Xung quanh đề xuất lùi Brexit của Anh

Thứ hai - 25/03/2019 04:20
 Ngay sau khi Thủ tướng Theresa May gửi thư đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk xin gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon cho tới 30/6/2019, chính trường nước Anh trở nên “nóng” chưa từng thấy.

 


Thủ tướng Anh Theresa May xin gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon cho tới 30/6/2019 - Ảnh: AP


Anh tổ chức trưng cầu hồi tháng 6/2016 với kết quả 52% người bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit). Theo kế hoạch, Anh sẽ rời liên minh vào ngày 29/3. EU hồi tháng 11/2018 chấp nhận Thỏa thuận rút lui và Tuyên bố chính trị về quan hệ EU - Anh trong tương lai của London. Các bên đã mất 17 tháng để đưa ra các điều khoản cho Brexit, bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân và Bắc Ireland.

Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận này đã 2 lần bị quốc hội Anh bác bỏ. Đa phần nghị sĩ cho rằng nó khiến Anh chịu thua thiệt.

Trong thư gửi cho ông Tusk, bà May cho biết bà có ý định đưa thỏa thuận Brexit trở lại Quốc hội một lần nữa. "Tôi tin tưởng rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn thỏa thuận một cách xây dựng. Nhưng điều này rõ ràng không thể hoàn thành được trước ngày 29/3", bà viết.

"Tôi không muốn gia hạn dài. Với tư cách Thủ tướng, tôi sẽ không tiếp tục trì hoãn Brexit sau 30/6", bà nhấn mạnh.

Báo chí địa phương cho rằng câu nói trên của bà May đã đưa ra ranh giới đỏ: Hoặc Brexit phải diễn ra trong khoảng thời gian từ nay đến 30/6 hoặc không thì sẽ có một ai đó lên thay bà "để dọn mớ bòng bong" này. Mặc dù là bà May có quyền tại vị an toàn đến 12/2019 sau khi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi tháng 12/2018. 

Phát biểu của Thủ tướng May tại Hạ viện ngày 20/3 đã khiến tất cả các phe nhóm chính trị tức giận. Phe ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý lần hai đưa ra yêu cầu Thủ tướng công khai thỏa thuận này cho công chúng Anh có ý kiến. Những người ủng hộ "Brexit mềm" muốn đưa ra bỏ phiếu thăm dò để tìm cách khác thay thế cách hiện nay và những người thuộc phe cứng rắn trong nhóm những người ủng hộ Brexit thì bày tỏ sự tức giận khi nước Anh đã không thể rời EU vào ngày 29/3 như đã cam kết.

Với tuyên bố trên, bà May đã khẳng định bà không có nguyện vọng để kéo dài việc kích hoạt điều khoản 50. Báo chí địa phương đặt ra câu hỏi không biết liệu bà May sẽ vẫn là Thủ tướng Anh đến mùa Hè này không? Khi bước vào căn nhà số 10 phố Downing mùa Hè năm 2016, bà May đã nói nhiệm vụ của Chính phủ là thực hiện ý nguyện của cuộc trưng cầu ý dân và bảo đảm cho việc nước Anh rời EU.

Về phía mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 20/3 tuyên bố, các nhà lãnh đạo EU có thể chấp nhận trì hoãn việc Anh rời khỏi EU. "Qua các cuộc tham vấn mà tôi tiến hành trong những ngày qua, tôi tin rằng một sự gia hạn ngắn sẽ khả thi, song điều này sẽ phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận rời khỏi (EU) tại Hạ viện Anh", ông Donald Tusk nói.

Tuy nhiên, Pháp cảnh báo sẽ phản đối yêu cầu trì hoãn Brexit của Anh, trừ khi bà Theresa May đưa ra một chiến lược rời khỏi đáng tin cậy cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng nếu bà May không thể đưa ra những bảo đảm cần thiết về một chiến lược đáng tin cậy tại cuộc họp Hội đồng châu Âu thì yêu cầu sẽ bị từ chối và có khả năng xảy ra Brexit không thỏa thuận.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Đức cho hay, việc trì hoãn Brexit cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử châu Âu vào cuối tháng 5 sẽ không có vấn đề về pháp lý.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi