Đọc chậm, để không làm 'nô lệ thông tin'

Thứ tư - 02/07/2025 22:19
Khi tốc độ đọc của AI nhanh hơn con người hàng triệu lần, nhiều chuyên gia cho rằng con người càng cần đọc chậm lại để tăng khả năng phản biện, tri nhận thông tin.
Nhãn

Trong cuốn Tyranny of the Moment, Giáo sư Thomas H. Erikson (Đại học Oslo, Na Uy) nhận định: “Trong thời đại thông tin, quá trình lập luận, hình thành quan điểm của con người liên tục bị chen ngang bởi hàng ngàn thông tin nhiễu loạn, phân mảnh”. Con người đang đọc nhanh, đọc nhiều thông tin hơn khả năng xử lý của bộ não sinh học, khiến năng lực suy nghĩ và lập luận cá nhân suy giảm.

Trước bối cảnh này, nhiều chuyên gia nhận định đọc chậm là kỹ năng cần thiết mà con người cần mài giũa, đặc biệt khi AI ngày càng giỏi các kỹ năng đọc nhanh thông tin. Con người cần đọc chậm để lý giải, phản biện, cảm nhận thông tin - thay vì chỉ chạm vào bề mặt chữ. Đây cũng là ý kiến được đưa ra bởi ông Hoàng Nam Tiến tại Diễn đàn Xuất bản số 2025 cuối tháng 6. Nhiều nghiên cứu, ý kiến từ chuyên gia cũng đồng tình với nhận định này.

Quả tải thông tin khiến con người giảm khả năng lập luận

Thế kỷ XXI, khi hiệu suất và tốc độ trở thành thang đo thành công mới, kỹ năng đọc nhanh cũng nổi lên như một trào lưu, với các phương pháp như scanning, skimming, word chunking… Tuy nhiên, đọc nhanh có một số điểm yếu, ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ của người đọc.

Trước hết, khả năng tiếp nhận thông tin của con người là hữu hạn, và cơ thể sinh học đang nạp quá tải thông tin đầu vào. Theo nghiên cứu Informational approach to knowledge of reality (Semenyuk, 1988), ngày nay, khối lượng thông tin con người tiếp nạp vào não bộ khoảng 100.000 bit/giây, trong khi thực tế khả năng xử lý thông tin chỉ 25-100 bit/giây.

Trước “biển thông tin” như vậy, với khả năng tiếp nhận thông tin có hạn, con người buộc phải lựa chọn thông tin để nạp. Các thông tin dễ nạp nhất là các vấn đề gây tranh cãi, các quan điểm hoàn toàn ủng hộ hoặc hoàn toàn đối lập với quan điểm của chủ thể. Ngoài ra, con người cũng tự động “xóa” nhiều thông tin để tạo khoảng trống cho dòng thông tin mới liên tục đổ vào.

Quá nhiều thông tin xấu, hỗn loạn, thiếu tính hệ thống nạp vào khiến con người xói mòn khả năng suy nghĩ, phân loại thông tin, xử lý thông tin, tạo ra quan điểm, lý lẽ và tri thức. Tác giả Milena Tsvetkova đã nhận định như vậy trong The Speed Reading is in Disrepute: Advantages of Slow Reading for the Information Equilibrium. Dù con người không thể tăng tốc độ xử lý thông tin, nhưng cũng không có lựa chọn nào khác ngoài trở thành một phần của “cuộc đua tốc độ”.

Có thể kết luận, kỹ năng đọc nhanh sẽ giúp con người nắm thông tin trong thời gian ngắn hơn, nhưng ít giúp con người tăng khả năng suy nghĩ, hay kết nối thông tin đó với hệ thống hiểu biết sẵn có.

Đọc nhanh để AI, con người cần tập đọc chậm

Để không trở thành nô lệ của dòng chảy thông tin, con người cần chú trọng phát triển bản sắc cá nhân, tạo nên tư duy và cảm xúc độc lập khi đọc bất kỳ thông tin nào. Đọc chậm sẽ tạo không gian để hình thành những bản sắc cá nhân này. Đây là quan điểm đã được ủng hộ bởi nhiều nhà giáo dục hiện nay.

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - Giảng viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng speed reading (đọc nhanh) sẽ chết trong kỷ nguyên AI. Tiến sĩ nhận định: “AI đã làm rất tốt việc speed reading, hay tóm tắt, tìm từ khóa, nhưng slow reading (đọc chậm) chính là cách chúng ta cần đọc hiện nay. Đọc để thưởng thức, vừa đọc vừa đặt câu hỏi, vừa ngẫm nghĩ xem thông tin này đúng hay sai, khách quan hay không khách quan. Đọc chậm là để lắng nghe phản ứng bên trong cơ thể mình khi đọc. Để xem trái tim mình rung động ở đoạn nào, nhân vật ấy làm mình nhớ tới mẹ, tới người mình yêu thương ra sao. Đọc nhanh hớt váng sẽ không còn cần thiết nữa”.

Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Đại học FPT cũng cho rằng đọc chậm là một cách chiều chuộng bản thân, một cách “tập thể dục” cho bộ não bởi khi đọc sách, não tiêu tốn năng lượng gấp 25 lần so với tiếp nhận thông tin thụ động từ AI.

thoi dai thong tin, tri tue nhan tao, dien dan xuat ban, Hoang Nam Tien anh 1
Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng đọc chậm là một cách chiều chuộng bản thân, một cách “tập thể dục” cho bộ não. Ảnh: Diễn đàn Xuất bản số 2025.

Theo kết quả từ nghiên cứu Utilizing Slow Reading Techniques to Promote Deep Learning (Baldi và Mejia, 2023), đọc chậm giúp người đọc phát triển nhiều kỹ năng liên quan tới nhận thức cá nhân. Đọc chậm giúp người đọc phân tích văn bản kỹ hơn, phát triển tư duy phản biện, tăng khả năng kết nối các tri thức khác nhau, tăng kết nối cảm xúc với ý tưởng trong văn bản, tăng liên kết giữa thông tin tiếp nhận với thế giới thực, với kiến thức nền tảng đã có.

Khi AI đã có thể tóm tắt sách nhanh hơn tốc độ đọc của người, con người càng cần đọc chậm, đọc kỹ để phục vụ mục đích suy nghĩ, xây dựng quan điểm, xây dựng cảm xúc. AI có thể đưa cho con người thông tin nhanh hơn, nhưng quyết định thông tin đó phục vụ cho điều gì vẫn là quyền lực thuộc về con người.

Nguồn tin: znews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi