Qua thảo luận của đại biểu Quốc hội và giải trình của một số thành viên Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và 3 năm nửa đầu nhiệm kỳ vẫn duy trì sự ổn định và giữ được nhịp độ phát triển, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh và tình hình chính trị thế giới. Tuy nhiên, qua thảo luận, nổi lên một số vấn đề về kinh tế - xã hội cần quan tâm.
Thứ nhất, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề “nóng”. Đầu tư công với vai trò dẫn dắt và kích hoạt nền kinh tế, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, nhưng vấn đề giải ngân chậm hình như đã thành "thông lệ". Trong phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa nhận: đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%. Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn?
Nguyên nhân từ đâu? (1) Trước hết từ thể chế, cụ thể là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt vấn đề: Nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không? Bộ trưởng nhận định, nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. (2) Nguyên nhân từ công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. (3) Nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng cũng là rào cản tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công. Trong khi chờ sửa Luật Đất đai, nhiều địa phương đang vướng và không dám quyết định về giá bồi thường đất, như ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu: Kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án... (4) Nguyên nhân từ việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với thực tiễn, công tác thẩm định, phê duyệt kéo dài, phải điều chỉnh nhiều lần, nguồn vốn chậm được phân bổ.
Thứ hai, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có đường sắt. Nhiều đại biểu quan tâm vấn đề này và cho rằng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước cần ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quốc gia, trong đó có hệ thống đường cao tốc, vấn đề này đang được quan tâm nhưng tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm. Đồng thời, cần sớm quan tâm phát triển tuyến đường sắt quốc gia.
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu quan điểm: Thành phần kinh tế nhà nước cần phải là nhà đầu tư chính cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư, lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp đa mục đích cả kinh tế - xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh và chính trị. Đại biểu đề xuất Chính phủ cần có giải pháp đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý, vận hành khai thác các dự án này.
Về giao thông đường sắt, đại biểu đề xuất, ngay trong thời điểm này, một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác. Đó là hai tuyến đường sắt Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép - Cái Lân (Quảng Ninh) giao nhau tại ga Kép, Bắc Giang. Một số đại biểu phát biểu cũng nhất trí đề xuất này.
Thứ ba, pháp luật về tài chính, ngân sách, cụ thể là thuế VAT và hoàn thuế còn bất cập gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Như ý kiến của ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh): Thuế VAT mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hoàn thuế phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; chi phí cho thu, chi phí cho hoàn và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu...; quá trình thực hiện có thể tăng nguy cơ, rủi ro, sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách. Ở Quảng Ninh, thời gian qua, vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng phải gửi đơn kiến nghị, kêu cứu.
Trong báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Thứ tư, vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (giai đoạn 2) theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và của Quốc hội. Tuy nhiên, qua kết quả sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (giai đoạn 1), có rất nhiều băn khoăn, lo lắng của cử tri cả nước về sự lãng phí và hiệu quả của việc sáp nhập.
Cụ thể: (1) Sự lãng phí về cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, xã hội là rất lớn, khi các đơn vị sáp nhập thì toàn cơ sở vật chất của (1 đến 2) xã phải sáp nhập lại bị "đóng cửa bỏ không", hoặc sử dụng một cách lãng phí, còn việc bán hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác thì hoàn toàn không khả thi, bán cho ai, chuyển nhượng cho ai, khi "nó nằm" ở vùng nông thôn, trong khi trụ sở ở xã được sử dụng thì lại thiếu diện tích, phải xây dựng bổ sung. ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phản ánh: Đến cuối tháng 8.2023, vẫn còn đến 71.826 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp. Sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi vẫn còn nhiều trụ sở chưa được bố trí sử dụng hiệu quả, việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cải tạo sửa chữa cao, việc tổ chức thanh lý bán đấu giá khó thực hiện.
(2) Sự lãng phí còn ở chỗ phát sinh việc người dân hoàn thiện các thủ tục hành chính của cá nhân, gia đình sau khi sáp nhập. Rồi đội ngũ cán bộ dư thừa khi sáp nhập, dồn chỗ này đến chỗ kia, vẫn phải chi lương bảo đảm cho đời sống của họ, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của mỗi con người.
(3) vấn đề về phong tục, văn hóa, rồi vấn đề giữ đoàn kết nội bộ giữa các đơn vị khi sáp nhập, vấn đề này đã có bài học "nhãn tiền" trong giai đoạn sáp nhập huyện, tỉnh trước đây.
Nhiều cử tri đặt vấn đề, nếu mục đích của việc sáp nhập đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi phí hành chính, thì có nhiều "cách" để thực hiện. Ví như: phân loại các đơn vị hành chính (cả 3 cấp chính quyền địa phương) theo quy mô dân số, diện tích, độ phức tạp quản lý, từ đó, quy định về biên chế, tổ chức bộ máy hợp lý theo từng loại đơn vị, vừa dễ làm, đỡ lãng phí, tốn kém, lại ít bị xáo trộn. Vấn đề này cần được quan tâm xem xét thấu đáo để quyết định những bước tiếp theo.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn