Xuất khẩu rau quả: Hiệu quả từ việc phục vụ DN

Thứ sáu - 10/06/2016 00:12
 Lĩnh vực sản xuất rau quả là gam màu sáng hiếm hoi khi giá trị xuất khẩu (XK) luôn tăng trưởng. Đây được đánh giá là “trái ngọt” của chuyển đổi cách tiếp cận khi làm việc với các doanh nghiệp (DN).
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Việc chứng nhận kỹ thuật để xuất khẩu rau, quả tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc phần lớn vào Cục bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT. Phần việc vừa liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, vừa liên quan đến uy tín ngành hàng của Việt Nam đã tạo thành một nếp làm việc khá nguyên tắc của nhiều cán bộ kiểm dịch thực vật.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu của hội nhập, mọi trình tự thủ tục nếu không song hành với đời sống của DN thì sẽ trở thành rào cản để đưa sản phẩm ra thị trường. Xung quanh câu chuyện chuyển đổi nhận thức của cả hệ thống BVTV, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Trong 5 tháng vừa qua, hầu hết các ngành hàng nông sản đều có sự giảm sút về giá trị và số lượng, nhưng theo số liệu của Bộ NN&PTNT thì riêng ngành rau quả lại có xu hướng tăng. Xin ông lý giải về hiện tượng này?

Ông Hoàng Trung: Thật ra đây không hẳn là một hiện tượng mà là cả một quá trình tăng trưởng trong lĩnh vực này. Nhìn lại kết quả xuất khẩu năm 2015, kim ngạch XK của ngành rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng tới 47% so với năm 2014.

Đến thời điểm này, theo thống kê XK 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK rau, quả đã đạt gần 1 tỷ USD, trong khi đó cả 6 tháng đầu năm 2015 mới đạt hơn 880 triệu USD.

Đây được xem là cả một quá trình, bởi kết quả này đến từ việc đàm phán mở cửa được nhiều thị trường mới để đưa rau, quả của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Song song với nhiều FTA thế hệ mới được ký kết, hiện nay, tất cả các thị trường Đông Âu, EU và Đông Nam Á, các loại trái cây rau củ quả của chúng ta đều thỏa mãn điều kiện kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu, chúng ta đều có thể tiếp cận và xuất khẩu hàng hóa sang.

Như vậy có thể hiểu giá trị xuất khẩu ngành rau, qua đang đem lại một phần lớn là do các hiệp định thương mại đang dần có hiệu lực?

Ông Hoàng Trung: Đó có thể là một dấu hiệu tốt của các hiệp định thương mại. Nhưng thực tế công tác BVTV trong bối cảnh hiện nay không còn đơn thuần là công tác kỹ thuật mà còn cần các kiến thức về kinh tế và sự nhạy cảm thị trường nữa. Khi các FTA thế hệ mới được ký kết, các dòng thuế đều giảm xuống đến 95% nhưng nước nào cũng có những động tác nâng rào cản kỹ thuật lên để cố gắng bảo vệ sản xuất trong nước.

Do đó, chúng tôi xác định rõ công tác kiểm địch phải luôn cập nhật, thích ứng và giải quyết rào kỹ thuật của nhiều thị trường khác nhau.

Từ việc xác định này chúng tôi cũng thúc đẩy cán bộ làm việc có trách nhiệm hơn, sát người dân và doanh nghiệp hơn. Chính vì vậy, việc sản xuất ở ngay các địa phương cũng được chính quyền cơ sở quan tâm chỉ đạo hơn. Từ đó vấn đề kiểm soát sâu bệnh, sản xuất theo quy hoạch, theo các quy trình chuẩn... cũng được nâng lên. Như vậy chất lượng rau quả của Việt Nam mới có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính như hiện nay.

Cục BVTV là một trong những đơn vị chứng nhật kỹ thuật có tính chất quyết định để có thể XK rau quả. Làm thế nào để có thể hạn chế việc cán bộ dùng “hàng rào kỹ thuật” để gây khó cho DN, thưa ông?

Ông Hoàng Trung: Như tôi đã nói, công tác kiểm dịch thực vật trước kia đơn thuần là kỹ thuật nên đòi hỏi tính nguyên tắc nhất định. Việc làm theo nguyên tắc có để giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm nhưng cũng có những bất cập khi thị trường sôi động như hiện nay.

Thực tế để xuất khẩu một lô hàng rau, quả một mình đơn vị chúng tôi không quyết định được hết về thủ tục và pháp lý nhưng là đơn vị chính. Nếu làm việc thiếu linh động thì không thể có hiệu quả với ngành hàng yêu cầu độ tươi sống cao như rau, quả.

Ngay như trong vụ vải thiều năm nay, Cục BVTV đã chủ động mời gọi nhiều DN lớn đã XK được vải thiều năm ngoái ra thăm quan các vùng nguyên liệu tại Bắc Giang. Các cán bộ BVTV đã  “nằm vùng” sản xuất cùng bà con để quả vải được làm ra đúng tiêu chuẩn, quy trình các nước nhập khẩu yêu cầu. Cùng với đó, chính các cán bộ này sẽ là các “hướng dẫn viên” cho DN.

Toàn bộ cán bộ BVTV đều được quán triệt công tác kiểm dịch cho vải XK phải được túc trực 24/24h, DN yêu cầu là có mặt, bất kể giờ giấc hay ngày nghỉ. Ngoài việc miễn phí kiểm dịch với trái vải, mọi thủ tục kiểm dịch sẽ được làm ngay tại chỗ, không để DN phải đi lại hay phát sinh chi phí gì thêm khi thực hiện kiểm dịch.

Ông có nhắc đến việc thúc đẩy trách nhiệm của mỗi cán bộ trong ngành, việc này thực tế được thực hiện ra sao?

Ông Hoàng Trung: Hiện nay Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ một nghị định chung về điều kiện sản xuất kinh doanh. Đây được xác định là nghị định “cởi trói” cho DN. Các điều kiện kinh doanh sẽ được quy định rõ ràng, thông thoáng và hỗ trợ DN tối đa để nâng cao sức cạnh tranh.

Nghị định chưa chính thức được ban hành nhưng toàn đơn vị chúng tôi đã quán triệt tinh thần phục vụ DN đến từng cán bộ. Ngay từ những chỉ đạo cụ thể của chúng tôi về các loại phí đã miễn, giảm tối đa cho những mặt hàng mang tính thời vụ. Việc cấp chứng nhận không có chuyện đón rước cán bộ mà cán bộ kiểm dịch phải lao vào việc cùng DN. Tùy theo yêu cầu và vị trí DN lưu hàng, cán bộ BVTV phải kiểm dịch từ nơi sản xuất cho đến sân bay, cầu cảng xuất đi thì thôi.

Cá nhân tôi chỉ cần nghe thông tin có cán bộ kiểm dịch gây nhũng nhiễu hoặc có thái độ gây khó cho DN tôi sẽ yêu cầu điều chuyển cán bộ đó ngay, rồi sau đó hậu xét sự vụ. Việc điều chuyển sẽ “đánh động” những cán bộ có hành động hoặc tư tưởng trục lợi từ DN. Nếu có sai phạm thực sự chúng tôi sẽ xử lý cán bộ lập tức để giữ vững kỷ luật ngành.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi