![]() |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh năm 2019; điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã của huyện Long Thành và nâng cấp thị xã Long Khánh lên Thành phố Long Khánh trực thuộc tỉnh Đồng Nai.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo UBTVQH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh năm 2019.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong năm 2018, đã có một số lượng lớn các dự án được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, UBTVQH.
Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Năm 2019: sau khi điều chỉnh, số lượng dự án thuộc chương trình là 26, tăng 9 dự án so với Nghị quyết số 57 của Quốc hội. Về chương trình năm 2020: Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án vào chương trình tại kỳ họp thứ 9, thứ 10 của Quốc hội khóa XIV; thông qua 5 dự án được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9; cho ý kiến 1 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống HIV/AIDS). |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và nhiều bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn hạn chế như: Một số dự án luật phải xin rút ra khỏi chương trình, lùi thời hạn trình; có dự án luật phải lùi thời hạn và chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp; một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật.
Tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân như thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật chưa thỏa đáng; lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng pháp luật; khi đề xuất đưa các dự án vào chương trình, các cơ quan đề xuất, lập đề nghị chưa dự liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ còn hạn chế; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, việc huy động được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng, ban hành văn bản còn hạn chế.
Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình cho đến xem xét, thông qua tiếp tục được đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường trong tất cả các giai đoạn của quy trình. Việc lập dự kiến Chương trình, tổng kết thi hành pháp luật, nghiên cứu xây dựng chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ yêu cầu, phân công chuẩn bị và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan vào cuộc.
Trong năm 2018, Hội nghị do lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ đồng chủ trì lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ bàn về công tác xây dựng pháp luật và đã có kết luận để thống nhất thực hiện. Các cơ quan của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra. UBTVQH thận trọng xem xét và có kết luận cụ thể về từng dự án; một số vấn đề lớn, phức tạp đều có sự trao đổi, thống nhất giữa UBTVQH với Thường trực Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội. Cách thức thảo luận tại Hội trường tiếp tục được đổi mới, tính đối thoại và tranh luận, phản biện của đại biểu Quốc hội được tăng cường. Tại các phiên họp Quốc hội cho ý kiến về các dự án đều bố trí thời gian để Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo báo cáo cung cấp thêm thông tin với Quốc hội. Kết quả là các luật được thông qua trong năm 2018 đều có số phiếu rất cao.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo UBTVQH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh năm 2019. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém và bất cập, đó là, việc lập và thực hiện chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế: nhìn lại 3 năm qua cho thấy, tính dự báo của chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính “gối đầu” thấp; tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào chương trình còn nhiều; việc tham gia thẩm tra còn hạn chế; phát biểu của không ít đại biểu Quốc hội còn chưa sâu, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến; việc biểu quyết những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án hầu hết chưa được thực hiện…
Sau khi các đại biểu cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, đa số các đại biểu nhất trí với dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 mà UBTVQH. Đối với một số dự án luật khác còn có ý kiến khác nhau như Bộ luật Lao động sửa đổi, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ để sớm trình UBTVQH cho ý kiến bước đầu, trên cơ sở đó để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, khai mạc vào cuối tháng 5/2019.
* Cũng tại phiên họp sáng nay, UBTVQH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã thuộc huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) gồm Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn; giải thể toàn bộ xã Suối Trầu để làm sân bay Long Thành (huyện Long Thành); nâng cấp 5 xã là Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Xuân Lập và Bàu Sen thành phường và thành lập thành phố Long Khánh trên cơ sở thị xã Long Khánh hiện nay của tỉnh Đồng Nai.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2019./.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn