Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Nhìn chung, các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định, chất lượng được nâng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả. Các tài liệu, thông tin được cung cấp phong phú, đa dạng. Công tác phục vụ kỳ họp được bảo đảm, tạo sự yên tâm cho đại biểu trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp.
Kết quả kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; tinh thần làm việc tận tụy, sự chuẩn bị công phu của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành khoa học, linh hoạt, quyết đoán của UBTVQH và Đoàn Chủ tịch; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự tham gia, đưa tin của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.
Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng hướng tới chiều sâu, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính xây dựng. Quốc hội đã trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh công tác lập pháp tại kỳ họp này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Các dự án luật, nghị quyết đều đã được Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân.
Về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi. Việc lùi thời hạn thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo giám sát, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng của Đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình giám sát của Quốc hội.
Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trí tuệ, khả năng phân tích sâu về các vấn đề bất cập, tồn tại hiện nay, nhất là việc định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa, vấn đề lãng phí đất công, trục lợi các khu đất vàng của Nhà nước…; bên cạnh đó, cũng chỉ ra những nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan và đề xuất nhiều giải pháp để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhằm thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến xác đáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục giám sát nội dung này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Tại kỳ họp thứ 5, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Việc đổi mới cách thức chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định sự đổi mới hoạt động của Quốc hội là một quá trình liên tục, thường xuyên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tăng số lượng đại biểu chất vấn, tăng tính đối thoại, tranh luận, hạn chế sự trùng lặp, qua đó thể hiện sinh động vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi cả người hỏi và người trả lời phải nghiên cứu sâu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát nhóm vấn đề chất vấn để cùng tìm ra các giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn thực sự “nóng”, là những vấn đề kinh tế-xã hội lớn, quan trọng, còn bất cập, được đông đảo các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Đại biểu chất vấn đúng trọng tâm, ngắn gọn, rõ ràng và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn, truyền tải được những vấn đề cấp thiết và nguyện vọng chính đáng của cử tri vào nghị trường.
Các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã bao quát, nhận định, đánh giá sát tình hình thực tiễn, nắm chắc vấn đề để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung chất vấn, cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy Quốc hội không những chỉ ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng Chính phủ trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Quốc hội đã ra nghị quyết về hoạt động chất vấn, làm căn cứ cho các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện.
Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết bên cạnh kết quả đạt được vẫn có tình trạng một số chất vấn chưa rõ ý, chưa chuyên sâu. Tại các phiên thảo luận vẫn còn một số ít đại biểu đọc văn bản thuần túy, nặng về tham luận, chưa thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân trước những vấn đề quan trọng của đất nước hoặc tranh luận chưa đúng yêu cầu. Một số nội dung chưa được tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ hoặc chưa được giải trình, tiếp thu thật sự thuyết phục; chưa khắc phục được tình trạng gửi văn bản gấp xin ý kiến đại biểu Quốc hội…
Đây là những vấn đề cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn