Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo quy chế làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo thông lệ hoạt động tại phiên họp tháng 3 và tháng 8 từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, từ đó tổng hợp được 6 vấn đề chính và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết bằng phiếu để chọn ra 2 vấn đề để chất vấn.
Theo đó, nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương gồm:
- Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu. Công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
- Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
- Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm:
- Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;
- Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân;
- Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;
- Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp.
- Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19;
- Vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại các phiên chất vấn trước đây chủ yếu chỉ có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương tham dự nhưng lần này các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đều có thể tham gia chất vấn.
Các đại biểu Quốc hội sẽ đăng ký chất vấn và tranh luận thông qua App Quốc hội trên thiết bị cá nhân của của mỗi đại biểu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai tối đa để phục vụ công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch như: Hiển thị danh sách đại biểu tham gia chất vấn; hiển thị nhận dạng nhanh các câu hỏi chất vấn; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình tại 62 tỉnh/thành phố và đảm bảo kết nối cho các đại biểu Quốc hội đang thực hiện cách ly y tế vẫn tham gia được phiên chất vấn.
Có chuyện “găm hàng" xăng, dầu từ bên trên hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về vấn đề cung cấp xăng dầu, đại biểu Phạm Xuân Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế khi ông đi hỏi nhiều cây xăng cho biết không có xăng để bán. Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung không thiếu. Vậy "có chuyện găm xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối, đầu mối hay không?"
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do nhận nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn. Do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng.
Tuy nhiên, việc gián đoạn chỉ mất vài ngày, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời để chia sẻ nguồn cung. Sau một vài ngày là khắc phục.
Về lo ngại tình trạng doanh nghiệp đầu mối găm hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể.
"Song nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Ngăn chặn hàng nhập lậu từ sớm, từ xa thâm nhập nội địa
Về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn các thiết bị y tế, phòng chống dịch, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng thừa nhận, trong thời điểm nhu cầu tăng cao đột biến đã xảy ra tình này.
Ngay sau khi phát hiện, Bộ đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường - đơn vị chủ lực trong giám sát, thanh kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Lực lượng quản lý thị trường đã ban hành công điện từ đầu tháng 3 tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, thu giữ và xử phạt.
Kết quả là trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit thử nghiệm tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...
Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… với giá trị hàng chục tỷ đồng cũng đã bị phát hiện. Đây cũng là đợt ra quân và xử phạt vi phạm lớn nhất từ đầu năm.
Thời gian tới, ngành công thương cùng các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục ngăn ngừa từ xa, từ sớm hàng hóa nhập lậu, trong đó có vật tư y tế vào thị trường nội địa.
Ùn ứ nông sản – Phải chăng chiến lược lưu thông hàng hoá "bế tắc"?
Các đại biểu dự Phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trả lời đại biểu về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.
Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ. Có gì làm nấy. Có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.
Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.
Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đầu giờ sáng có 39 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Các đại biểu: Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn)… nêu câu hỏi về giải pháp trước mắt cũng nhưng lâu dài bảo đảm việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản ĐBSCL; giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu; ngăn chặn tình trạng buôn lậu, găm hàng, tăng giá đối với thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chúng ta bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu. Biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, do đứt gẫy nguồn cung và khủng hoảng Nga – Ukraine.
Ở trong nước nguồn cung xăng dầu cũng gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động đột ngột.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. Đến thời điểm hiện tại chúng ta đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung trong nước không lúc nào thiếu.
Về điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).
Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí.
Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội,…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.
Cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép; đấu giá đất vượt xa giá thị trường
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực được chất vấn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu).
Báo cáo của Bộ Công Thương đã giải trình các vấn đề này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.
Về đấu giá đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường. Qua đó, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai cũng đang rất nóng, rất thời sự.
Vì vậy, 54 Đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi đề xuất chất vấn về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều quan tâm đến vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời rõ. Đồng thời, nghiên cứu thêm ý kiến các hiệp hội về vấn đề này để xem chính sách, pháp luật có vấn đề gì và cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nhóm vấn đề lớn được đưa ra chất vấn không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác và Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thấu đáo cho đại biểu Quốc hội, cho cử tri và nhân dân.
Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy kinh nghiệm chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả thời gian để chất vấn làm rõ các vấn đề.
"Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phiên chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu, người dân quan tâm
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phiên chất vấn là cơ hội để được trực tiếp trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, chất vấn đã trở thành hoạt động mang tính thường xuyên trong hoạt động của Quốc hội và trả lời chất vấn là trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành. Ông cho biết sẽ chuẩn bị tốt nhất cho phiên giải trình.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ coi phiên chất vấn là cơ hội để được trực tiếp trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.
Bộ trưởng khẳng định các nội dung chất vấn lần này đều mang tính thời sự, có câu hỏi hay thì Bộ trưởng sẽ cố gắng trả lời hay, vừa hỏi vừa trao đổi để giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải pháp trong điều hành quản lý liên quan đến các lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các nội dung được lựa chọn chất vấn lần này là đúng lúc, đúng, trúng vấn đề - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định các nội dung được lựa chọn chất vấn lần này là đúng lúc, đúng, trúng vấn đề.
Đây là cơ hội cho Bộ trưởng có tiếng nói chính thức và báo cáo trách nhiệm trong quản lý điều hành cũng như tiếp thu các ý kiến để tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn