TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả"

Thứ ba - 15/11/2022 23:25
Vào 15h chiều ngày 15/11, Cổng Thông tin điện tử chính phủ sẽ tổ chức cuộc tọa đàm với nội dung: Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả. Các khách mời sẽ cùng nhau tìm ra phương pháp tiếp cận cũng như nhận diện, xử lí tin giả một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

 

Ngày nay, với sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội, tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa nguy hại. Tin giả xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia.

Trong phạm vi nhỏ hơn là quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân, tin giả cũng mang lại sức công phá khủng khiếp. Nhiều doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản hoặc lao đao do tin đồn thất thiệt.

Đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua, đối diện một cách bài bản với tin giả sẽ là các chuyên gia đến từ bộ, ngành và các cơ quan liên quan:

TRỰC TIẾP TỌA ĐÀM: Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả - Ảnh 2.

Tọa đàm với nội dung: Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả. Ảnh VGP/Quang Thương

1, Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông

2, Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

3, Ông Lê Quốc Vinh, Nhà báo, Chuyên gia truyền thông.

4, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

5, Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect.

Tọa đàm được tổng thuật trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ, fanpage Thông tin Chính phủ. Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi đến các vị khách mời theo hòm thư: [email protected].

Bộ TTTT sẽ phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ nhận thông báo tin giả qua fanpage Thông tin Chính phủ

TRỰC TIẾP TỌA ĐÀM: Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ảnh VGP/Quang Thương

Hiện nay, tình trạng tin xấu độc hiện nay có thể nói là đáng báo động. Được biết Cục Phát thanh truyền hình của Bộ TTTT có một trung tâm xử lí tin giả, nhưng hình như hiện nay còn rất ít người biết đến trung tâm này. Ông có thể nói rõ hơn về Trung tâm cũng như đánh giá lượng tin giả hàng ngày được phát hiện và thanh lọc xử lí như nào, có kịp thời hay không? Thưa ông?

Cá nhân và doanh nghiệp khi vướng tin đồn thất thiệt có thể phản hồi đến đâu, thưa ông?

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do: Trung tâm xử lý tin giả của Cục được thành lập vào tháng 4/2021, lúc ấy là cao điểm về chống dịch COVID-19 ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía nam.

Đến nay Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Vì có những tin lại không phải tin giả, nó là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý.

Thực ra đây chỉ là một kênh xử lý của Cục, Cục cũng có những đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, tổng đài điện thoại phối hợp với bên Viettel để tiếp nhận email để cho người dân gửi đến.

Đúng là hiện nay với con số khoảng 5.000 như thế trong hơn 1 năm thì không phải là nhiều và chúng tôi cũng đang đẩy mạnh thông tin để người dân biết được Trung tâm này, nhưng đồng thời ở các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân, vì ngay trên địa bàn của mình dễ xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Ủy ban, nơi phát ngôn cũng như là nơi chuyển cho các sở, ngành có liên quan để xử lý các thông tin đó.

Số tổng đài hotline của Trung tâm xử lý tin giả: 1800.8108.

Hiện nay, Cục cũng có tài khoản, fanpage trên facebook để tiếp nhận, Cục cũng có mạng lưới với các tỉnh thành, các bộ, ngành để mà tiếp nhận và xử lý tin giả.

Mọi người có thể gửi về Cục, cũng có thể gửi về các đầu mối ở sở hay văn phòng ủy ban, Cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, rồi trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí, chứ không phải chỉ nhận qua Trung tâm xử lý tin giả này.

Ngoài ra, họ cũng gửi trực tiếp công văn về Cục, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo, chúng tôi cũng đều xử lý hết mặc dù số lượng rất lớn. 

Các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn họ cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả, đây là quy trình thông thường, còn khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên.

Hiện nay fanpage Thông tin Chính phủ trên facebook là nơi chúng tôi hay làm điển hình để đi giới thiệu với các địa phương về việc vừa thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội hiệu quả như thế nào, vừa là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ý tưởng kết hợp giữa Cục với Cổng TTĐT Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage đó rất là hay. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới.


18:25 ngày 15/11/2022

Tin giả như 'bóng ma' tác động rất khủng khiếp, có thể làm doanh nghiệp sụp đổ

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" - Ảnh 1.

Ông Đậu Anh Tuấn: Tin giả như 'bóng ma' tác động rất khủng khiếp, có thể làm doanh nghiệp sụp đổ.
Ảnh VGP/Quang Thương

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, từ góc nhìn của tổ chức quốc gia đại diện cho doanh nghiệp, ông đánh giá về thực trạng tin giả hiện nay và tác động của nó tới doanh nghiệp?

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tin giả ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, người dân. Thực ra tin giả không phải gần đây mới xuất hiện, tuy nhiên dưới sự phát triển của mạng xã hội, nên  thông tin giả khuyếch trương, tác động rất kinh khủng.

Trước đây tin đồn cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên "một ngày đẹp trời" có một chỗ nào đấy đăng tin những tác động tiêu cực của sản phẩm của họ - chẳng hạn ăn có thể bị ung thư. Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng rất lớn, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng, người ta đang kiểm định, đang tìm hiểu thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Một xu hướng điển hình nữa là chủ doanh nghiệp bị đồn là bị bắt hoặc bị bệnh tật. Có rất nhiều hình thức như vậy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn.

Không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tin đồn thất thiệt mà rất điển hình ở Việt Nam là nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải xuất hiện để đính chính rằng "tôi vẫn sống, tôi vẫn bình thường", trong khi có nhiều tin đồn người đấy bị bệnh nặng hoặc qua đời. Hiện tượng này rất phổ biến.

Những năm gần đây, đặc biệt với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam thì tin giả ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn.

Chúng ta có thể hình dung khi mà những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay.

Theo đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động. tức là tin giả nhưng hậu quả  rất thật.

Và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với "bóng ma", vì trước đây nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai? Cho nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn.

Tình trạng này có thể chỉ có cơ quan chức năng với bộ máy, với kỹ thuật và thẩm quyền của mình mới có thể lần ra được nó ở đâu ra.

Tác động của tin giả đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất khủng khiếp, nó có thể làm cho một doanh nghiệp có thể sụp đổ và đằng sau đấy là rất nhiều việc làm thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm.

Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực.


19:02 ngày 15/11/2022

Tổng Giám đốc Vndirect: Chúng tôi chọn cách trực diện ứng phó với tin giả

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect.
Ảnh VGP/Quang Thương

Tôi và các khách mời cũng như quý vị khán giả đang theo dõi tọa đàm rất muốn nghe những câu chuyện thực tế mà doanh nghiệp gặp phải khi đối diện với tin đồn thất thiệt?

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect: Thực ra thì rất khó nói về hệ lụy đầy đủ được, công ty chứng khoán Vndirect chúng tôi không phải là công ty mạnh về xử lý các vấn đề truyền thông.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng trong giai đoạn vừa qua thì có rất nhiều thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật được nói về Vndirect và chúng tôi cũng học cách thích nghi với điều kiện mới, khi mà thực sự các tin giả, tin đồn bây giờ nó đang ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp, đặc biệt như chúng tôi là một doanh nghiệp niêm yết, lại kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.

Tôi cũng xin chia sẻ trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán rất xấu thì bản thân Vndirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về hoạt động tư vấn cho khách hàng, rồi các thông tin khác ví dụ Chủ tịch và Tổng giám đốc Vndirect bị bắt…

Trước các tin đồn này, trước hết chúng tôi nghĩ đây là câu chuyện không phải của một doanh nghiệp có thể tự đối mặt mà nó là câu chuyện của toàn bộ hệ thống trong đó có các anh, chị là đại diện các đơn vị có mặt ở đây ngày hôm nay.

Ở góc độ doanh nghiệp thì những thông tin sai lệch, đầu tiên nó ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, thứ hai là nó ảnh hưởng đến uy tín với các đối tác, ví dụ như ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán chẳng hạn hay là khách hàng họ chuyển hết tài khoản đi,...

Trước những rủi ro đó, thứ nhất chúng đối chọn cách đối mặt trực tiếp bằng cách truyền thông lại thông qua hình thức có thể là email, trao đổi trực tiếp và quan trọng nhất là truyền thông đến nhân viên của mình, đến các đối tác của mình vì đó là những người rất là hiểu gắn bó cùng với doanh nghiệp, những người rất tin tưởng vào mình, những người có khả năng giúp mình đính chính lại thông tin.

Thứ hai là đối với những thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tác động tới cảm xúc của nhà đầu tư, thì chúng tôi đã chọn cách liên hệ trực tiếp với họ ngay khi có thông tin sai lệch để trao đổi, tư vấn, giải tích thấu đáo.

Đây là điều mà tất nhiên là trong điều kiện bình thường thì có thể không cần thiết phải hành động đến như thế, nhưng trong bối cảnh như vừa qua thì chúng tôi thấy rằng đó là biện pháp thực sự cần thiết, hiệu quả và nó sẽ giúp cho nhà đầu tư bình ổn lại tâm lý, bình tĩnh trở lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội rất là nhanh như hiện nay thì để giải bài toán này một cách triệt để theo chúng tôi cần một sự phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của mỗi người, bao gồm từ người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin, qua đó giúp chúng ta càng ngày càng giảm thiểu vấn đề này.


19:09 ngày 15/11/2022

Tương tác là mấu chốt của truyền thông hiện đại, chúng ta phải chủ động tiếp cận người dân

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Vinh: Tương tác là mấu chốt của truyền thông hiện đại, chúng ta phải chủ động tiếp cận người dân.
Ảnh VGP/Quang Thương

Qua cách xử xử lý khủng hoảng truyền thông của công ty ông Long, với tư cách chuyên gia truyền thông ông có nhận xét thế nào?

Ông Lê Quốc Vinh: Trong tình huống của công ty Vndirect vừa rồi, tôi nhiều lần nói đến xu hướng truyền thông hiện đại, tính tương tác là vấn đề mấu chốt chúng ta nắm hết các vấn đề truyền thông, không chỉ là vấn đề tung tin giả.

Trước đây, chương trình anh Lê Quang Tự Do làm cùng TPHCM mở ra chương trình đối thoại với dân là một trong những giải pháp xử lý băn khoăn của công chúng, xử lý tin đồn tin sai lệch, phương pháp làm như vậy cũng có thể như Vndirect đang làm.

Trong kỷ nguyên số, càng cởi mở bao nhiều thì càng tạo ra cơ hội tiếp xúc với công chúng, trực tiếp giải thích các vấn đề công chúng đang băn khoăn, lo lắng.

Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Tính minh bạch là chúng ta sẽ chủ động nói với công chúng ngay cả khi những điều công chúng chưa quan tâm đến, thì chúng ta đã nói cho công chúng biết rồi.  

Về mặt công nghệ chúng ta có thể đo lường được sắp tới mọi người sẽ quan tâm tới gì, lo lắng vì tin đồn gì thì chúng ta chủ động nói trước.

Với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp là đừng bao giờ để đến khi công chúng thắc mắc một vấn đề gì đó họ phải tự đi tìm kiếm thông tin. Mình là người chủ động đưa ra thông tin ngay khi mình đo lường sức nóng vấn đề thì nó mới tạo ra niềm tin cho công chúng.

Khi để họ băn khoăn, lo lắng đi tìm hiểu vài ba ngày, thậm chí vài ba tuần rồi mới trả lời thì ta đi sau truyền thông và lúc đó khó lấy lại niềm tin từ công chúng.

Mặc dù lúc đó chúng ta có thể giải thích để chứng minh các vấn đề thì nó có thể trải qua suy diễn rất là nhiều và đã gia tăng mất niềm tin rồi. Cho nên xóa bỏ định kiến của người dân là rất khó.

Truyền thông bây giờ là đi bước một bước, đi trước là dự báo được câu chuyện gì sẽ cần phải nói, thông tin gì sẽ cần phải nói. Có điều gì không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức thì phải đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính mình như trên các trang điện tử, trang web, fanpage. Khi mà có vấn đề ta chọn dữ liệu, thông tin có sẵn đó để thông tin.

Bây giờ kỷ nguyên truyền thông một chiều, không thể giữ bí mật hay là không thể chủ động thông tin được nữa. Chúng ta phải chủ động tiếp cận người dân, công nghệ cho chúng ta biết điều đó các giải pháp công chúng quan tâm điều gì, hay hoạt động doanh nghiệp.

Tin đồn, tin giả từ đâu mà ra, nó chỉ lợi dụng từ lỗ hổng thông tin mà chúng ta đang vô tình, không ý thức được vai trò của thông tin, tạo ra lỗ hổng đó, anh không dám bộc lộ, thậm chí anh nghĩ rằng nó quan trọng để che giấu, nhiều vấn đề hoạt động của doanh nghiệp không nên giữ bí mật nữa, trừ vấn đề tối quan trọng của doanh nghiệp.

Còn vấn đề trong hoạt động doanh nghiệp ông nào đi đâu, làm gì thì làm gì phải giấu. Tất cả điều đó phải được minh bạch hóa, phải biết điều gì với nhóm công chúng nào.

Với Vndirect có cổ đông trong công ty, khách hàng, các đối tác, mỗi người sẽ cần phải có nhu cầu thông tin khác nhau. Nếu có một chiến lược truyền thông thay đổi chủ động, tích cực, minh bạch thì tin đồn sẽ ít đất sống.


19:14 ngày 15/11/2022

Chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" - Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự tọa đàm. Ảnh VGP/Quang Thương

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, với những chia sẻ vừa rồi của chuyên gia truyền thông Lê quốc Vinh, ông có 1 ý tưởng nào đó để truyền lại cho doanh nghiệp để người ta đối diện một cách bài bản mà không bị bỡ ngỡ, mà không phải công ty nào cũng như công ty của ông Long VN DRECT đối diện 1 cách sòng phẳng và tự tin mà còn có nhiều doanh nghiệp khác, họ thường rất hoảng hốt khi vấp phải những tin đồn giả?

Ông Đậu Anh Tuấn: Dưới góc nhìn của tôi, tin đồn có nhiều nguyên nhân, nhiều đất sống. Một là người đạo diễn tin đồn với mục tiêu gì đấy, nhưng chủ yếu là người ta thiếu thông tin.

Tôi cho rằng như văn hóa làng xã trên mạng xã hội người ta thích buôn chuyện. Nên tôi rất đồng ý với quan điểm của anh Vinh là chúng ta có thể xóa tin đồn, tin giả bằng cách chúng ta phải có nhiều tin thật, sẵn có tin thật, cách đấy mới gỡ được tin đồn.

Khi người ta tin cậy về một nguồn thông tin, người ta tin cậy về nơi cung cấp thông tin thì chắc chắn tin đồn tự khắc giảm dần và sẽ hết.

Nhưng có điều rất đáng tiếc ở Việt Nam là một số cơ quan kể cả doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa thực sự cởi mở với báo chí, với truyền thông, chưa thực sự chủ động cung cấp thông tin về mình.

Đối với nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tuy cũng có cơ chế về người phát ngôn chính thức, nhưng nhiều trường hợp phát ngôn chưa kịp thời, khi đó tin đồn đã đi rất xa rồi. Tin đồn chỉ qua một thời gian ngắn có thể gây thiệt hại rất lớn.

Do đó, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn. Có thể là do cơ chế hành chính khiến cũng cần phải thận trọng, cũng cần phải phối hợp, cũng phải xin phép. Nhiều khi qua thủ tục hành chính cũng tạo hệ quả rất lớn.

Chúng ta cần phải chuyên nghiệp. Phải có người rất là chuyên trong lĩnh vực này, là đầu mối trong lĩnh vực này và đưa ra những phản ứng kịp thời. Khi mà thông tin tốt, thông tin đúng nguồn được đưa ra kịp thời nhanh nhất thì hậu quả của tin đồn sẽ giảm đi.

Về mặt dài hạn thì chúng ta cần có đầu mối về vấn đề này, cần có đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho người dân ,thậm chí hỗ trợ cho chính các cơ quan nhà nước về cách thức xử lý tin đồn, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tin tồn, và họ phải được đào tạo trong lĩnh vực nhà nước để có thể tư vấn trong lĩnh vực này. Cần phải có nhân sự tốt. Về cơ bản chúng ta phải có nhiều thông tin tốt là gốc rễ của hạn chế tin đồn.

Thưa ông Lê Quang Tự Do, ông có ý kiến gì không?

Ông Lê Quang Tự Do: Hiện nay những điều như ông Tuấn, ông Vinh nói thì các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm nên đã giao cho Bộ Thông tin Truyền thông triển khai một hoạt động quan trọng là tổ chức Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2022; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho các Bộ, ngành, địa phương, đúng như các diễn giả vừa trình bày đó là công tác này hiện đang yếu và thiếu.

Thứ hai là đối với doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả. Đầu tiên, doanh nghiệp phải có bộ phận truyền thông về hoạt động của công ty và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý nên lúc nào cũng chậm. Do đó, phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn luôn phải đi trước 1 bước là dự báo, dự đoán vấn đề về sẽ liên quan.

Ví dụ, khi xuất hiện tin đồn liên quan đến 1 loạt các công ty chứng khoán, bất động sản, trái phiếu thì chỉ tin nào liên quan đến công ty nào thì công ty đó mới làm. Còn các công ty khác, ngay cả khi cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo, yêu cầu phải chuẩn bị thông tin kịp thời để trấn an dư luận thì cũng không có công ty nào làm và rồi đến lần lượt từng công ty đều dính hết.

Như sáng nay có 1 doanh nghiệp, không biết là ai dùng tính năng trên mạng xã hội, ví dụ như quảng cáo chính trị xã hội trên Facebook để gửi thông điệp là doanh nghiệp này có trái phiếu rất lớn, lãnh đạo bỏ trốn rồi, thì lúc đó tá hỏa mới cung cấp thông tin ra. Trong khi những tin đó mình đã có thể làm ngay từ đầu để ngăn chặn.

Tất nhiên khi khủng hoảng truyền thông ta phải có những cách ứng xử quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu chúng ta chủ động thì giảm thiểu được những tin đồn rất nhiều.

Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã truyền thông điệp đó đến Diễn đàn quốc Hội, đang tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị là tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia quản lý thông tin trên không gian mạng với phương châm mình đang quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

Bởi hiện nay, chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an là giải quyết trên môi trường mạng và thực sự chúng tôi không đủ sức, vì nó liên quan đến tất cả các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, trái phiếu…. Chúng tôi không đủ khả năng để hiểu là thông tin đó đúng hay sai….

Đợt rồi rộ lên thần y ba đời khám chữa bệnh, nhưng nếu Bộ Y tế không lên tiếng thì chắc chắn Bộ Thông tin truyền thông không đủ sức để nói là "ông đó khám chữa bệnh như thế là đang vi phạm pháp luật". Do đó, việc cùng nhau quản lý trên không gian mạng hiện nay là nhu cầu cấp thiết vì không gian mạng hiện nay nó là thế giới thứ 2 của loài người.


19:44 ngày 15/11/2022

Để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật

TỔNG THUẬT: Tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.
Ảnh VGP/Quang Thương

Trên thực tế, có nhiều công ty, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhưng tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt vẫn chưa bị áp dụng một hình phạt tương xứng. Thậm chí chỉ bị phạt mấy triệu. Chế tài cho người tung tin giả còn quá mềm mỏng nên chưa đủ sức răn đe, có đúng không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Câu hỏi này rất hay. Theo quan sát của tôi, khi cứ diễn ra một hành vi vi phạm pháp luật thì chúng ta thường nghĩ là do hình phạt, chế tài còn quá nhẹ. Vậy chúng ta thử trả lời câu hỏi: Hình phạt nặng hơn có đi đôi với hành vi pháp luật giảm đi không?

Chúng ta hãy dùng lý trí nhìn vào những tội danh có khung hình phạt cao nhất trong Bộ luật Hình sự như tội giết người, buôn bán ma túy, tham nhũng… Những tội danh này có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình, hay tội phạm ma túy có mức hình phạt ít nhất cũng phải 5-7 năm.

Những tội phạm này trong thời gian qua lại có xu hướng tăng, trước kia vụ án giết 1-2 người đã khủng khiếp lắm nhưng hiện nay xảy ra liên tiếp, hay ma túy trước kia 1-2 kg nhưng hiện nay lên đến hàng tấn.

Tôi mong rằng các cơ quan chức năng của Nhà nước khi đưa ra chính sách thì nên nghiên cứu xem hình phạt nặng có đồng nghĩa với vi phạm giảm để đưa ra chính sách phù hợp.

Ví dụ Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, chúng ta tăng mức xử phạt lên nhiều lần nhưng hiệu quả cũng không cao. Nhiều người nghĩ rằng giải pháp là phạt nhẹ quá thì phải tăng lên. Tôi cho rằng không hợp lý.

Từ thời điểm này, đặc biệt là công tác lập pháp, chúng ta phải xem xét ở nhiều góc cạnh hơn. Theo quan điểm cá nhân, tin giả, tin sai sự thật có thể gọi đó là những hành vi vi phạm pháp luật, nằm trong bối cảnh chung của đất nước ta là ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao.

Đó chính là môi trường xấu về vi phạm pháp luật, thượng tôn pháp luật còn kém. Trong môi trường xấu thế, tin giả hay những hành vi vi phạm pháp luật nhiều là tất yếu. Chẳng qua tin giả nhiều vì rất dễ thực hiện, chỉ cần một điện thoại thông minh, bấm, phát tán và có người tò mò.

Nếu chúng ta không xây dựng được nhà nước pháp quyền, xây dựng được ý thức thượng tôn pháp luật từ cấp tiểu học, trung học thì không giải quyết được.

Tôi lấy ví dụ ở nhiều nước có hệ thống pháp luật tiên tiến, những nước văn minh, cơ quan quản lý về y tế, về thực phẩm cũng giống như Việt Nam, thậm chí ít nhân sự hơn chúng ta, nếu có tình trạng phun thuốc sâu vào rau để bán, hay tiêm những hóa chất vào trong vật nuôi thì cũng không có một cơ quan nào đứng ra kiểm soát được hết. Đó là do ý thức công dân của người ta rất tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, vì sức khỏe cộng đồng.

Để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.

Thứ hai, tôi cho rằng để ngăn chặn việc này, báo chí không thể đứng ngoài cuộc được. Phản ứng của các cơ quan chính thống đôi khi cũng hơi chậm so với mạng xã hội. Có nhiều tin là tin thật, mạng xã hội đưa trước mấy ngày thì lúc đó báo chí mới vào cuộc. Như vậy, lỗi truyền thông chính thống cũng có.

Thứ ba, tin giả khó xử lý vì trong quá trình hành nghề, tôi gặp nhiều vụ bảo vệ cho các doanh nghiệp, họ bị thiệt hại ghê gớm bởi có những lô hàng họ đã đặt trước nửa năm, chuyển tiền, hàng đang trên đường từ quốc tế về thì có những tin tung ra là sản phẩm của họ không bảo đảm được sức khỏe. Gần như doanh nghiệp phá sản, kéo theo ngân hàng phá sản theo vì ngân hàng bảo lãnh cho các khoản vay đó. Hệ lụy rất ghê gớm.

Nhưng khi xử lý thì vô cùng khó. Bởi vì bản thân doanh nghiệp, thậm chí các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và truyền thông chưa chắc đã có những phương tiện kỹ thuật để biết được hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở đâu. Việc đấy đôi khi phải nhờ sự can thiệp của Bộ Công an.

Việc xác định hành vi vi phạm diễn ra ở đâu, ai là người tung tin thì thật sự rất khó. Đôi khi tìm ra được rồi thì họ lại xóa dấu vết. Hay tung tin giả đôi khi chỉ đưa mập mờ không nói cụ thể một ai cả, họ chỉ hướng đến và lái suy nghĩ của người nghe, xem nên xử lý rất khó.

Thu thập bằng chứng, chứng cứ diễn ra trên phạm vi rộng ở trên không gian mạng, thậm chí ở nước ngoài. Việt Nam phải phối hợp tương trợ tư pháp, đôi khi hệ thống pháp luật của họ không giống của mình.

Việc xử lý tin giả, tôi đồng ý là mức chế tài phải nghiêm khắc hơn nhưng điều quan trọng phải lưu ý đó là ở Việt Nam, có những hệ thống pháp luật như đấu thầu rất chặt chẽ, nhưng liên tục có hành vi vi phạm đấu thầu trong thời gian qua. Tôi cho rằng thực thi pháp luật đâu đó chưa nghiêm.

Do đó, nếu dù có một hành vi vi phạm pháp luật nào xảy ra và đều bị xử lý thì không cần tăng nặng hình phạt. Một công dân chỉ cần đưa một tin sai sự thật thì chỉ cần phạt đến 2-3 triệu chưa đến mức 7 triệu hoặc thậm chí phải bồi thường thiệt hại, đối mặt với những khung hình phạt hình sự thì không ai không sợ, nhưng có lẽ chúng ta xử lý chưa triệt để. Đó là những nguyên nhân mà họ nhờn thuốc.


19:55 ngày 15/11/2022

Ứng phó tin giả: Doanh nghiệp đang ở thế "đi chữa bệnh hơn là phòng bệnh"

Qua ý kiến của các vị khách mời, đối với doanh nghiệp của ông Long, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này không?

Ông Nguyễn Vũ Long: Tôi cũng nghĩ là có thể các vấn đề nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thực sự có sự chuẩn bị mà đang ở thế đi chữa bệnh hơn là phòng bệnh.

Đó là điểm mà tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ phải thích nghi trong điều kiện mới vì bản thân công ty chúng tôi là công ty niêm yết thì chúng tôi luôn chủ động về truyền thông các hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy nhiên mức độ như nào, tùy vào từng đối tượng để chọn chiến lược truyền thông phù hợp để chọn bài toán cần chuẩn bị lại trong thời gian tới.

Quay lại với thông tin giả, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Luật sư Huế. Thực ra không thể răn đe bằng các khung hình phạt được, có thể là sự nghiêm khắc, triệt để như anh Huế chia sẻ để giúp cho mọi người có ý thức hơn. Nhưng cuối cùng vấn đề gốc rễ không nằm ở việc đó mà nằm ở ý thức của người đưa tin và cả hiểu biết của độc giả - người tiếp nhận thông tin nữa.

Nói đến vai trò của truyền thông, chúng tôi phải chủ động truyền thông hơn, giúp nhà đầu tư, khách hàng có hiểu biết hơn về hoạt động kinh doanh của mình. Vndirect hoàn toàn minh bạch về việc đấy và rất tự tin mình có thể làm tốt hơn.

Tuy nhiên, tổng thể cần sự truyền thông của các thành phần khác, bao gồm từ các cơ quan quản lý nhà nước, cả báo chí. Thực ra báo chí đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi vì tâm lý người đọc thường có sự chú tâm nhiều hơn đối với những thông tin tiêu cực. Đó là phản ứng tự nhiên của con người, chúng ta luôn phải đối mặt với tiêu cực do đó điều này hoàn toàn là hiển nhiên.

Tuy nhiên, báo chí có thêm những thông tin tích cực hơn nữa để cân bằng. Không phải đưa ra những thông tin sai lệch về mặt tích cực mà chỉ cần đưa ra những thông tin tích cực đúng với thực trạng sẽ giúp nhiều cho độc giả, cho nhận thức của bạn đọc. Nếu cái gì cũng tiêu cực, đến một thời điểm nào đó, cái tích cực cũng trở thành tiêu cực.

Ví dụ, một doanh nghiệp đang có một thông tin tích cực nhưng suy diễn của việc đấy lại trở thành một thông tin tiêu cực. Đây là thực tế cho thấy vai trò quan trọng của báo chí, cần cân bằng những thông tin đưa ra.

Tôi mở tờ báo ra đọc mà phần lớn 70-80% là các thông tin không tích cực. Rõ ràng người dân hàng ngày tiếp nhận những thông tin như thế thì về mặt dài hạn dần trở thành thói quen không tốt cho người đọc, người tiếp nhận thông tin và càng ngày càng phản ứng mạnh hơn với sự tiêu cực.

Tôi nghĩ về mặt truyền thông, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ quan báo chí cần giúp đỡ cho doanh nghiệp, qua đó giúp đỡ cho cả nền kinh tế. Mỗi một thành viên trong thị trường cần đóng vai trò của mình giúp giải quyết hiện trạng vấn đề tin giả và giải quyết bằng thời gian chứ không phải bằng các răn đe pháp lý.

Chúng ta răn đe để mọi người hạn chế, không có động cơ, răn đe nhóm đối tượng trục lợi từ việc này, còn về mặt dài hạn cần có sự truyền thông, qua truyền thông có thể giáo dục, giúp tăng hiểu biết, nhận thức của thị trường, từ đó tin giả sẽ giảm dần đi.


20:01 ngày 15/11/2022

Xử lý người đưa tin giả: Có giải pháp cho những người dân bình thường, đồng thời cũng phải có giải pháp cho người cố tình vi phạm

Nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Khi nói về xử lý tin giả, tôi đã lên Cổng TTĐT Chính phủ nói một lần về việc này rồi, tôi cũng đồng ý là vấn đề xử lý tin giả rất khó, cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ, hy vọng hôm nay ta sẽ nói đủ những vấn đề như thế.

Câu chuyện chúng ta đang đặt ra ở đây là giải pháp răn đe nó có hiệu quả hay không. Lấy ví dụ như ở Singapore, không ai dám vứt rác ra đường hết, bởi vì hình phạt là 10.000 đôla Singapore cho 1 lần vứt tàn thuốc ra ngoài đường. Tội phạm ma túy ở Singapore cũng không có luôn, chỉ có người nước ngoài buôn ma túy qua đây bị bắt và hình phạt cực kỳ nặng.

Hình phạt chúng ta phải hướng tới dùng để răn đe những người có mưu toan làm sai. Còn nếu như vô tình truyền bá tin giả, với mức phạt 7,5 triệu đồng như hiện nay là rất nặng.

Người ta sẽ phải thận trọng, 1 lần bị phạt như vậy người ta sẽ "chừa tới già", nhưng đối với những người cố tình tung tin giả để trực lợi thì mức phạt trên không là gì hết.

Tôi cũng nói chuyện trên nhiều diễn đàn và các cơ quan báo chí để mổ xẻ vấn đề này rất nhiều lần.

Thực ra tung tin giả trên mạng có rất nhiều đối tượng khác nhau, có những người có ảnh hưởng rất lớn, một lời, một post người ta đưa lên facebook hàng trăm nghìn người đọc và từ đó lại chia sẻ ra nhiều nữa, có những người tung tin giả nhưng không ai để ý bởi họ không là ai cả, cho nên pháp luật phải nhìn thấy sự khác biệt đó.

Không thể so sánh tội phạm ở lĩnh vực này với tội phạm ở các lĩnh vực khác, mức độ lan truyền tin giả, tin thất thiệt hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng, ảnh hưởng, cho nên việc xử phạt đối với một công dân bình thường vô tình tiếp tay cho tin giả nó phải khác với người cố tình hoặc những người có độ ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Chia sẻ với các anh chị là một status viết thuê cho các doanh nghiệp thì trị giá đối với 1 người "KOL" từ 15-25 triệu đồng, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thuê những "KOL" để viết và trả một mức tiền như thế. Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều doanh nghiệp cũng làm như vậy. Với mức hưởng như vậy nếu bị phạt 7,5 triệu thì không là gì cả, cho nên cơ quan quản lý Nhà nước cần phân biệt rõ mức độ ảnh hưởng.

Tin giả đó nó sẽ ảnh hưởng như thế nào, người nào sẽ tung ra, chưa nói đến câu chuyện một phần rất lớn tin giả được thiết kế, được xây dựng với chủ đích để tấn công các doanh nghiệp, các tổ chức và tấn công luôn nền kinh tế của chúng ta, tấn công thị trường chứng khoán, lợi ích của họ không đo đếm được, chắc chắn rất lớn, nếu cứ chiếu theo luật của mình thì phạt không có ý nghĩa gì.

Tôi cũng đồng ý răn đe chưa phải là một giải pháp hoàn chỉnh, chỉ là một phần nhưng nó cũng sẽ góp phần hạn chế đối với những người dân thường. Hiện nay mức độ răn đe không cao nên khi bắt được tin giả họ sẵn sàng share ra ngoài. Họ không sợ.

Nhưng nếu như hình thức răn đe để sức nặng thì họ phải thận trọng, khi đọc được tin giật gân họ phải suy nghĩ có nên post nó hay không, nếu giả thì sao.

Điều ấy cho thấy, ngoài việc có giải pháp cho những người dân bình thường, chúng ta cũng phải có giải pháp cho người cố tình, phải xử phạt xứng đáng thì mới ngăn chặn được.


20:09 ngày 15/11/2022

Cần sửa quy định về bồi thường thiệt hại do tin giả gây ra

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Tôi đồng ý với ý kiến của anh Vinh, tuy nhiên tôi bổ sung thêm, thực ra pháp luật của Việt Nam, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ. Gần đây nhất chúng ta có Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Pháp luật phân định rất rõ, nó phụ thuộc vào hậu quả, nếu anh lan truyền tin giả chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt cũng lên đến mấy chục triệu, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hay thiệt hại vật chất cho tổ chức, cá nhân thì hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, người ta cũng phân ra, ông chủ mưu đương nhiên là phải khác, ông thu lợi bất chính nhiều thì vai trò cũng khác đi, mức án cũng khác.

Ngoài ra, tôi cũng nhấn mạnh chúng ta nên sửa luật về bồi thường thiệt hại. Hiện nay có tổ chức, doanh nghiệp bị tung tin đồn sai sự thật dẫn đến bị thiệt hại, để xác minh thiệt hại thì theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng rất lạc hậu.

Để doanh nghiệp chứng minh thiệt hại đó là rất khó, đôi khi là cần hóa đơn, chứng từ, rồi rất nhiều quy trình tố tụng, ra toà còn xem xét, cân lên đặt xuống, "được vạ thì má sưng", nên chúng ta cần phải sửa cả pháp luật về bồi thường thiệt hại để khi có thiệt hại xảy ra, mà chỉ chứng minh đấy là thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp đã phải bỏ ra thì tòa phải chấp nhận.

Về quy trình tố tụng, đôi khi có những vụ rõ ràng rồi nhưng quy trình kiện dân sự, đâu đó có những phiên toà mất 1 năm sơ thẩm, sau đó đương sự kháng cáo mất thêm 1 năm nữa, xong có bản án cũng không biết bao giờ mới thi hành án được, đây cũng là bất cập của pháp luật mà nhiều doanh nghiệp bị vi phạm, bị thiệt hại về quyền lợi nhưng họ không dùng các công cụ pháp luật bảo vệ, bởi rất mất thời gian, tốn kém vật chất, hiệu quả không biết thế nào.

Nhân đây tôi xin kể câu chuyện, tôi đi hay đi đường vành đai 3 Hà Nội, trước đây thấy có làn ngoài cùng dành cho xe cấp cứu, làn khẩn cấp, nhiều lần tôi chứng kiến các xe cấp cứu đi từ các tỉnh ra gần như tắc không thể đi được vì làn đó các phương tiện khác họ đi hết.

Nhưng khoảng 2 tháng gần đây, trên đấy lắp hết camera xử phạt nguội, tuyệt nhiên không có xe nào đi vào đó nữa, mà chúng ta chỉ dùng camera.

Ai đi vào làn đó camera sẽ ghi hình, gửi về cơ quan chức năng, đến kỳ đăng kiểm sẽ phạt với mức gần 10 triệu đồng.

Tôi cho rằng nếu tất cả hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý thì chắc chắn sẽ hạn chế, giảm nhiều.


20:13 ngày 15/11/2022

Nên khuyến khích cơ chế kiện đòi bồi thường

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn: Thực ra nếu hành vi vi phạm, những trục trặc này quy hết trách nhiệm cho cơ quan hành chính nhà nước thì tôi tin rằng không có cơ quan nào có thể đủ lớn để  đi xử phạt hết các hành vi.

Theo tôi, cơ chế đầu tiên là chúng ta phải khuyến khích cơ chế kiện đòi bồi thường đối với những vụ việc ở đây, không thể hành vi nào vi phạm chúng ta nâng lên được, thực trạng hiện nay là những vụ kiện dân sự quá mất thời gian, mất hành năm trời để theo đuổi.

Trong bối cảnh internet, có thể chúng ta phải thay đổi, cải cách tư pháp làm sao có những phiên xử rút gọn, nhanh, đúng với tinh thần trên giao dịch hiện nay, bởi hiện nay một giao dịch trên mạng xã hội mất có vài giây trong khi đó chúng ta xét xử tranh chấp đến hàng năm, điều này không tương thích. Chúng ta phải có cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rõ ràng.

Điểm thứ 2, đúng là trên mạng xã hội cũng phải phân ra, có những người bình thường và những người có ảnh hưởng (KOL). Ở các nước cũng như vậy, họ sẽ phải tập trung quản lý về những người này, không chỉ là sử phạt, mà có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện.

Như một số nước hay như Singapore, họ quảng cáo cho một sản phẩm, nếu nhận tài trợ hay có nguồn từ chỗ nào đấy thì nghĩa vụ họ là phải công khai, khai báo lên là họ đang dùng thử một sản phẩm mà họ được tài trợ của nhãn hàng đấy, nếu không sẽ bị xử phạt rất nhiều.

Tức là phải có cách thức bắt buộc công khai thông tin, chứ không để tình trạng nhập nhằng như hiện nay. Cái gì liên quan đến kiếm tiền, có nguồn lợi từ đó thì phải công khai, đấy là một cơ chế trong nhiều cơ chế khác.

Tôi cho rằng cơ chế như thế hiện nay cần được xác lập để giảm tải, người dân sẽ quen, bởi bây giờ không phải là lên mạng xã hội mà chúng ta sống trong interetnet rồi, sẽ có những hành xử của người xấu, người tốt, nên sẽ có những trục trặc như thế.

Trước đây, nếu người thực thì xác định được cá nhân, nhưng khi lên internet nhiều người ẩn danh, không hiện diện nên người ta cảm thấy trách nhiệm ít hơn nên họ nói những thông tin không đúng, không thật dễ dàng, nhưng khi họ thấy nguy cơ, rủi ro và có trách nhiệm, tôi tin rằng nó sẽ giống như đời sống thực thôi.

Chúng ta không đòi hỏi môi trường tuyệt đối, hoàn hảo được, nhưng phải xác lập cơ chế làm sao tự giải quyết trên môi trường mạng.


20:24 ngày 15/11/2022

Xử lý tin giả: Rất khó, cần thời gian và sự chung tay

Ông Lê Quang Tự Do: Thực ra bốn vị khách mời ở đây đều không làm ở cơ quan Quản lý Nhà nước nên có những góc nhìn rất thực tế và góp ý rất chính xác. Nhưng có mấy điểm nói thật là rất khó.

Thứ nhất là, sáng kiến của anh Vinh là xử lý theo người, người nào có ảnh hưởng lớn phải xử lý khác, người nào bình thường phải xử lý khác. Nhưng luật pháp của chúng ta xây dựng tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật vấn đề là xử khác như thế nào. Nếu mà chuyển qua chỗ anh Huế thì xử theo hậu quả thì lại vướng là xử theo hậu quả thì xác định hậu quả vẫn đang rất khó

Ý nữa, bây giờ cá nhân nào lên trên mạng đều nghĩ là ảo nên không có trách nhiệm tương xứng như ngoài đời thực. Ngoài đời thực có ai dám đứng chỉ thẳng mặt chửi một người nhưng khi lên trên mạng thì chửi cả một tổ chức. Có trường hợp vừa bị khởi tố mà chúng ta đều biết chửi tất cả từ già đến trẻ, từ người nổi tiếng mà không nghĩ gì đến hậu quả.

Để khắc phục những điều này xin cung cấp thông tin, tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp triệt để vì rất khó. Ví dụ, làm sao để người dân hiểu được không gian mạng bây giờ không phải là không gian ảo.

Trong 5 năm gần đây, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an đã tăng cường rất nhiều các biện pháp kỹ thuật để xác định được nhân thân.

Đặc biệt hiệu quả trong dịch COVID, chúng ta có thể thấy rất nhiều người chỉ cần tung tin giả lên mạng lập tức có thể biết người đó là ai và có thể xử lý được

Thứ hai, đã tăng cường năng lực rà quét và chủ động rà quét. Nhà nhà, người người và các địa phương đều tăng cường rà quét

Thứ ba là tuyên truyền, trước năm 2018 không có câu đăng tin này coi chừng bị phạt 7,5 triệu đâu. Như vậy nhận thức của người dân đã tăng lên một bước và chúng ta ghi nhận điều đó.

Người dân đã ý thức đăng như vậy có thể bị phạt 7,5 triệu, đó là điều rất tốt. Tất nhiên phải nâng nhận thức của người dân lên một mức cao hơn, đăng như vậy sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người và như vậy là không văn minh.

Điều này phải mất một quá trình và cơ quan quản lý nhà nước đang làm điều đó. Các quy định pháp luật cũng đang được sửa đổi nhưng sự cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.

Ông Đậu Anh Tuấn đã đề cập một vấn đề rất đúng là cơ quan quản lý Nhà nước đang bị quá tải không thể đủ sức xử lý hết các vi phạm. Trong khi cơ chế xử lý ở Tòa án còn đang rất hạn chế. Vấn đề này chúng ta đang tìm cách khắc phục.

Một điều nữa như anh Vinh nói, bây giờ nếu xử ở Tòa án có tính hiệu quả, tính răn đe phải xử được theo doanh thu, theo mức độ thiệt hại mà phải chứng minh kiểu khác chứ không phải chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ.

Ví dụ như Facebook, Google mà Liên minh Châu Âu hoặc Mỹ vừa rồi xử thiệt hại không gây ra cho nền kinh tế và người tiêu dùng ước tính 2 tỷ USD mà không hề có hóa đơn.

Hiện nay trong Luật của chúng ta không thể chứng minh được kiểu đó và cũng không có quy định xử theo tỷ lệ doanh thu. Tất cả những bất cập này các cơ quan quản lý nhà nước đang làm nhưng rất khó cần phải có thời gian và sự chung tay.

Đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực làm công tác xử lý thông tin phòng chống xấu độc ông lê Quang Tự do cho biết:

Hiện nay để có một người chuyên viên nhạy cảm về chính trị, nhạy cảm về việc xử lý thông tin xấu độc cần phải đào tạo rất lâu. Trong thực tế đã có tình huống khi một người làm trong lĩnh vực này một thời gian  cũng bị ảnh hưởng bởi tin giả, tin đồn, tin xấu độc đó.

Cơ quan quản lý nhà nước không chỉ riêng Cục Phát thanh truyền hình mà các đơn vị đều phải đối mặt với tình huống đó nhưng lực lượng chuyên trách lại càng nguy hiểm hơn.

Đã có tình huống ở Văn phòng UBND TPHCM có cán bộ làm công tác IT, chuyên nhận tin xấu độc, sau một thời gian cán bộ này cũng nói theo luận điệu các thông tin xấu độc đó, đến khi bị kết án, ra tù cán bộ này mới nhận thức được.

Để khắc phục những tác hại này cần phải có đào tạo, tập huấn và bồi đắp nhận thức và niềm tin cho lực lượng đó

Hiện nguồn nhân lực ở đây quá thiếu. Ví dụ như Cục Phát thanh Truyền hình chuyên trách chỉ có một người và chúng tôi lập ra tổ kiêm nhiệm gọi là tổ phòng chống thông tin xấu độc do Cục trưởng là tổ trưởng.

Từ thực tế này chúng tôi phải dùng cánh tay nối dài khác ở ngoài hệ thống Nhà nước,ví dụ như các doanh nghiệp phải tổ chức bộ phận truyền thông chuyên nghiệp, hoặc các cơ quan báo chí chuyên nghiệp hơn và cuối cùng nữa là nhận thức của người dân.


20:43 ngày 15/11/2022

Phải có kênh kiểm chứng sự thật!

Với kinh nghiệm của mình ông có thể cho lời khuyên rõ ràng hơn về việc doanh nghiệp cần đào tạo bộ phận truyền thông như thế nào, bộ phận truyền thông đó sẽ là cánh tay nối dài, làm giảm thiểu nhân lực?

Ông Lê Quốc Vinh: Tôi rất chia sẻ khó khăn của các cơ quan nhà nước. Bây giờ tăng thêm 1 nhân sự sẽ phải trả lời cho nhân dân là tại sao mình phải tăng như vậy.

Chúng ta phải có giải pháp rất là đồng bộ từ nhà nước. Đối phó với câu chuyện nhân lực chúng ta phải trang bị công nghệ. Tôi cũng rất mừng là anh Lê Quang Tự Do nói là bên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an trang bị thêm và tăng cường rà quét.

Trước đây, trong thời gian COVID-19, tôi cũng tham gia lọc kiếm tin giả, mang tính chất tự nguyện thôi, nhưng quá trình mình lọc được tin giả vô cùng khó.

Chúng tôi phát hiện ra vấn đề nghi vấn thì 3, 4 ngày xác định được tin đó là giả hay không. Nhưng nếu chúng ta dùng công nghệ thì giải pháp nhanh hơn rất nhiều.

Ví dụ như bên TTXVN, Báo Nhân dân, họ đã có hệ thống rà lại tất cả các thông tin đã từng có, so sánh với thông tin nhận được và dùng thuật toán của trí tuệ nhân tạo họ có thể so sánh biết cái gì là giả, cái gì không giả, từ đó giảm thiểu khó khăn về nhân lực rất nhiều.

Về sự phối hợp của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng phải chủ động báo cáo các vấn đề mình nghi vấn, các cơ quan quản lý nhà nước chủ động rà quét.

Tôi có nói chuyện với các anh bên Bộ Công an là mình cứ chờ các nạn nhân đi đến báo cáo, xong rồi gửi đơn kiện rất là khó vì nhiều người ngại và sợ bị trả thù. Cho nên họ không chủ động báo cáo như vậy thì phía cơ quan nhà nước sẽ không xử lý.

Tôi nghĩ điều đó phải thay đổi vì cần sự chủ động của các cơ quan nhà nước tìm kiếm thông tin xấu độc để dẹp bỏ nó hay ít nhất là công bố cái gì là giả, cái gì là thật.

Phải có kênh fact-check, kiểm chứng thông tin nào là thật, công bố ra và phải truyền thông thật mạnh cho các kênh đó. Doanh nghiệp và các cơ quan báo chí cũng phải tham gia.

Cơ quan báo chí cũng là cơ quan fact-check rất là tốt, mình sẽ phải công bố những gì là đúng để cho công chúng tìm đến kiểm chứng những gì họ đang đọc.

Tất nhiên cần giáo dục mọi người tự xây dựng thói quen nghi ngờ thông tin nghe lại mà không phải từ nguồn tin xác đến thì mình cũng phải biết lại câu hỏi có đáng tin nó hay không, chậm lại chút xíu để kiểm chứng thông tin trước khi mình chia sẻ, kèm theo giải pháp về chế tài, tất cả phải đồng bộ thì chúng ta mới có thể giảm bớt vấn đề rất nan giải về tin xấu, tin giả.

Tôi nghĩ rằng mỗi người dân phải là chiến sĩ hàng đầu nếu chờ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sẽ không triệt để được. Người dân phải tìm đến các nguồn tin được coi là sắp đến, phải có những kênh như thế, các cơ quan, các tổ phải xây dựng các kênh đó. Nhưng người dân cần biết cái gì, chỗ nào thông tin đáng được xem, đáng được đọc, còn những chỗ khác mình phải đặt dấu hỏi

Tìm được phải so sánh nguồn thông tin mình cần biết, tự tạo ra cho mình lưới lọc. Tất nhiên, nếu nói cái gì làm trước, cái gì làm sau rất là khó. Nếu chờ ý thức người dân thì không biết bao giờ mới xây xong.

Phía cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình hệ thống thông tin chuyên nghiệp, bài bản. Không gì tốt bằng chính kênh thông tin của chính doanh nghiệp đang sở hữu. Mình phải xây cái đó và biến nó thành kênh thông tin mà người dân muốn hiểu về mình thì tìm đến đó trước tiên, đừng đọc những thứ của người khác.

Muốn như vậy kênh của anh phải mạnh, kênh của anh phải hay, kênh của anh phải luôn luôn cung cấp các thông tin thú vị, hấp dẫn cho mọi người thì khách hàng mới tìm đến anh. Đừng có chờ khi khủng hoảng rồi mới làm thì muộn.

Câu chuyện truyền thông ngày hôm nay khó hơn nhiều so với trước đây, nếu ta ý thức được sự thay đổi truyền thông thì ta phải thay đổi theo chứ đừng cố làm theo kiểu cũ.


20:47 ngày 15/11/2022

Doanh nghiệp phải có những chiến lược để bảo vệ mình trước tin độc, tin giả

Ông có ý kiếm thế nào trước quan điểm cho rằng, cá nhân người thanh lọc tin giả phải hết sức nhạy cảm và tinh tưởng để phát hiện được đốm lửa từ rất sớm trước khi nó bùng cháy cả một cánh rừng thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử: Để có một chuyên viên nhạy cảm, tinh tường về chính trị, về việc xử lý tin giả thì phải đào tạo rất là lâu, mất thời gian và thú thật là một người khi người ta làm trong lĩnh vực này một thời gian người ta cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tin giả, tin đồn, tin xấu độc.

Trước thực tế đó thì chúng tôi phải rất coi trọng công tác đào tạo, đào tạo lại để bồi đắp về nhận thức, về niềm tin cho lực lượng chuyên trách.

Cái thứ hai là nguồn nhân lực làm công tác này hiện còn quá mỏng, ví dụ như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử của chúng tôi, chỉ có 1 cán bộ chuyên trách và một Tổ kiêm nhiệm gọi là Tổ phòng chống thông tin xấu, độc có 6 người do tôi trực tiếp phụ trách.

Trước thực tế là không thể có biên chế đủ cho công tác này, chúng tôi luôn luôn phải dùng đến những cánh tay nối dài ví dụ như là bộ phận truyền thông ở các doanh nghiệp, hoặc là các cơ quan báo chí chuyên nghiệp và cuối cùng nữa là ở chính sự nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong phòng chống thông tin xấu, độc.

Xin hỏi các vị khách mời, còn ai có ý kiến khác không?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Tôi nghĩ rằng việc doanh nghiệp phải oằn mình ra chống tin giả để tự bảo vệ mình tôi thấy nó không đáng. 

Doanh nghiệp cần tập trung làm ăn, tạo ra việc làm, tạo ra của cải vật chất, đóng thuế cho nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, doanh nghiệp phải có những chiến lược để bảo vệ mình trước tin độc, tin giả. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của mình cần làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía người dân thì tôi mong rằng, chúng ta muốn sống trong xã hội văn minh thì bắt buộc phải thượng tôn pháp luật, mỗi cá nhân phải ý thức, trách nhiệm với cộng đồng thì chúng ta mới có được môi trường lành mạnh để cho chúng ta và con cháu chúng ta./.


20:51 ngày 15/11/2022

Cần hoàn thiện khung khổ pháp lí vững chắc hơn nữa và tương xứng hơn nữa!

Fake news, vấn đề nan giải của xã hội hiện đại và nó sẽ vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác. Quan trọng nhất là chúng ta đối diện và xử lí nó như nào để tin giả không thể tác động sâu rộng vào đời sống doanh nghiệp.

Chúng ta cũng cần hoàn thiện khung khổ pháp lí vững chắc hơn nữa và tương xứng hơn nữa đối với những hành vi tung tin giả gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng uy tín cá nhân cũng như doanh nghiệp.

Và trên hết mỗi cá nhân đều phải tự trang bị kiến thức và tỉnh táo chọn lọc  khi thu nhận thông tin.

Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị!

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi