Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị
Sáng ngày 12/10/2018, tại Yên Bái, Bộ TT&TT phối hợp với Công đoàn TT&TT Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ năm 2018 cho các cán bộ làm công tác bình đẳng giới, cán bộ công đoàn, nữ công. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam: Ông Trần Vũ Hà, bà Tăng Thị Hoa; Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái Hà Ngọc Văn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, bình đẳng giới ở Việt Nam là nguyên tắc hiến định. Ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946, nguyên tắc bình đẳng giới đã được quy định tại Điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Chúng ta cũng có thể tự hào Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước của Liên hợp quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ vào năm 1980.
Bảo đảm bình đẳng giới thực chất, bảo đảm sự tiến bộ của phụ nữ luôn là hoạt động ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta. Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW tháng 4/2007 về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, vì vậy, bình đẳng giới cần được nhìn nhận không chỉ theo cách truyền thống, mà còn phải mở rộng phạm vi hơn sang khía cạnh xóa bỏ bất bình đẳng giới trong nền kinh tế số; loại bỏ khoảng cách số về giới. Trong bối cảnh đó, CNTT chính là phương tiện trao quyền cho phụ nữ và hiện thực hóa các mục tiêu về bình đẳng giới. CNTT chính là công cụ đặc biệt quan trọng để ngành TT&TT thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, từ đó lan tỏa ra các ngành, nghề khác trên cả nước.
Trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đến năm 2020, khoảng 7,1 triệu việc làm sẽ bị thay thế. Đến năm 2050, khoảng một nửa số công việc ngày hôm nay sẽ không còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là khoảng 65% con cái của chúng ta bước vào tiểu học ngày hôm nay, sẽ ra trường và làm những công việc mà chúng ta chưa từng biết tới. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, 90% số công việc trong tương lai sẽ đòi hỏi kỹ năng về CNTT. Và phụ nữ không chỉ là người mẹ mà còn là người thầy đầu tiên của các con mình. Việc được trang bị và tự trang bị các kỹ năng CNTT cần thiết sẽ tạo thêm lợi thế cho nữ giới ngành TT&TT và qua đó mang lại lợi thế cho con cái và những người xung quanh.
Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm: Chị em phụ nữ của ngành hiện diện ở mọi nơi trên cả nước, từ các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…. mang sứ mệnh lan tỏa thế mạnh CNTT của ngành. Sự thành công của các đồng chí chính là minh chứng thuyết phục nhất cho việc ứng dụng CNTT vào thực hiện bình đẳng giới, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và phát triển toàn diện con người.
“Việt Nam là một trong những nước đi đầu về xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong hơn 20 năm qua. Chúng ta có Chủ tịch nước, có nữ Chủ tịch nước… Và tôi đặt câu hỏi tại sao chúng ta không nghĩ đến một tương lai không xa rằng, chúng ta sẽ có nữ Bộ trưởng đầu tiên dẫn dắt ngành CNTT Việt Nam. Chính các đồng chí là nguồn nhân lực tạo ra niềm tin đó”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh./.