![]() |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum A Pớt phát biểu. |
![]() |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt phát biểu. |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa cho rằng việc giải quyết nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân là mục tiêu rất quan trọng, đây là một trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Chúng ta đang xây dựng nhà ở cho hơn 244 nghìn hộ người có công, Chính phủ đã bố trí nguồn lực nhưng các địa phương vì nhiều lí do khác nhau chưa triển khai đồng bộ, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện.
Đại biểu đề nghị nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn cho nhà ở công nhân.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng hệ thống chính sách để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hiện nay mới có khoảng 30% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Bình Thuận cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã hoàn thành 12/12 mục tiêu cho năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP cao nhất từ 2011 trở lại đây, sản xuất nông nghiệp tăng cao so với giai đoạn 2012 tới đây. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và những bức xúc của nhân dân. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế như báo cáo của Chính phủ đã nêu, đề nghị cần làm rõ địa chỉ của bộ ngành, địa phương và nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Đồng tình với 9 giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo, đại biểu đề nghị có các giải pháp đủ mạnh, căn cơ hơn để phát triển ngành nông nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản, tận dụng ưu thế, tạo đà phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đại biểu cũng đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3 để đáp ứng nhu cầu nước của tỉnh Bình Thuận; xem xét điều chỉnh chính sách với người cao tuổi cho phù hợp, bảo đảm công bằng hơn...
Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm sâu, nhưng các hộ nghèo vẫn tập trung ở một số địa phương khó khăn như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Nông... Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp. Tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương vẫn diễn ra... Đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để khắc phục, như phân cấp cho chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế...
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM cho rằng, kinh tế - xã hội 9 tháng đạt kết quả tăng trưởng GDP ấn tượng, dự kiến vượt kế hoạch cả năm, các thành tố của tổng cầu tăng cao trên 2 con số, trên 11%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung. Xét về cung, lực lượng lao động của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tích lũy vốn, đầu tư của nền kinh tế tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thời gian sắp tới sẽ áp lực lớn với chính sách tiền tệ và tỷ giá, vì vừa qua chúng ta đã tăng nhẹ tỷ giá so với đồng USD để bảo đảm tính cạnh tranh cho một số mặt hàng xuất khẩu, tác động từ căng thẳng thương mại, chính sách bảo hộ của một số quốc gia... Chi phí logistics, kho bãi, vận tải còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới chính sách tiền tệ và tỷ giá phải mang tính thận trọng để không gây áp lực lên chi phí cho doanh nghiệp.
Đại biểu cũng cho rằng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa có đánh giá toàn diện về việc chuyển giao công nghệ hay tiếp thu kỹ năng quản lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long cho rằng những kết quả tích cực về giáo dục-đào tạo đã củng cố niềm tin trong nhân dân, nhưng cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề: Thực hiện tốt hơn công tác hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, thanh niên trong bối cảnh nhiều học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không tiếp tục học đại học, làm tốt hơn công tác phân tích, dự báo nghề nghiệp trong tương lai, tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng lao động, thu hút sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp trong đào tạo lao động...
Đại biểu Bùi Thanh Toàn, đoàn Hải Phòng tranh luận với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai sáng 26/10 liên quan tới đất quốc phòng tại Hải Phòng. Đại biểu Bùi Thanh Toàn cung cấp thêm thông tin về nội dung này.
Đại biểu A Pớt, đoàn Kon Tum thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, kiến nghị một số nội dung. Thứ nhất, nhiều năm nay ngân sách khó khăn, chi đầu tư phát triển dựa nhiều vào vốn vay, nợ công tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng trên đã được cải thiện đáng kể, 2017, Chính phủ đã tiết kiệm 69 nghìn tỷ chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên giảm xuống, đây là thành tựu cần được ghi nhận, đánh giá cao, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Thứ hai, kinh tế-xã hội các vùng miền núi có nhiều cải thiện trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm… Việc thực hiện chính sách cho miền núi đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đồng bào, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, do đó cần rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách, xây dựng chính sách hiệu quả hơn, bố trí đủ kinh phí cho các chương trình này, rà soát, sắp xếp lại các nông lâm trường không hiệu quả để bố trí đất cho đồng bào thiếu đất sản xuất...
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận buổi chiều, Đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực chung, chúng ta đã đạt và vượt 12 chỉ tiêu năm 2018. Nhìn tổng thể, có thể thấy rất rõ xu thế phát triển chung của đất nước trong những năm gần đây, niềm tin của nhân dân ngày càng được tăng cường, vị thế đất nước được nâng cao.
Tuy nhiên, đại biểu nêu một số vướng mắc và kiến nghị trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đất đai… cụ thể là bổ sung kinh doanh dịch vụ bồi thường, tái định cư vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách để bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước, nhất là về chính sách thuế với linh kiện, phụ tùng để kéo giảm giá thành sản xuất ô tô trong nước.
Cũng theo đại biểu, thực tế hiện đang rất khó điều chỉnh và bố trí biên chế giáo viên, ví dụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý được giáo viên cấp THPT, còn từ mầm non đến cấp THCS đã phân cấp cho chính quyền địa phương.
Quốc hội đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế-xã hội
Trước đó, trong buổi sáng, đã có 27 đại biểu phát biểu. Đại biểu Quốc hội bày tỏ phấn khởi trước bước phát triển ngoạn mục của đất nước trong khi đầu nhiệm kỳ "bề bộn những khó khăn", "cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn"; đồng thời cũng nêu rõ các tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đại biểu Trần Chí Quang, đoàn Đồng Tháp cho rằng, những thành quả đạt được đã tạo niềm tin sâu sắc trong xã hội, tăng trưởng GDP tăng cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 tới nay. Các lĩnh vực đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhân dân, cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội bày tỏ: Cử tri và cá nhân ông rất phấn khởi trước thành công lớn của đất nước. Đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên.
Các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai, Quảng Văn Hương, đoàn Sơn La đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội, các kết quả đạt được, đồng tình với các hạn chế, yếu kém, các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ được nêu ra trong các báo cáo; tin tưởng với quyết tâm cao sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển cho năm 2019.
Các đại biểu đồng thời kiến nghị giải quyết căn cơ vấn đề thiếu đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng tín dụng đen; đẩy mạnh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bố trí đủ nguồn lực cho phòng chống, ứng phó thiên tai; đầu tư thêm cho giao thông vùng Tây Bắc; quan tâm hơn nữa đến chính sách bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực miền núi; quan tâm đầu tư hơn nữa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An nêu rõ: 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu, trong khi nhìn lại đầu nhiệm kỳ với bề bộn những khó khăn.
“Tại thời điểm đó tôi và nhiều đại biểu Quốc hội hết sức lo lắng, bây giờ đứng trên thành công nhìn lại thấy hết sức khâm phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua như báo cáo của Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Lại Xuân Môn, đoàn Cao Bằng bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng và ước đạt năm 2018, cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng giảm mạnh phụ thuộc vào tài nguyên.
“Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới, sáng tạo, quyết tâm quyết liệt, thể hiện trên 5 điểm: Chính phủ phối hợp tốt với Quốc hội thể chế hóa nhanh các Nghị quyết của Trung ương, ban hành sửa đổi khối lượng lớn các luật có chất lượng, nợ đọng văn bản cơ bản giảm. Thứ hai, xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành chính xác, ứng phó kịp thời với các diễn biến. Thứ ba, cắt giảm trên 60% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thứ tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sắc đến cơ sở, nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Thứ năm, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả tích cực, như sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an", đại biểu phát biểu./.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn