Đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản

Thứ ba - 20/08/2024 05:50
Hôm nay, ngày 19 tháng 8 năm 2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo về “Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW và góp ý sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xuất bản”.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hội In Việt Nam; đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Hội Xuất bản Việt Nam và đại diện các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành trong cả nước.
21 1
Toàn cảnh Hội thảo về hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản
 Báo cáo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Hai mươi năm qua, Chỉ thị số 42-CT/TW và Luật Xuất bản là cơ sở chính trị và hành lang pháp lý quan trọng để hoạt động xuất bản phát triển. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những chủ trương lớn của Đảng đã được thể chế hóa thành nhiều chính sách quan trọng giúp ngành xuất bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị có sự phát triển vững chắc về năng lực hoạt động:

Trong lĩnh vực xuất bản, nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6-8%/năm, năm 2023, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu  nhưng ngành xuất bản vẫn xuất bản được gần 37000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu). Số bản sách bình quân đạt 5,3 bản/người/năm. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh, đến nay đã có 29 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử; số đầu sách điện tử đạt 4500 đầu sách năm 2023 (chiếm đạt 15,3%) tổng số xuất bản phẩm trong năm.

Lĩnh vực In có bước tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, doanh thu toàn ngành hằng năm tăng trưởng đều khoảng 6%, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng khách hàng. Sản lượng in tăng bình quân đạt gần 10%/năm.

Trong lĩnh vực phát hành, các cơ sở phát hành sách đã năng động đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhiều doanh nghiệp phát hành sách có mạng lưới bán hàng ở nhiều tỉnh, thành phố; quy mô, cách thức phát hành sách ngày càng đa dạng (bán trực tiếp, bán qua điện thoại, bán qua sàn thương mại điện tử, bán qua mạng xã hội). Năm 2022, doanh thu ngành phát hành sách đạt trên 4500 tỉ đồng, năm 2023, doanh thu giảm nhưng vẫn đạt mức trên 4000 tỷ đồng.
21 2
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo tại Hội thảo
 Hội thảo đã lắng nghe 14 tham luận thuộc các lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành tập trung vào các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo trong các lĩnh vực.

Cần tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xuất bản, hoàn thiện quy định pháp luật đối với sách điện tử

Trình bày tại Hội thảo có ý kiến đại diện của một số nhà xuất bản như: Thông tin và Truyền thông, Thế giới, Trẻ, Phụ nữ… Các ý kiến đều tập trung vào một số nội dung như:

Các cơ chế, chính sách đối với hoạt động xuất bản đã được quy định trong Luật Xuất bản nhưng chưa được triển khai trong thực tiễn. Những vướng mắc, khó khăn về mô hình nhà xuất bản, về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với từng loại hình nhà xuất bản, nhất là những khó khăn, vướng mắc và vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay của một số nhà xuất bản; đánh giá đúng và thực chất về chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản trong tình hình mới; nghiên cứu đề xuất những chính sách phù hợp để phát triển xuất bản điện tử và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và những đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành bảo đảm phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo, Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đưa ra các ý kiến liên quan đến hoàn thiện pháp luật, cơ chế cho sách điện tử, như: chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; các chính sách cho sách điện tử; cải cách TTHC phù hợp với sách điện tử như: nộp lưu chiểu sách điện tử; rút ngắn thời gian đăng ký xuất bản điện tử, đặt hàng sách điện tử…
21 3
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận tại Hội thảo
Cần có sự cải cách, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển vững

Hội thảo lắng nghe ý kiến của đại diện Hội In Việt Nam, một số cơ sở in như In Công Đoàn, In Tiến Bộ tập trung vào các vấn đề như: Một số chính sách thuế đối với ngành in (không đánh thuế nhập khẩu; không xếp ngành in vào ngành CNTT); các chính sách đối với in xuất khẩu sách; quy định cụ thể đối với in gia công; bỏ các quy định về in ba bên…

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hội In Việt Nam khẳng định: Việc đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, Luật Đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp in phát triển nhanh chóng, thực sự trở thành một ngành kinh tế - kĩ thuật, một ngành công nghiệp  phụ trợ quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xuất bản, báo chí và phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những mặt hạn chế, yếu kém của các doanh nghiệp in trong nước cần có các giải pháp khắc phục để sự phát triển của ngành công nghiệp in được hài hòa, trong đó cần sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp in và sự cải cách, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển vững chắc và hài hòa hơn.

Các ý kiến thuộc lĩnh vực phát hành tập trung vào các chính sách đối với việc xuất nhập khẩu sách; giải pháp chống hàng giả; việc phát hành đối với sách điện tử; rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên của đối tác liên kết…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá đây là hoạt động rất quan trọng góp phần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư.
21 4
Ông Nguyễn Thanh Lâm- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu kết luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm ghi nhận những đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị của các đơn vị sẽ là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện Luật Xuất bản sửa đổi trong thời gian tới.
 
File đính kèm

Nguồn tin: Đào Thúy Ngà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi