Lịch sử còn ghi nhớ mùa Đông năm 1946, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời hơn một năm, đang bị “thù trong, giặc ngoài” điên cuồng chống phá, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo ấy, ngày 24-11-1946, Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn của thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tham dự chỉ đạo Hội nghị quan trọng này và phát biểu khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thực hiện lời dạy bất hủ trên đây của Bác Hồ, vai trò của văn hóa không ngừng được phát huy và đề cao, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng hòa bình; tiến hành công cuộc Đổi mới, hội nhập và phát triển đạt được những thành tựu toàn diện và to lớn.
Tròn 75 năm sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất trên đây, năm 2021, cũng vào ngày 24-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai. Sau 75 năm thực hiện “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đất nước Việt Nam đã có những phát triển hơn bao giờ hết trong nhiều lĩnh vực và có một vị thế bình đẳng với nhiều cường quốc trên chính trường quốc tế, là bạn với tất cả các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, thời đại mới đang có quá nhiều những biến động và thay đổi khó lường. Tình hình trong nước và quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều hiện tượng đáng báo động về đạo đức, lối sống và lẽ sống của con người Việt Nam. Trước thực trạng ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” và phát biểu mở rộng chiều kích văn hóa trong thời đại mới.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, với những trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành tâm huyết rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bằng tư duy lý luận sắc bén, thực tiễn phong phú và phẩm chất của một nhà văn hóa uyên thâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo toàn diện và sâu sắc về văn hóa. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định rõ: “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Quyết tâm chính trị trên đây của Đảng ta đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện khá sâu sắc và toàn diện trong tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 /11-6-2024) và 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2024). Đây là tác phẩm hệ thống hoá sự chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuốn sách là cẩm nang giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Đặc biệt, thông qua các bài viết, bài phát biểu và những bức thư gửi nhân dịp các sự kiện văn hóa được tổ chức, đã thể hiện sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hoá, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Có thể nói, đây là một đóng góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của nước ta; thể hiện bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; đồng thời là nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao danh dự, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và khẳng định: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp… mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Khi con người có một tâm hồn như thế thì họ sẽ biết sống vì người khác, vì dân tộc, có lòng tự trọng để vượt qua những đam mê thấp hèn. Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng chống các căn bệnh tham nhũng, quan liêu, thoái hoá, biến chất… mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được mệnh danh là “người đốt lò vĩ đại”, thực chất là cuộc đấu tranh xây dựng và sàng lọc con người; sàng lọc, loại bỏ những yếu tố phản văn hoá và bảo vệ, nuôi dưỡng những giá trị văn hoá đích thực.
Cao hơn thế, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn đảng, đấu tranh phòng chống các căn bệnh tham nhũng, quan liêu, thoái hoá, biến chất… mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì trong nhiều khóa gần đây, thực chất là công cuộc chấn hưng Văn hóa Đảng, thông qua việc xây dựng Văn hóa chính trị và Văn hóa lãnh đạo; để Đảng ta thực sự “là đạo đức, văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Chính trị là một loại hình hoạt động của con người, vì vậy trong chính trị có văn hóa, gọi là Văn hóa chính trị. Đối với bất kỳ quốc gia nào, chính trị vẫn là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đối với công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời, một thể chế chính trị tiến bộ, văn minh phải được đặt trên nền tảng của văn hóa, mà biểu hiện rõ nhất là quyền lực chính trị được kiểm soát bằng một cơ chế hiệu quả; đi đôi với không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với xu thế phát triển của văn minh nhân loại. Rất nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề “nhốt quyền lực bằng cơ chế”. Ông đã làm hết sức mình vì quyết tâm ấy. Không ít kẻ đã ngã lòng, đã sống hai mặt, đã phản bội niềm tin của Đảng và nhân dân… nhưng ông thì không. Chỉ riêng điều đó ông đã xứng danh là kẻ sĩ, là sĩ phu, là nhà lãnh đạo văn hóa tiêu biểu.
Thời nào cũng vậy, nhà lãnh đạo văn hóa trước hết phải có Văn hóa lãnh đạo. Văn hóa lãnh đạo là một nội dung quan trọng của Văn hóa chính trị. Văn hóa lãnh đạo là “đạo trị nước”. Người xưa coi “đạo trị nước” là lý tưởng vì Dân, an Dân, giữ Dân. Văn hóa lãnh đạo đòi hỏi nhà lãnh đạo trước hết phải là người “đạo cao, đức trọng”, phải gương mẫu mọi hành xử trong lối sống, trong quan hệ… và phải trung thực với chính mình. Văn hóa lãnh đạo đòi hỏi nhà lãnh đạo phải luôn tâm niệm “Dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư” và luôn luôn thực hành “Cần, kiệm, liêm chính”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đồng bào, đồng chí cả nước kính yêu và cảm phục vì ông là một CON NGƯỜI như thế!
Nguồn tin: tapchisonglam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn