Trong một phản ứng đầu tiên sau vụ phóng tên lửa mới nhất sáng nay 29/8 của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định việc tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này là một "mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có, hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực". Ông cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Nhật Bản đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước mối đe dọa Triều Tiên kể từ năm 1998, sau khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua phần phía bắc của Nhật Bản tới tây Thái Bình Dương mà không cảnh báo. Một thập kỷ sau, vào năm 2009, một vật thể bay của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản, song không gây ra sự cố gì. Khi đó, Triều Tiên cho biết họ phóng vệ tinh viễn thông trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tin là Bình Nhưỡng đã thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Về phía Hàn Quốc, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lập tức triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia (NSC). Cuộc họp do Chung Eui-yong, đứng đầu văn phòng an ninh quốc gia kiêm cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chủ trì.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã kịch liệt lên án vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ dựa trên mối quan hệ đồng minh với Mỹ để đưa ra hành động đáp trả mạnh mẽ trước những hành động khiêu khích bằng tên lửa, hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ theo dõi thị trường tài chính một cách chặt chẽ và phản ứng theo các kế hoạch đối phó của bộ để ổn định thị trường nếu cần thiết.
Bộ trên khẳng định Hàn Quốc cần phải sẵn sàng chuẩn bị và đưa ra những biện pháp đáp trả cứng rắn để quản lý các rủi ro ở trong và ngoài nước.
Cùng ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận Triều Tiên vừa phóng một tên lửa bay qua Nhật Bản. Người phát ngôn bộ trên, Đại tá Robert Manning cho biết quân đội Mỹ đang tiếp tục thu thập thông tin. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) khẳng định vụ phóng này không đe dọa tới khu vực Bắc Mỹ. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên đã bay được khoảng 2.700km với độ cao tối đa đạt 550km.
Đánh giá về tên lửa của Triều Tiên trong vụ phóng này, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul (Hàn Quốc), nhà phân tích Kim Dong-yub nhận định các dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều khả năng đây là Hwasong-12, loại tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng mới đây vừa cảnh báo sử dụng để bắn tới đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Theo ông Kim Dong-yub, cũng có thể loại tên lửa Triều Tiên vừa sử dụng là Musudan, có khả năng vươn tới hầu hết khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoặc là Pukguksong-2, loại tên lửa dùng nhiên liệu thể rắn vốn có thể bắn nhanh và bí mật hơn các loại vũ khí sử dụng nhiên liệu thể lỏng.
Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Động thái trên sẽ khiến căng thẳng tại khu vực, liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, tăng mạnh. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi đầu tháng dọa phóng tên lửa vào khu vực gần đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ trút "hỏa lực và thịnh nộ" vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng còn đe dọa Washington.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn