![]() |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao tầm nhìn của Nhật Bản khi khởi xướng thành lập Chương trình SEARP. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị, trong 10 năm tới, Chương trình SEARP cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối để các nước Đông Nam Á tham gia sâu hơn và thực chất hơn nữa vào quá trình quản trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, hợp tác thuế, AI…, trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy quá trình cải cách để hướng tới các nền kinh tế có tiêu chuẩn quản trị cao, thân thiện với môi trường và hài hoà về xã hội.
Tại Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị với chủ đề “Hướng đến một nền kinh tế và xã hội bao trùm và bền vững”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển. Bộ trưởng đề xuất OECD đi đầu trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu, cụ thể: Một là, xây dựng một hệ sinh thái toàn cầu sáng tạo tận dụng tốt hai xu thế song song là chuyển đổi xanh và số, tập trung vào đổi mới sáng tạo, AI và chuyển đổi năng lượng công bằng. Hai là, tạo dựng cơ chế chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực để giúp các nước phát huy tối đa tiềm năng con người, khơi thông các động lực tăng trưởng và thúc đẩy thịnh vượng bao trùm. Ba là, thúc đẩy các nước OECD hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ cho các nước ngoài OECD triển khai các đột phá chiến lược, đặc biệt về con người, hạ tầng và thể chế.
*Chiều 2-5, tại Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Tổng thư ký OECD Mathias Cormann.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị OECD phối hợp cùng Việt Nam tập trung triển khai hai trọng tâm hợp tác quan trọng. Một là, hỗ trợ thực hiện 15 dự án trong Kế hoạch hành động Việt Nam - OECD giai đoạn 2022 - 2026. Hai là, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác trên cơ sở Bản ghi nhớ (MOU) thông qua các nghiên cứu, phân tích về nền tảng kinh tế Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các Ban chuyên môn của OECD, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách quản trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, thuế, kinh tế, phát triển, chính sách số, đầu tư, khoa học công nghệ….
Tổng thư ký Mathias Cormann đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với Chương trình SEARP; khẳng định coi trọng quan hệ Việt Nam – OECD; cam kết sẵn sàng phối hợp, chủ động cùng Việt Nam lựa chọn các Ban chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam nắm bắt và vận dụng các xu hướng và tiêu chuẩn toàn cầu cho quá trình hoạch định chính sách phát triển phù hợp.
Nguồn tin: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn