Dịch cúm A/H7N9 lần này xảy ra trên diện rộng, xuất hiện ở 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh. Chỉ trong tháng 1/2017, đã có 79 người chết do cúm H7N9, theo Ủy ban Y tế và Kế hoạch gia đình quốc gia Trung Quốc.
Để hạn chế dịch bênh lây lan, giới chức y tế Trung Quốc đã chỉ đạo việc tăng cường báo cáo định kỳ dịch bệnh hằng tuần thay vì hằng tháng như trước.
Cơ quan chức năng các địa phương có dịch đã ban hành lệnh cấm triệt để mua bán gia cầm sống tại các chợ và tiêu hủy hàng trăm ngàn gia cầm nhiễm bệnh; nghiêm cấm vận chuyển gia cầm từ vùng dịch ra ngoài; khuyến cáo người dân mua gia cầm đông lạnh có kiểm dịch, không tiếp xúc với gia cầm sống và các chất thải từ gia cầm.
Đến nay, Trung Quốc chưa phát hiện các trường hợp lây nhiễm H7N9 từ người sang người. Còn theo WHO, cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy virus có thể lây từ người sang người.
* Cũng liên quan đến dịch cúm gia cầm, ngày 21/2, Bộ Nông nghiệp Pháp thông báo kế hoạch tiêu hủy 600.000 con vịt ở vùng Landes trong nỗ lực ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N8 lây lan.
Ở châu Âu, Pháp và Hungary là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch cúm gia cầm H5N8. Trong 3 tháng qua, dịch cúm gia cầm nguy hiểm này đã lây lan khắp nhiều nước châu Âu như Đức, Áo, Thụy Sĩ... và khu vực Trung Đông.
Hồi tháng 1/2017, Pháp đã tiến hành đợt tiêu hủy hàng loạt gia cầm nhiễm bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng bất chấp nỗ lực của cơ quan chức năng, virus H5N8 tiếp tục lan rộng khiến số các nông trại phát hiện gia cầm nhiễm bệnh tiếp tục tăng cao.
Theo ước tính, kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào tháng 12/2016, lực lượng chức năng nước này đã tiêu hủy hơn 3,2 triệu gia cầm.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn