|
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Sáng 18/8 tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Đây là dự án luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Hành chính công do Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh trình bày cho biết mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết 4 và 5 (khóa XII); cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, góp phần hội nhập quốc tế, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân…
Dự án Luật được xây dựng với 7 chương, 54 điều; có phạm vi điều chỉnh quy định về hành chính công gồm nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.
Về đối tượng áp dụng, Luật Hành chính công áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện hành chính công.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay dự án Luật Hành chính công là dự án luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính Nhà nước.
Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành được rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo. Hồ sơ dự án Luật được Ban soạn thảo chuẩn bị đầy đủ, gồm dự thảo Luật, Tờ trình và rất nhiều loại tài liệu. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận và trân trọng. Các ý kiến đều đánh giá cao tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, do khối lượng công việc lớn, thời gian dành cho việc nghiên cứu, soạn thảo ngắn, đội ngũ giúp việc mỏng, trong soạn thảo xây dựng còn gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng hồ sơ dự án Luật không tránh khỏi những hạn chế.
Nội dung dự thảo Luật chưa đưa ra được những nội dung, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn cho nền hành chính hoạt động hiệu quả, làm cơ sở cho việc thực hiện. Nhiều nội dung liên quan đến việc sửa đổi các quy định hiện hành, nhưng chưa được liệt kê, đánh giá đầy đủ, chưa xác định được sau khi ban hành Luật này thì những đạo luật nào sẽ phải sửa đổi, bổ sung; kế hoạch, tiến độ sửa đổi cụ thể ra sao...
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cho rằng dự án Luật chưa có ý kiến của Chính phủ là chưa bảo đảm quy trình, chưa có cơ sở để đưa ra Quốc hội.
Về các nội dung cụ thể, các thành viên UBTVQH đánh giá, phạm vi điều chỉnh của Luật là quá rộng; Tờ trình dự án Luật còn đơn giản; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách phần nhiều còn định tính; nhiều nội dung trong dự thảo Luật quy định còn chung chung, thiếu tính quy phạm nên không áp dụng trực tiếp được; một số quy định nhắc lại nội dung đã được quy định trong các văn bản khác; một số quy định không chính xác, thậm chí mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật…
Từ phân tích như trên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị dự án Luật cần được xem xét và rà soát tổng thể để tiếp tục xây dựng vì còn thiếu tính khả thi, tính thống nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là một dự luật lớn, khó và phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, tìm ra các cách tiếp cận vấn đề phù hợp để xây dựng luật, nhất là nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh; bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến chính thức đối với Dự án Luật và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, tiếp tục trình UBTVQH cho ý kiến./.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn