Nhớ lời Bác, học cách nói của quần chúng

Chủ nhật - 21/01/2024 04:17
Môi trường số và trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện ngày càng nhiều hình thức, phương tiện, loại hình phục vụ nhu cầu nghe, nhìn và tiếp nhận thông tin của công chúng đã đặt công tác tuyên truyền miệng đứng trước những thách thức nan giải. Nói cái gì, nói như thế nào, nói ở đâu, nói cho ai nghe...? là những câu hỏi không mới đối với công việc của báo cáo viên (BCV) nhưng rất khó để có câu trả lời hoàn hảo trong môi trường số hiện nay.

Vừa qua, chúng tôi tham dự buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến quận 8 nhằm tìm hiểu về công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở. Ban chủ nhiệm CLB đã mời một BCV giàu kinh nghiệm đến nói chuyện chuyên đề về các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới và bài học bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Việt Nam cho gần 300 đại biểu.

<a title='Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc' style='text-align:center;' href='https://www.qdnd.vn'><img src='https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png' class='vllogo'></a>

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trao hoa và quà tặng CLB truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn

Kết thúc buổi sinh hoạt, chúng tôi hỏi một số đại biểu về bài nói chuyện của BCV. Các đại biểu đều đánh giá, bài nói chuyện có nội dung tốt, phương pháp trình bày của BCV hấp dẫn, lôi cuốn, bình luận sắc sảo, định hướng dư luận rõ ràng, phù hợp với đối tượng người nghe là cán bộ hưu trí và người cao tuổi. Ông Nguyễn Văn Khoái, Phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến quận 8 nói: “Trước đây đã có lần chúng tôi mời một BCV đến nói chuyện nhưng bị nhiều hội viên phản ứng, do phương pháp trình bày của BCV này có nhiều chỗ không phù hợp với người nghe lớn tuổi. Nhiều người ngồi một lúc thì bỏ về. Vì vậy, chúng tôi rút kinh nghiệm, mời BCV phù hợp, có trao đổi, thống nhất trước về chủ đề, thời gian, đáp ứng yêu cầu của đại đa số hội viên CLB”.

Những chuyện tương tự không hiếm trong hoạt động tuyên truyền miệng hiện nay. Khi thông tin thời sự được cập nhật từng giờ, từng phút trên không gian mạng, nếu BCV chỉ “thông báo thời sự” đơn thuần theo phương pháp truyền thống, sẽ không có cái gì để níu người nghe ở lại. Bên cạnh đó, nếu BCV lệ thuộc vào công nghệ thì buổi nói chuyện rất dễ biến thành “bài giảng”, khó thuyết phục người nghe. Tuyên truyền miệng hiện nay đòi hỏi rất cao ở trình độ, kiến thức và kỹ năng diễn thuyết, phân tích, bình luận... của BCV. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi mới công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở vẫn còn chậm và nhiều bất cập.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ rõ: Công tác tuyên truyền có một số nội dung chưa thật sự lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền tại từng cấp ủy địa phương, đơn vị có lúc, có nơi vẫn còn bị động, hiệu quả chưa cao; nội dung, phương thức tuyên truyền chưa đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng; năng lực của đội ngũ BCV vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự lôi cuốn, thuyết phục...

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ BCV vừa là đòi hỏi cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, cần khuyến khích, đẩy mạnh tinh thần tự học, tự nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đội ngũ BCV. Có một thực tế là, không ít BCV vì sính ngoại, đề cao vai trò của công nghệ quá mức nên thường lạm dụng ngoại ngữ, sử dụng ngôn ngữ mạng, nói kiểu khoe kiến thức, trình độ; nói để thỏa mãn năng lực bản thân, không quan tâm đến nhu cầu người nghe. Chính vì vậy, hiệu quả tuyên truyền không cao. Đây là điều cần phải tránh.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy người làm công tác tuyên truyền "Phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn"... "Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu"... (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 5)...

 

Nguồn tin: www.qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi