Khơi dậy, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi một cách thực chất

Thứ năm - 18/04/2024 23:06
Tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023, sách thiếu niên, nhi đồng chiếm 22,62% về số cuốn (tăng 69,09%), 9,64% về số bản (tăng 52,57%). Qua phân tích số liệu về cơ cấu sách cho thấy, hầu hết các loại sách đều có biến động nhẹ, tăng giảm cả về số lượng đầu sách và số bản in. Duy chỉ có sách thiếu niên, nhi đồng tăng mạnh cả về số lượng đầu sách và số bản in. Đây là một con số ấn tượng, đồng thời cũng là nhận định lạc quan về mảng sách dành cho thiếu nhi.

Chúng ta cần những điều tra xã hội học tỉ mỉ hơn về văn hóa đọc để hiểu nguyên nhân vì sao sách thiếu nhi lại có sự tăng trưởng ấn tượng như vậy. Phải chăng, dù trong bối cảnh kinh tế có thế nào đi nữa, người Việt Nam luôn luôn quan tâm đến sự phát triển của con trẻ, cho nên họ không băn khoăn về kinh phí mua sách, thời gian chọn sách cho các em?

Khơi dậy, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi một cách thực chất

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đọc sách với các em thiếu nhi. Ảnh do Câu lạc bộ Đọc sách cùng con cung cấp 

Riêng tôi không mấy ngạc nhiên về sự tăng trưởng của sách thiếu nhi. Chỉ riêng sách văn học thiếu nhi, không kể số lượng lớn sách văn học dịch thiếu nhi được in mới hay tái bản, những cây bút Việt Nam viết cho thiếu nhi tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh những tên tuổi ít nhiều đã khẳng định nội lực của mình như: Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng, Văn Thành Lê, Nguyên Hương, Hồ Huy Sơn, Võ Diệu Thanh, Bùi Tiểu Quyên, Lê Đức Dương... xuất hiện khá nhiều cây bút mới viết cho thiếu nhi, đặc biệt thông qua các cuộc thi hoặc cuộc vận động sáng tác đang diễn ra sôi nổi, thực sự tạo cú hích cho việc xây dựng đội ngũ tác giả văn học thiếu nhi trong thời kỳ mới. Đó là: Nguyễn Hồng Chiến, Nguyễn Khắc Cường, Lê Trung Cường, Dương Đình Lộc, Nguyễn Bá Hòa, Vũ Thị Huyền Trang, Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Phạm Thanh Thúy, Nguyễn Thị Như Hiền... ở thể loại văn xuôi; Mai Quyên, Huỳnh Mai Liên, Lê Thị Liên Hương, Nguyễn Hải Lý, Lê Ký Thương, Châu An Khôi, Phạm Anh Xuân, Mộc An... ở thể loại thơ. Cùng hiệu ứng xã hội mạnh mẽ được lan tỏa từ các giải thưởng, cuộc thi ở nhiều cấp độ khác nhau, văn học thiếu nhi Việt Nam đang có bước chuyển mình cả về lượng và chất. Từ những cây bút vẫn bền bỉ viết nhiều năm nay đến những tác giả chạm ngõ mảng văn học thiếu nhi-tất cả đều đang bứt phá để thể hiện mình rõ nét hơn, tạo dấu ấn tươi mới và đầy hứa hẹn.

Nếu không tính sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo dành cho thiếu nhi liên quan trực tiếp đến học tập trong nhà trường, những mảng sách như: Truyện tranh, sách lịch sử, kỹ năng sống... dành cho thiếu nhi được xuất bản ngày càng nhiều. Theo quan sát của tôi, ở những mảng sách này, sách dịch có nhỉnh hơn đôi chút, song vẫn có rất nhiều cuốn sách do người Việt Nam viết, biên soạn được các nhà xuất bản bỏ vốn ra thực hiện (gọi là kế hoạch A) một cách công phu, tỉ mỉ, hay về nội dung và đẹp về hình thức. Đây là cơ sở để tin tưởng mảng sách thiếu nhi ở nước ta sẽ tiếp tục đi đầu về tăng trưởng, góp phần làm lớn mạnh ngành xuất bản, quan trọng hơn là sẽ có nhiều ấn phẩm giá trị bồi đắp kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.

Chú trọng trang bị kỹ năng đọc cá nhân cho trẻ

Đã có tín hiệu lạc quan về số lượng tác giả trong nước và ấn phẩm dành cho thiếu nhi, quay trở lại vấn đề: Làm thế nào để các ấn phẩm ấy của những người viết ấy đến được với bạn đọc nhỏ tuổi? Bây giờ là tháng 4, tháng “nhà nhà đọc sách, người người đọc sách”-văn hóa đọc được quan tâm thiết thực và bao quát trên mọi bình diện sau 10 năm Thủ tướng ký quyết định về Ngày Sách Việt Nam (bây giờ là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam).

Ngay từ năm đầu tiên có Ngày Sách Việt Nam (21-4-2014), và trước đó là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), cá nhân tôi và Câu lạc bộ Đọc sách cùng con đều đặn tham gia các hoạt động khuyến đọc ở Văn Miếu và Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, góp phần giới thiệu sách và tôn vinh các nhà văn. Thật hạnh phúc khi được đồng hành với những người viết, những người làm sách và độc giả nhỏ tuổi.

Tôi cho rằng, đối với Việt Nam, tạo phong trào vẫn cần thiết. Những phong trào, chiến dịch, chủ trương lớn đã góp phần thay đổi ứng xử xã hội đối với việc đọc. Nhưng đến hẹn lại lên, nào lễ hội, nào cuộc thi, nào làm clip, diễn kịch theo sách, nào diễu hành nhân vật, nào các hội sách hàng quý, nào phố sách, nào các loại tọa đàm... Còn ở góc nhìn ngược lại, cách làm phong trào ấy lâu dần sẽ trở thành bề nổi. Mà “nổi nhiều thì nông”! Thời gian dành cho việc chăm sóc văn hóa đọc của mỗi cá nhân sẽ bị ảnh hưởng.

Ở đây, tôi muốn nói đến việc xây dựng thói quen đọc bền bỉ, lâu dài kết hợp với kỹ năng đọc, kỹ năng khai thác sách hiệu quả để việc đọc xuất phát từ “nội động lực” của mỗi đứa trẻ, từ nhu cầu có thật của mỗi cá nhân chứ không phải từ “ngoại động lực” là tham gia cuộc thi, phong trào hay nhằm đạt được một danh hiệu nào đó. Việc chăm chút, rèn luyện kỹ năng đọc sẽ giúp cho những gì đứa trẻ đọc được thật sự ở lại, làm nên phông nền văn hóa, tri thức, cảm xúc của một con người.

Trong thời đại nghe-nhìn này luôn cần một “cộng đồng đọc” để lôi cuốn và chia sẻ, nhưng cộng đồng ấy cũng phải vừa đủ nhỏ để mỗi thành viên không bị chìm nghỉm trong đó. Việc khuyến đọc không cần tuyên ngôn, chỉ cần bắt đầu từ nhu cầu đọc và nhu cầu sống của mỗi người, tôn trọng quyền đọc hay không đọc của người ấy, để việc đọc sách cũng như là sống, được diễn ra theo nhịp điệu, tiến độ riêng của mỗi người, từng bước, giản dị và tự nhiên.

Chính vì thế, câu chuyện trang bị kỹ năng đọc cá nhân cho trẻ là việc tôi luôn lưu ý các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh khi có dịp chia sẻ về văn hóa đọc. Trong các buổi sinh hoạt đọc sách, trẻ cần được dẫn dắt để từng bước rèn luyện các kỹ năng liên quan đến các thao tác tư duy như phán đoán, so sánh, tưởng tượng, liên tưởng, đặt câu hỏi, ghi nhớ, phản biện, khái quát... Ví dụ, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con chúng tôi có cả một quy trình cụ thể cho việc này và thường xuyên chia sẻ với các gia đình thành viên. Thật thú vị khi phát hiện ra rằng, quy trình ấy khớp với việc đọc rất tự nhiên của đứa trẻ nương theo các thao tác tư duy vốn có của con người-nếu như chúng ta không can thiệp bằng những nhiệm vụ áp đặt như tìm bài học, kể lại, viết lại, tóm tắt nội dung...

Trẻ sẽ đọc một cách sáng tạo, say mê nếu người dẫn dắt chỉ khơi gợi chứ không “giao bài tập” hoặc phân tích quá kỹ tác phẩm theo ý kiến chủ quan của người lớn. Ngoài ra, các bạn nhỏ cần được hướng dẫn kỹ năng ghi chép, lưu lại thông tin. Tôi thường đề nghị các bạn lấy tờ bìa màu sặc sỡ, nhỏ bằng kích thước một bàn tay để ghi lại thông tin ngắn gọn về cuốn sách, theo trình tự: Tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, năm xuất bản. Ví dụ: "Sống giữa bầy voi" (Vũ Hùng, NXB Kim Đồng, 2015). Dùng chính tờ bìa đó để ghi lại một hoặc một số câu trích dẫn mà em tâm đắc nhất khi đọc cuốn sách cũng là cách rèn kỹ năng đọc. Các em sẽ phải lựa chọn câu văn thật sự đáng nhớ và bảo vệ sự lựa chọn của mình bằng cách thuyết phục các bạn khác, qua đó rèn luyện kỹ năng diễn đạt. Những tờ bìa như thế sẽ là "của cải” quý giá của các em khi phiêu lưu vào thế giới sách. Tìm một chiếc hộp để vào hoặc dán đâu đó trong phòng, một năm sau, hai năm sau... chiếc hộp đầy lên, những bức tường kín thêm, các em sẽ tự hào về những thu hoạch của mình, thói quen đọc sẽ ngày càng được củng cố. Với cách làm như thế, bình tĩnh và nhỏ nhẹ mỗi ngày, các nhà văn, các tác phẩm sẽ đến gần hơn, ở lại lâu hơn cùng bạn đọc nhỏ tuổi.

Những người tâm huyết với văn hóa đọc thiếu nhi chắc chắn sẽ không ngừng sáng tạo để tìm ra những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nhà giáo dục, nhà văn người Áo Richard Bamberger (1911-2007) khẳng định: “Nếu đến năm thứ năm ở trường tiểu học (khoảng 10 tuổi), đứa trẻ không phải là một người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặc biệt nào thì có rất ít hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó”. Văn hóa đọc thiếu nhi đi vào thực chất chính là để trẻ em yêu sách, xem việc đọc là điều không thể thiếu, như vậy mới giúp đứa trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.

 

Nguồn tin: qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi