ những năm 1970 và tranh dân gian Hàng Trống về đạo thờ Tứ phủ từ đầu thế kỷ XX cũng được giới thiệu đến bạn đọc trong cuốn sách. Tín ngưỡng hầu bóng đã chứng tỏ được rằng mình là một phần của lịch sử, văn hóa Việt Nam, và nhạc - văn đã trở thành hệ thống kinh điển của tín ngưỡng. Cuốn sách sẽ là một tài liệu quan trọng đối với những độc giả quan tâm và các nhà nghiên cứu tín ngưỡng hầu bóng.
1 1
Tọa đàm ra mắt sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn”
Lê Y Linh là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chị làm việc tại Ban Nghiên cứu Viện Âm nhạc và Múa. Đầu những năm 1990, chị sang Pháp tu nghiệp, làm nghiên cứu sinh về âm nhạc dân tộc học rồi định cư tại Paris. Chị hiện là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lịch sử Cận đại và Hiện đại - Trường Cao đẳng Sư phạm Pháp (IHMC-ENS) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CASE-CNRS), là thành viên Hội Âm nhạc dân tộc học Pháp (SFE). Chị cũng là thành viên biên soạn mục từ Quyển 33a chuyên ngành Âm nhạc, Nghệ thuật, Múa, Bách khoa toàn thư Việt Nam.
1 2
Tác giả Lê Y Linh giao lưu cùng các các đơn vị xuất bản sách và khách mời

Nguồn tin: Đào Thúy Ngà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi