Vụ chạy thận ở Hòa Bình: 9 bệnh nhân đang phục hồi tốt

Thứ tư - 31/05/2017 00:45
 10 bệnh nhân trong sự cố chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hòa Bình được chuyển về BV Bạch Mai, có 9 bệnh nhân đang phục hồi tốt, 1 bệnh nhân nặng hơn đang được chạy lọc máu liên tục tại Khoa Cấp cứu.
9 bệnh nhân chuyển lên BV Bạch Mai đang hồi phục tốt. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tính đến thời điểm này, sự cố hy hữu trong quá trình chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã khiến 7 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân đang nguy kịch được cấp cứu tại Hòa Bình và 10 bệnh nhân khác đã được chuyển về BV Bạch Mai để điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong 10 bệnh nhân đã được chuyển về BV Bạch Mai, có 9 bệnh nhân đang phục hồi tốt, 1 bệnh nhân nặng hơn đang được chạy lọc máu liên tục tại Khoa Cấp cứu.

Hiện tại, BVĐK tỉnh Hòa Bình có gần 100 bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ tại đây. “Để những bệnh nhân này không gián đoạn chạy thận vì Khoa Thận nhân tạo của BV đã dừng hoạt động, các bệnh nhân này sẽ được đưa về Hà Nội để tiếp tục chạy thận”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.

Về nguyên nhân của vụ việc, ngành y tế vẫn đang xác định để có hướng khắc phục. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hạn chế tối đa tổn thương và tử vong đối với bệnh nhân. Các nhóm chuyên gia đầu ngành về hồi sức, thận, chống độc cũng đã được đưa về tuyến dưới để ổn định tâm lý bệnh nhân”, Thứ trưởng nói.

Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, bệnh nhân cuối cùng hiện đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng sẽ được chuyển về BV Bạch Mai.

“BV Bạch Mai đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội, mọi chi phí điều trị sẽ được đơn vị này hỗ trợ tối đa, để đạt được mục đích cuối cùng là cứu chữa bệnh nhân”, đại diện BV Bạch Mai cho biết.

Trong sáng nay (30/5), trả lời báo chí, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai cho biết, đây là sự cố nghiêm trọng hy hữu xảy ra trong ngành y.

"Biến chứng xảy ra với 1-2 bệnh nhân khi đang chạy thận thi thoảng vẫn ghi nhận. Nhưng vụ việc ở BVĐK tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa cực kỳ nghiêm trọng. 45 năm qua, kể từ khi Việt Nam có chuyên ngành chạy thận nhân tạo chưa từng xảy ra. Trên y văn thế giới, tôi được biết cũng mới chỉ có một vụ tương tự nhưng đã xảy ra từ rất lâu rồi".

Theo TS. Dũng, để thực hiện được một ca lọc máu quy trình rất chặt chẽ, phải có nước lọc máu, quả lọc máu, thăm khám bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân trong 3-4 giờ đồng hồ… Trên thế giới cũng như Việt Nam, khi thực hiện một kỹ thuật y khoa đều phải nắm rõ các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Cụ thể, có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Các tai biến này xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm.

“Đặc biệt, nếu để khí lọt vào máu trong quá trình bơm máu vào bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần 10 ml khí chèn vào có thể gây biến chứng tắc mạch máu, tử vong. Tuy nhiên những biến chứng này rất hiếm gặp vì máy móc chạy thận hiện nay rất hiện đại”, TS. Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Cũng theo TS. Dũng, đây chỉ là sự cố cục bộ, nhất thời, chứ không phải xảy ra trong cả hệ thống chạy thận.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi