Kim ngạch xuất khẩu tăng cao
Do nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhập khẩu nhiều dạng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau, cùng với sự thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
![]() |
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng mạnh |
Trong giai đoạn 2015-2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra liên tục tăng trưởng mạnh, 30-88%. Trong đó, năm 2016 và 2017 tăng trưởng rất cao. Cụ thể, nếu như năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Trung Quốc - Hồng Kông chỉ trên 195 triệu USD, thì năm 2016 đạt trên 338 triệu USD, tăng 88,7% so với năm 2015. Bước sang năm 2017, kim ngạch xuất khẩu loại thủy sản này vào Trung Quốc- Hồng Kông đạt trên 445 triệu USD, tăng 34,8% so với năm trước đó.
Riêng 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt gần 438 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc (sau Nga và Na Uy).
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho hay, Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Trong khi cá tra là sản phẩm phù hợp có thể chế biến hàng trăm món ăn khác nhau, nên ngành cá tra trong nước có thể gia tăng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.
Nâng cao chất lượng cho cá tra
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng liên tục, song vẫn tồn tại một thực tế là các doanh nghiệp bán hàng vào thị trường này vẫn đa phần theo cách thức cũ là sản xuất cái gì thì bán cái đó, thiếu khảo sát nhu cầu thị trường để có thể vừa kiểm soát tốt về giá cả, vừa đảm bảo đủ lượng cho tiêu thụ. Bên cạnh đó, một số quy định của Trung Quốc, bao gồm cả việc thực hiện nghiêm sau khi Tổng cục Hải quan của quốc gia này tiếp quản công tác kiểm nghiệm - kiểm dịch đã và đang có tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt, với việc gia tăng sản lượng xuất khẩu cá tra cũng khiến phía Trung Quốc bắt đầu siết chặt hơn vấn đề an toàn đối với mặt hàng này; hải quan cửa khẩu đường bộ Trung Quốc (nhất là khu vực có chung đường biên giới với Lạng Sơn) đã tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Do đó, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc áp dụng thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu đi Trung Quốc, có thể làm thí điểm trước 3 tháng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có đánh giá và kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách kiểm soát tốt hơn hàng tạm nhập tái xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu cá tra và thủy hải sản qua đường biên mậu, nhất là cửa khẩu phụ, lối mở - bao gồm cả việc buôn bán, trao đổi cá tra giống qua biên giới.
Về phía các doanh nghiệp, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) đề xuất, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra Việt Nam.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa nên cần có chiến lược dài hạn trong phát triển thị trường này thông qua lấy chất lượng làm trọng tâm phát triển như đã áp dụng với các thị trường cao cấp như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Từ đó thúc đẩy xuất khẩu cá tra bền vững.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn