![]() |
Học sinh Lai Châu vượt suối dữ đến trường - Ảnh: TTXVN |
![]() |
Lễ khai giảng của các học sinh điểm trường Nậm Ngà diễn ra đơn giản trên bãi đất bên bờ suối. |
Trong khi nhiều trường học trên cả nước rợp cờ hoa, bóng bay đủ sắc màu thì lễ khai giảng của các học sinh điểm trường Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) diễn ra đơn giản trên bãi đất bên bờ suối.
Theo ông Hử, do khuôn viên điểm trường không có sân nên chính quyền xã đã nhờ doanh nghiệp san phẳng một khu đất trống ven suối Nậm Ngà làm nơi tổ chức lễ khai giảng.
Vào những ngày mưa lớn và mùa mưa, khu vực làm sân cho lễ khai giảng hôm nay sẽ bị ngập hết bởi nước suối dâng cao.
Trên địa bàn xã Tà Tổng chỉ có điểm trường ở trung tâm xã là được xây dựng kiên cố, còn lại các điểm trường khác vẫn đang là nhà xây tạm cho các cháu học, chưa được xây kiên cố.
![]() |
Lễ khai giảng tại liên Trường mầm non, Tiểu học và THCS xã Khun Há - Ảnh: VGP/Công Việt |
Còn lễ khai giảng tại liên Trường mầm non, Tiểu học và THCS xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã diễn ra ngắn gọn với nghi thức đón học sinh đầu cấp vào trường, hát quốc ca; học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; hiệu trưởng các nhà trường đọc diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường.
![]() |
Ảnh: VGP/Công Việt |
Sau phần lễ là phần hội với các tiết mục văn nghệ, thể thao sôi nổi, phù hợp với lứa tuổi học trò. Riêng cấp học mầm non, các đơn vị trường tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé”.
![]() |
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa nô nức đi khai giảng - Ảnh: TTXVN |
![]() |
Ảnh: TTXVN |
![]() |
Học sinh tỉnh Đồng Tháp đi đò đến trường - Ảnh: TTXVN |
Ấp Giồng Bàng, nơi cách trung tâm xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự hơn 5 km, hiện đang bị chia cắt. Mọi nhu cầu di chuyển, đi lại của 70 gia đình với hơn 170 nhân khẩu đều phụ thuộc vào đường thủy. Trên tuyến dân cư được xây dựng theo cao độ của đỉnh lũ năm 2000 hiện có trường mầm non và 1 điểm phụ của Trường Tiểu học Thường Phước 1 với gần 50 học sinh đang theo học.
Là giáo viên giảng dạy ở điểm phụ Giồng Bàng, Trường Tiểu học Thường Phước 1 gần 20 năm, thầy Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: Khi con nước tràn đồng, giáo viên ở đây đã quá quen với việc đi đò để đến lớp, đến trường, chuẩn bị cơm nắm cho những ngày lên lớp 2 buổi. Thời gian đến trường bằng đường thủy dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời gian đi xe vào mùa khô. Chưa kể nguy hiểm luôn rình rập, tâm lý các thầy cô, học sinh phần nào cũng ảnh hưởng do nước chảy siết, nhất là khi trời mưa bão.
Khó khăn là vậy nhưng thầy Nguyễn Văn Hợp và các giáo viên ở điểm trường này đều kiên quyết bám trường, bám lớp, lặn lội mang con chữ "gieo" đến nơi được xem là "ốc đảo vùng rốn lũ" với mong muốn các em được đến trường. Dù nước thì ngập trắng đồng thì việc học của học sinh vẫn được đảm bảo.
Nếu như các em nhỏ cấp tiểu học và mầm non được học tại chỗ thì hơn 20 học sinh ở Giồng Bàng đang theo học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông phải băng đồng đến trường vào mùa nước nổi. Em Đỗ Thị Trúc Linh, học sinh lớp 7A7, Trường Trung học cơ sở Thường Phước 1 chia sẻ: Năm nào nước cũng ngập nên em đã quen với nước. Em đã biết bơi nhưng nước ngập sâu thì chỉ có thể đi học bằng xuồng. Do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa em đi học hàng ngày. Thật may là có phương tiện đưa đón miễn phí nên em tiếp tục có điều kiện đến trường.
![]() |
Ảnh: TTXVN |
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: Là địa bàn đầu nguồn vùng lũ nên nhiều năm qua ngành giáo dục huyện cũng như chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan luôn có “kịch bản” ứng phó phù hợp với thực tiễn từng năm. Qua thống kê, năm 2018 toàn huyện có khoảng 26.000 học sinh đến trường. Do nước lũ dâng cao nên khu vực địa bàn ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 và ấp Giồng Duối xã Thường Thới Hậu A nước đã chia cắt hoàn toàn, có khoảng 45 học sinh học trung học cơ sở và trung học phổ thông cần được đưa đến trường. Công tác đưa đón học sinh đã được UBND xã, bộ đội biên phòng và người dân tổ chức 3 buổi/ngày.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm khẳng định: Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 210 học sinh phải đi học bằng phương tiện đường thuỷ. Ngoài huyện Hồng Ngự, tại huyện Tam Nông, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Thành B (điểm phụ ấp Phú Hòa) và Trường Tiểu học Hòa Bình A (điểm phụ kinh Kháng chiến) có hơn 150 em học sinh đi học bằng đường thủy. Riêng huyện biên giới Tân Hồng có 14 học sinh cần phải đưa đón qua sông... Vì vậy để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, chính quyền địa phương đã vận động người dân tổ chức đưa đón học sinh bằng xuồng máy và được trang bị áo phao. Một số học sinh được cha mẹ trực tiếp đưa đến trường. Hoạt động đưa đón này sẽ được thực hiện đến khi hết lũ.
Hòa chung không khí náo nức chào đón năm học mới trên cả nước, hàng nghìn học sinh các cấp trên địa bàn vừa bị ảnh hưởng của lũ quét tại tỉnh Sơn La cũng đã vui mừng, phấn khởi đón lễ khai giảng năm học mới.
Từ sớm, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt (huyện Mai Sơn) - một trong những trường chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề từ các trận lũ quét xảy ra vào cuối tháng 8/2018 - đã nô nức đến dự lễ khai giảng được tổ chức tại Nhà văn hóa xã Nà Ớt.
Đúng 8 giờ ngày 5/9, thầy Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt đã đánh hồi trống khai giảng năm học mới 2018-2019. Toàn trường đã lắng nghe Thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước. Năm học này, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, đơn giản song vẫn giữ được không khí trang trọng. Trên khuôn mặt các thầy cô giáo và các em học sinh đều rạng rỡ niềm vui, hi vọng một năm học diễn ra tốt đẹp.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn