Đây cũng là thông tin đưa ra tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu bất động sản” do Báo Thương Gia và Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 30/11.
![]() |
Nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS dồi dào bởi sự gia tăng của các chủ đầu tư nước ngoài và những chính sách vĩ mô phù hợp |
Bước vào quý IV/2018, cũng như dự báo quý I/2019, số lượng giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền dự báo tăng trưởng và có khả năng cải thiện đáng kể doanh thu, lợi nhuận của các công ty BĐS. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là việc các cổ phiếu nhóm ngành BĐS niêm yết trên thị trường dần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, đà tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam được thúc đẩy bởi cơ cấu nhân khẩu và triển vọng kinh tế khả quan. Trong đó, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn với phân khúc cao cấp thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực. Do đó, nguồn vốn đổ vào thị trường cũng dồi dào bởi sự gia tăng của các chủ đầu tư nước ngoài và những chính sách vĩ mô phù hợp. Điều này cho thấy thị trường BĐS cũng như cổ phiếu BĐS sẽ có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.
Song song đó, những chính sách phát triển phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi đáng kể của thị trường giao dịch, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và nhất là nhóm cổ phiếu BĐS. Theo đánh giá chung, trong 5 năm (từ 2014 - 2018), cổ phiếu hai ngành ngân hàng và BĐS đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi đó VN- Index chỉ dừng ở mức hai con số.
Nhấn mạnh về cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, ở các nước thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường BĐS. Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các DN BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.
Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư dự án phải có vốn chủ sở hữu 15- 20%, còn lại 80- 85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 1/1/2019 và thực tế cho thấy tỷ trọng cho vay BĐS đang chiếm 7,5% tổng dư nợ tín dụng. Những yêu cầu này buộc các DN BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...
Dự báo thị trường BĐS sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong cuối năm 2018 này và sang năm 2019. Trong đó, phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của thị trường. Còn phân khúc cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, vì thế các nhà đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng xây dựng khu dân cư thông minh, toà nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường... cũng sẽ được các chủ đầu tư quan tâm nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thị trường và nhu cầu khách hàng.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn