Xung quanh cuộc trưng cầu dân ý ‘rúng động’ của người Kurd

Thứ hai - 02/10/2017 04:49
 Cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu tự trị người Kurd ở Iraq đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ chia rẽ và bất ổn chính trị sâu sắc không chỉ ở quốc gia Trung Đông này, mà còn với cả khu vực. Hành động này đã gây ra hàng loạt phản ứng trong khu vực và trên thế giới trước nỗi lo về một làn sóng ly khai.
Bên ngoài một điểm bỏ phiếu tại khu vực của người Kurd. Ảnh: Reuters


Kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại khu vực người Kurd ở Iraq cho thấy, có trên 90% người bỏ phiếu ủng hộ tách khu vực người Kurd khỏi Iraq.

Với đà này, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và nhiều nơi khác cũng có thể học theo mô hình này. Đó là lý do vì sao nhiều nước tỏ ra lo ngại về cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có ranh giới sát khu vực người Kurd ở Iraq. Ngoài ra, đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị Chính phủ nước này liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố qua hàng loạt vụ đánh bom. Chính phủ Thổ Nhì Kỳ đe dọa cho ngừng dòng chảy dầu thô từ khu vực người Kurd tại Iraq sang cảng Ceyhan cũng như cấm vận thương mại khu vực người Kurd.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và tất nhiên là Iraq cũng có nhiều biện pháp mạnh với khu vực người Kurd ở Iraq. Baghdad ra lệnh đóng cửa không lưu khu vực người Kurd. Ngay cả Mỹ và Anh cũng cật lực phản đối cuộc trưng cầu dân ý này vì điều đó đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, nơi Mỹ và Anh đã phải tốn cả xương máu và tài chính để xây dựng dựng lại một Iraq đang kiệt quệ vì chiến tranh.

Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd ở Iraq, đồng thời cho biết Ankara sẽ hủy các giao dịch dầu mỏ với chính quyền tự trị người Kurd và chỉ phối hợp với chính quyền Baghdad trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iraq.

Baghdad đã đã ban bố lệnh cấm mọi chuyến bay quốc tế đến và đi từ thủ phủ Arbil của khu tự trị người Kurd cho đến khi chính quyền Kurd trao lại các sân bay Arbil và Sulaimanya cho chính quyền trung ương Baghdad quản lý. Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của Baghdad đối với KRG kể từ khi Kurdistan tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trái phép.

Tại khu vực Trung Đông, các hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Ai Cập, Jordan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 27/9 thông báo ngừng mọi chuyến bay đi và đến khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Tại Syria, Ngoại trưởng Walid al-Moualem nhấn mạnh chính phủ nước này bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập do Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) tổ chức tại miền Bắc Iraq.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra của cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của KRG.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã bày tỏ quan điểm lấy làm tiếc về cuộc trưng cầu ý dân của KRG và quan ngại rằng "một số bên đã khai thác cuộc khủng hoảng để làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và kích động xung đột mới trong khu vực".

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về "những hệ lụy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn" liên quan đến cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng người Kurd.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cũng cảnh báo cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực

Lo ngại việc người Kurd độc lập có thể trở thành nguồn cơn gây xung đột mới là nguyên nhân chính khiến chính quyền Baghdad, một số nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế tích cực phản đối cuộc trung cầu dân ý đòi độc lập cho người Kurd ở Iraq. Nhất là, hành động này còn có nguy cơ “truyền cảm hứng” cho làn sóng ly khai, vốn không phải là mới nhưng dường như mang tính chất domino.

Cụ thể là không lâu sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, đến lượt Scotland cũng trưng cầu dân ý rời Liên hiệp Anh. Giờ đây là khu vực người Kurd ở Iraq và khu vực Catalonia ở Tây Ban Nha. Trước đó nữa là trưng cầu dân ý ở Quebec (Canada), Nam Sudan và Australia… Nhưng có lẽ trào lưu ly khai và độc lập trỗi dậy mạnh nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đó là lý do tại sao không ít người lo ngại thế giới đang tan rã thông qua cuộc nội chiến và chủ nghĩa ly khai.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi