|
Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC của Nga Valery E. Sorokin. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Như tin đã đưa, Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 đã khai mạc sáng 8/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng vì đây là diễn đàn để đại diện các nền kinh tế thành viên, giới học giả, chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đóng góp ý kiến về những nội dung ưu tiên của năm APEC 2017 do Việt Nam đề xuất.
Những nội dung ưu tiên do Việt Nam đề xuất bao gồm: Liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; Tăng cường sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.
Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ bên lề Hội nghị, Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC của Nga Valery E. Sorokin đánh giá, Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt cho Hội nghị với nội dung hấp dẫn.
Ông Sorokin cho hay: "Các ưu tiên Việt Nam đề xuất cho năm 2017 đã phản ánh được những quan tâm chung của các thành viên APEC" để APEC vẫn là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo ông, các nền kinh tế thành viên APEC vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, trước hết là xây dựng chương trình nghị sự thực chất cho việc thúc đẩy thương mại tự do.
Một ưu tiên quan trọng khác là bảo đảm tính liên tục của các hoạt động của APEC, tập trung vào các lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế thành viên.
APEC cũng chú trọng tăng trưởng bền vững và bao trùm để mỗi người dân, mỗi nền kinh tế thành viên đều được hưởng lợi từ quá trình liên kết.
Ông Sorokin cho rằng bên cạnh hội nhập khu vực, APEC cũng cần xem xét mở rộng hợp tác với các khu vực kinh tế khác, trong đó có Liên minh kinh tế Á-Âu, vì điều đó mang lại lợi ích cho các bên.
Trong khi đó, cũng giống như Trưởng SOM APEC của Nga, Chủ tịch SOM APEC 2016-Đại sứ Luis Quesada Inchaustegui của Peru cho biết đây là lần thứ 2 ông trở lại Việt Nam sau APEC 2006 và nhận thấy Việt Nam đã thay đổi rất nhiều qua từng năm, một đất nước năng động và đầy sinh lực.
Ông khẳng định Peru ủng hộ các ưu tiên do Việt Nam đề xuất, trong đó có việc thúc đẩy các nền kinh tế thành viên mở cửa hơn nữa đối với các mặt hàng thực phẩm vì chúng có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực nông thôn.
"Có thể thấy các nền kinh tế đang phát triển mở cửa thị trường thực phẩm mạnh mẽ hơn các nền kinh tế phát triển", Trưởng SOM APEC của Peru tiếp lời.
Ông Luis Quesada Inchaustegui cũng khẳng định các nền kinh tế APEC cần tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực vì đó là cách tốt nhất để tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong quá trình phát triển bao trùm, đồng thời để nguồn nhân lực có thể đáp ứng với những yêu cầu của thị trường trong thế kỷ 21.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn