![]() |
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) |
Thưa ông, năm nay có một điểm khá lớn tác động tới VNPT, đó là chuyển giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc này có tác động như thế nào đối với VNPT khi thực hiện các nhiệm vụ về tái cơ cấu Tập đoàn? Xin ông cũng chia sẻ thêm trong cơ chế quản lý mới, có lợi thế và khó khăn gì đối với VNPT?
Ông Phạm Đức Long: Với VNPT, sự thay đổi này không tạo ra nhiều khác biệt trong năm 2018 vì ngày 15/11, VNPT mới chính thức chuyển giao. Vì vậy, cho đến nay vẫn chưa có tác động nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT. Còn đối với vai trò quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ tập trung vào quản lý nhà nước đối với các cơ chế, chính sách cho thị trường - điều này vẫn giống như trước đây vì phần lớn sự tương tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp trước nay vẫn là trên các chính sách quản lý.
Với việc chuyển giao này, chức năng quản lý vốn nhà nước và quản lý cơ chế chính sách sẽ được tách bạch. Và tôi nghĩ sự tách bạch này sẽ giúp các cơ chế chính sách được nâng cao hơn, thắt chặt hơn, sâu sát và phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như phù hợp hơn với các quy luật chung của thế giới.
Còn đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do thực sự mới chuyển về nên cũng chưa có nhiều thay đổi. Hơn nữa, với VNPT khi chủ động được nguồn vốn đầu tư thì sự ảnh hưởng của việc quản lý này sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể.
Thời gian qua, VNPT tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2 (2018-2020). Riêng vấn đề thoái vốn được Tập đoàn thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Đức Long: Năm qua, VNPT cũng chỉ thực hiện thoái vốn được tại 4 doanh nghiệp và những doanh nghiệp thoái vốn được đều đem lại hiệu quả rất cao. Ví dụ: Viteco bán được giá trên 40.000 đ/cổ phần, cao hơn nhiều so với giá giao dịch trên sàn (14.000 đ/cổ phần)… Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp thoái vốn song phải trên cơ sở đem lại hiệu quả, không được làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Hiện, VNPT vẫn còn một số công ty cổ phần (các công ty xây lắp), đấu giá nhiều lần song không có nhà đầu tư quan tâm. VNPT đã có văn bản trình các cấp đề nghị cho phép chuyển các công ty này về SCIC để thực hiện đấu giá theo lô, hoặc cho phép giãn nợ. Các doanh nghiệp này vốn rất nhỏ, chỉ khoảng vài tỷ.
Năm 2019, VNPT sẽ thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ. Đến thời điểm này VNPT đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
Ông Phạm Đức Long: Về cổ phần hoá, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Tập đoàn đã thành lập bộ máy chuẩn bị và các tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cổ phần hoá Tập đoàn. Tuy nhiên, hiện nay có mấy vấn đề lớn. Thứ nhất là đất đai, Tập đoàn đã tiến hành làm việc này từ năm 2016, với mục tiêu thời điểm đó là quản lý chặt chẽ hơn thủ tục toàn bộ hồ sơ đất đai. Và khi thực hiện cổ phần hóa thì phương án được phê duyệt rất nhanh. Hiện còn vấn đề “được cấp có chủ quyền phê duyệt” song đang tranh cãi giữa các bên về cấp có chủ quyền là đơn vị nào. Về hồ sơ chuẩn bị cho các phương án đấu thầu, hằng tháng, VNPT vẫn gửi văn bản đề nghị phê duyệt.
Thứ hai là kiểm kê tài sản, VNPT có hệ thống tài sản lớn, rất rộng và đã tổ chức kiểm kê, thực hiện dán nhãn QR code để quản lý. Một số tài sản đang kiến nghị lên cấp trên để loại trừ, ví dụ như thiết bị modem ở nhà khách hàng, vệ tinh, cáp biển…
Tuy nhiên, để xác định giá trị doanh nghiệp vào đầu năm 2019 - không thể đạt được mốc thời gian này.
Nhìn lại một năm vừa trôi qua, theo ông khó khăn lớn nhất của VNPT là gì?
Ông Phạm Đức Long: Năm 2018, VNPT đã chuẩn bị rất kỹ và thực sự đã rất nỗ lực trong mảng kinh doanh song điểm không hài lòng chính là mảng di động. Chúng tôi chưa chủ động để thay đổi kịp thời với sự biến động của môi trường quản lý.
Năm 2018, chúng tôi đánh giá môi trường quản lý nhà nước trong ngành có nhiều thay đổi và thay đổi nhanh. Sự thay đổi này phù hợp với quy luật song việc thay đổi nhanh này tạo ra nhiều khó khăn cho các nhà mạng trong việc thích ứng kịp thời. Ví dụ như chính sách quản lý về giá cước data hiện cũng không được quản lý chặt chẽ, dẫn tới sự cạnh tranh quá quyết liệt giữa các nhà mạng, ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Đầu tiên là ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường, từ đó dẫn tới ảnh hưởng tới khách hàng. Trước mắt, có thể khách hàng có lợi song về lâu dài nếu doanh nghiệp không tái tạo lại được nguồn lực đầu tư phát triển thì sẽ dẫn đến giảm sút chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Thời gian qua, thị trường ICT đang có xu hướng thay đổi. Với VNPT thì việc xác định trụ cột phát triển có thay đổi theo hay không, thưa ông?
Ông Phạm Đức Long: Từ cuối năm 2017, Tập đoàn đã chính thức triển khai chiến lược phát triển mới với mục tiêu chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang thành nhà cung cấp dịch vụ số. Năm 2018, Tập đoàn đã hình thành thêm một trụ cột về công nghệ thông tin với việc thành lập công ty VNPT-IT, tập trung nguồn lực công nghệ thông tin của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn và nhiệm vụ tập trung phát triển để chuyển đổi số.
Với các dịch vụ số, cần nhiều nền tảng dịch vụ và VNPT cũng đang tập trung để phát triển. Đó là những trụ cột của Tập đoàn.
Các trụ cột công nghiệp hay trụ cột liên quan tới phần dịch vụ cũng nằm trong kế hoạch chiến lược của Tập đoàn. Về công nghiệp thì phát triển các sản phẩm đầu cuối để đưa lên IoT cho phù hợp, các phần dịch vụ tích hợp.
Đặc biệt, năm 2018, VNPT mới chính thức công bố về chiến lược VNPT 4.0. Chiến lược này gồm các mục tiêu, nhiệm vụ được định vị rất rõ ràng, thiên về định lượng, cụ thể rõ các nội hàm cần triển khai. Tất cả các trụ cột mà trước đây VNPT đưa ra cũng rất phù hợp với chiến lược tầm nhìn dài hơn, nhằm đạt mục tiêu đưa VNPT lên ngang tầm với khu vực.
Đón đầu CMCN 4.0, các tập đoàn đang đầu tư rất nhiều vào các công nghệ mới như: AI, Big data, Block chain… Tập đoàn VNPT có định hướng hay kế hoạch như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Đức Long: Tập đoàn đã chọn một số công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 như AI, IoT, Block chain, điện toán đám mây, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và Cyber Security để nghiên cứu.
VNPT đã hoàn thiện được IoT platform và hiện chúng tôi đang triển khai cung cấp dịch vụ trên nền tảng đó. Tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Tập đoàn đã sử dụng platform này để xây dựng một trang trại nông nghiệp thông minh. Thậm chí, khi làm roadshow ở các trường đại học, chúng tôi sẽ cung cấp platform này để các sinh viên cũng như thí sinh tham dự phát triển các sản phẩm, ứng dụng mới trên đó. Trước đây tổ chức cuộc thi, mọi người có sản phẩm sẽ đem đến dự thi, thì nay ban tổ chức sẽ đưa ra nền tảng và các thí sinh sẽ phát triển ứng dụng trên đó, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ đó để trao giải cuộc thi.
Về AI và Block chain, hiện VNPT cũng đã có phòng nghiên cứu để phát triển các công nghệ này…
Tựu chung, nghiên cứu về công nghệ thì VNPT đã thực hiện từ lâu và hiện đã và đang làm chủ được công nghệ. VNPT đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như ứng dụng các công nghệ đó vào các sản phẩm sẵn có để giải quyết các bài toán của các địa phương, các bộ ngành.
Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần nói về việc thử nghiệm 5G và dự kiến sẽ triển khai vào năm 2020, vậy VNPT đã có những chuẩn bị như thế nào trong việc đầu tư cho 5G?
Ông Phạm Đức Long: Trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ công tác tại châu Âu mới đây, đại diện lãnh đạo VNPT đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác liên quan tới 5G. Theo đó, VNPT sẽ tiếp tục là một trong các doanh nghiệp tiên phong triển khai 5G khi các điều kiện chín muồi. Cụ thể, VNPT sẽ triển khai 5G khi đã có đầy đủ thiết bị đầu cuối thương mại rộng rãi. Phòng Lab 5G không chỉ nghiên cứu về công nghệ mà còn nghiên cứu phát triển các dịch vụ, ứng dụng trong hệ sinh thái 5G.
VNPT cũng sẽ hợp tác với Nokia triển khai thử nghiệm mô hình triển khai 5G, thử nghiệm cả về phương án kinh doanh khả thi. Khi nào đạt điều kiện thì chúng tôi sẽ triển khai. Dự kiến VNPT sẽ cố gắng thử nghiệm trong năm 2019 vì xu hướng thiết bị đầu cuối khá nhanh.
Hơn nữa, khi triển khai 4G, dòng tiền thu về từ data khá tốt, nên đây cũng là động lực để VNPT triển khai 5G.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn