Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực xuất bản

Thứ tư - 28/08/2024 08:15
Chiều 28/8/2024 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.
Các đồng chí:  Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì hội thảo.
1
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lãnh đạo các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo xuất bản trên cả nước.
2
Toàn cảnh hội thảo
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 67 bài tham luận. Các bài tham luận tập trung làm rõ cơ sở lý luận và phân tích thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam; dự báo xu hướng phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Phát biểu chào mừng và khai mạc, PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, tạo ra cả những thời cơ và thách thức đối với công tác xuất bản nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản nói riêng, trong đó thách thức có phần nhiều hơn. Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản hoạt động của toàn ngành trên các bình diện như: Quy trình xuất bản được rút ngắn cả về không gian và thời gian; phương thức xuất bản thay đổi, từ công nghệ in trên giấy sang công nghệ xuất bản điện tử; phương thức kinh doanh xuất bản truyền thống chuyển sang sang phương thức kinh doanh trực tuyến; hoạt động sáng tạo và phân phối nội dung giản đơn trên quy mô nhỏ đã chuyển sang các dịch vụ nội dung toàn cầu, tăng cường trải nghiệm cho độc giả; công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị kênh và mạng lưới bán hàng cũng thay đổi theo hướng số hóa; xu hướng tiếp nhận, tiêu thụ thông tin cũng như thị hiếu của công chúng đều chứng kiến những bước chuyển lớn. Điều này đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản theo hướng trang bị những tri thức, kỹ năng mới và toàn diện hơn, nhất là về năng lực công nghệ thông tin, năng lực tác nghiệp và hoạt động xuất bản trong môi trường số, nắm bắt thị hiếu bạn đọc, xây dựng thương hiệu, truyền thông, marketing, kinh doanh xuất bản phẩm”.
3
PGS, TS. Vũ Trọng Lâm phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nhấn mạnh, hội thảo nhằm tổng kết thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất bản, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng chính sách phát triển ngành xuất bản và nhân lực  xuất bản nói riêng. Đồng thời, là cơ hội để các nhà khoa học, lãnh đạo các xuất bản, doanh nghiệp ngành xuất bản trao đổi, thảo luận về chất lượng đào tạo và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Các tham luận tuy mang góc nhìn đa chiều, song đều có điểm chung, khẳng định xuất bản là hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Vì thế, nhân lực ngành xuất bản phải được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị. Đồng thời, có kiến thức chuyên sâu phù hợp tôn chỉ, mục đích của mỗi nhà xuất bản.

Để đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trước hết phải thu hút học sinh có chất lượng cao, có năng khiếu và đam mê với nghề xuất bản. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ đủ để giữ chân những nhân lực tốt cho ngành xuất bản và từng nhà xuất bản.
4
PGS.TS Nguyễn Bá Cường chia sẻ tại hội thảo
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Bá Cường, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - nêu ý kiến: Nghiên cứu miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên xuất bản giống như sinh viên sư phạm; biên tập viên cần có chế độ ưu đãi nghề nghiệp, bởi họ được coi là người lính gác trên mặt trận tư tưởng...  

Dù khoa học công nghệ có phát triển đến mức nào thì với ngành xuất bản và lĩnh vực văn hóa tư tưởng nói chung, nhân tố con người vẫn là yếu tố quyết định. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản, trước hết và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cho thầy và trò đang giảng dạy và học tập cho đam mê nghề nghiệp truyền tải tri thức cho xã hội.

Tổng kết Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - kết luận, Hội thảo là nền tảng để các cơ quan, ban, ngành cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá và tổng kết 20 năm thực hiện 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghệ tác động mạnh mẽ đến ngành xuất bản, làm xuất hiện phương thức xuất bản mới – xuất bản điện tử. Đồng thời, cũng hướng tới việc xây dựng các đề xuất, kiến nghị gửi đến Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan quản lý, cơ sở xuất bản và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
                                                                                                                                               Trương Hữu Thắng - Chu Thuỳ Dương
 
File đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi