Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao kéo giá phân trong nước cũng tăng theo. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng cao và khan hiếm.
Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón vô cơ, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm có thực sự phù hợp cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà một số mặt hàng nguồn cung trong nước đã vượt cầu?
Hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn đang nỗ lực sản xuất, hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn cung và bình ổn giá thị trường, nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ lượng phân bón theo chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường các hoạt động sản xuất, cung ứng phân bón trên thị trường nội địa.
Trước tình hình trên, với mong muốn kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường nhằm đưa ra các giải pháp ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh hiện nay, Báo Công Thương tổ chức chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón”.
Tham gia toạ đàm hôm nay có ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
![]() |
Các diễn giả tham gia toạ đàm |
Chương trình được phát trực tiếp tại Báo Công Thương điện tử và các nền tảng mạng xã hội của Báo như Tiktok, Youtube, Facebook.
MC: Thưa TS Phùng Hà, hiện giá các loại phân bón và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón vẫn neo ở mức cao từ đầu năm 2021 đến nay. Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid. Ông có nhận định gì về tình hình này?
Hiện giá các loại phân bón vẫn neo ở mức cao từ đầu năm 2021 đến nay. Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid. Giá nguyên liệu đầu vào cho phân bón cũng khan hiếm và tăng cao. Ông có nhận định gì về tình hình này? Từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón có lúc tăng nhiều, có lúc tăng ít nhưng đánh giá chung là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây. Đợt tăng phi mã thứ nhất xảy ra vào cuối những năm 70 khi có Cách mạng Xanh trong nông nghiệp. Đợt tăng giá thứ hai xảy ra vào năm 2008, tăng từ 2,5-5 lần, tức 250 đến 500%. Giá phân bón phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, là một mặt hàng toàn cầu nên có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thị trường ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà sản xuất lớn. Cụ thể như, năng lượng và các chi phí biến đổi khác tăng: Giá khí tự nhiên, giá dầu đã tăng đột ngột cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chi phí này chiếm 70% đến 90% chi phí sản xuất ammoniac. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), nhu cầu mở rộng các khu vực trồng trọt chính trên thế giới cũng là một trong những động lực chính khiến giá phân bón tăng. Ngoài ra, do ảnh hưởng chính trị với các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus đã ảnh hưởng đến lượng cung kali (MOP), do Belarus đóng góp khoảng 20% tổng lượng kali xuất khẩu toàn cầu. Và đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới cũng khiến ngành công nghiệp phân bón bị ảnh hưởng đáng kể. Sản xuất, cung ứng phân bón tại nhiều quốc gia đã bị đứt đoạn, tăng nhiều loại chi phí do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, nguyên nhân nữa là do chi phí vận tải, nhất là vận chuyển bằng đường biển sử dụng container tăng chóng mặt.
![]() |
TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam |
Thêm một nguyên nhân nữa là do lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga, với việc Trung Quốc và Nga (hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu) thực hiện kiểm soát xuất khẩu đã gây áp lực lên giá cả. Trung Quốc, kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, và chưa biết khi nào Trung Quốc sẽ dừng chính sách này. Cuối năm 2021, Nga cấp hạn ngạch xuất khẩu phân bón chứa nito, từ ngày 10 tháng 3 năm 2022 Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu phân bón sau xung đột với Ukraine. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam. Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD, tiếp theo là Canada, Mỹ. Với tình hình phân bón trong nước tăng phi mã như hiện nay, tựu chung lại sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp, song ảnh hưởng trực tiếp, và lớn nhất là ảnh hưởng đến bà con nông dân trong hoạt động sản xuất.
MC: Thưa ông Huỳnh Tấn Đạt, việc giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng cao cộng với nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới đã khiến giá phân bón chưa bao giờ ở ngưỡng cao như hiện nay. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới công tác sản xuất của bà con nông dân trên cả nước. Xin ông chia sẻ thêm về những khó khăn này?
Phân bón là vật tư đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu được cho cây trồng, và chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp, giá phân bón tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài. Giá cả tăng đột biến làm ảnh hưởng đến giá cả phân bón trên thị trường, làm thị trường biến động, việc lựa chọn sản phẩm khó khăn với nông dân, người nông dân có thể đưa ra quyết định tối giản kinh phí đầu vào, khiến chất lượng sản phẩm đưa ra không ổn định, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Từ đầu năm 2021 đến nay, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung, phân bón nói riêng dần “leo thang” do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, cấm vận do xung đột Nga-Ucraine nổ ra từ ngày 24/02/2022. Các mặt hàng phân bón đồng loạt tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào tăng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Việc giá phân bón tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, thu nhập giảm, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. Phân bón tăng giá là khó khăn, thách thức rất lớn với nông dân, tuy nhiên cũng là cơ hội để thay đổi tư duy, sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo năng suất.
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Nhằm thúc đẩy người dân thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị trong nông sản hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục BVTV) đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón tiết kiệm và tăng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp như:
- Hướng dẫn các địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương và tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp.
- Thường xuyên tổ chức tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý địa phương trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Để đảm bảo chi phí đầu vào thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
MC: Thưa ông Vũ Xuân Hồng, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón trên thị trường thế giới đã tăng cao, cộng thêm chi phí logistic cũng tăng và việc đứt gãy nguồn cung do tác động kép của đại dịch Covid 19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang trực tiếp ảnh hưởng như thế nào với hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón của đơn vị trong thời gian qua, thưa ông?
Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89% làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Là đơn vị sản xuất lớn trong nước, với sự tăng cao của nguyên liệu như vậy, doanh nghiệp đứng trước thực tế là không đủ nguyên liệu cho sản xuất. Như như lưu huỳnh, kali… không được cung ứng đủ sẽ làm cho sản xuất không đạt công xuất, và sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Việc dừng sản xuất và sản xuất trở lại thì chi phí rất cao điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Về kinh doanh, với nguyên liệu đầu vào như vậy, nên giá thành cao, giá bán cũng phải đưa lên cao làm giảm sức tiêu dùng của thị trường. Năm 2021 và 6 tháng năm 2022, phân bón sụt giảm 20-25% về sản lượng so với cùng kỳ. Như Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sụt giản trên 100-200.000 tấn.
![]() |
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao |
MC: Trước tình hình trên, để ổn định cả về nguồn cung cũng như giá bán phân bón trong nước, Công ty đã có những giải pháp và chính sách cụ thể như thế nào, thưa ông?
Với chúng tôi, là đơn vị sản xuất lớn, gần 1 triệu tấn phân bón một năm nên để ổn định nguồn cung chúng tôi phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào. Và chúng tôi cũng đã ký hợp đồng mua các lô lớn với giá cả hợp lý, tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước để sản xuất chủ động hơn. Nhờ đó, Năm 2021-6 tháng chúng tôi đã duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung. Cuối năm 2021, rơi vào tình trạng hết hàng nhưng là nhất thời. Chúng tôi đẩy mạnh công suất tối đa. Đối với bà con, chúng tôi tính toán làm sao để tiết kiệm tối ưu để giám giá bán; để cạnh tranh vào thị trường và một phần hỗ trợ bà con trong giai đoạn khó khăn.
MC: Thưa ông, trước tình trạng giá phân bón tăng cao, người nông dân gặp khó. Tuy nhiên, thực tế việc bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hạ giá phân bón xuống thấp hơn giá thị trường là không thể, đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường. Trên thế giới có một số nước và khu vực như EU, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đã có những giải pháp hỗ trợ người nông dân thông qua một số hình thức khác nhau. Ông có thể đưa ra một số gợi ý nhằm hỗ trợ cho người nông dân, đồng thời hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất - kinh doanh phân bón và người nông dân trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
Thời gian qua, giá phân bón trong nước và thế giới tăng cao. Giá phân bón trong nước cũng tăng theo biến động tăng của thị trường thế giới, tuy nhiên giá phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại.
Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước. Đến nay, các doanh nghiệp đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước.
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Đạt |
Trong khi giá phân bón bị chi phối bởi cung cầu thị trường quốc tế, việc áp dụng các quy định hành chính can thiệp vào thị trường rất khó khả thi. Trong thời gian tới, tình hình giá và nguồn cung phân bón được dự báo là còn diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí tăng cao do những biến động trên thế giới. Ứng phó bền vững với tình hình này, giảm chi phí đầu vào là một “mệnh lệnh” khi chuyển sang kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân giảm khó khăn. Theo đó, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, trở thành phổ biến. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Nông nghiệp sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả. Hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Cùng với đó, để giảm giá phân bón, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hoà lợi, ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất. Đối với cộng đồng, người dân cũng cần tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để phát triển phân hữu cơ, giảm một phần phụ thuộc vào phân vô cơ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai giám sát giá cả trên thị trường, đảm bảo giá cả để không biến động quá, làm ảnh hưởng thị trường phân bón.
![]() |
MC: Thực tế, giá phân bón tăng cao, người nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, để giảm nhiệt giá phân bón, hỗ trợ người nông dân, Chính phủ và các ban ngành chức năng cần có những giải pháp gì?
![]() |
TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam |
Để ứng phó và thích nghi với vấn đề này, nhằm góp phần giảm giá phân bón, đảm bảo sản xuất có lãi nên thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Thứ nhất, cần tăng cường nguồn cung, giảm giá thành. Trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực, năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Thứ ba, xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu. Cụ thê, theo kinh nghiệm cho thấy khi đảm bảo tốt sản xuất trong nước như 4 nhà máy sản xuất urea, DAP, phân bón chứa lân,… chúng ta có thể chủ động và vững vàng vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu phân bón, của xung đột trên thế giới, hay do lệnh cấm vận.
Thứ tư, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, giảm các thủ tục hành chính cũng góp phần giảm giá thành. Về lâu dài để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng.
Thứ năm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường, tăng cường xử phạt để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất-kinh doanh phân bón giả, phân bón rởm.
Thứ sáu, các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất.
Thêm nữa cần về vấn đề sử dụng thì nông dân nên sử dụng phân bón theo 5 đúng. Quan tâm hơn sử dụng phân bón thế hệ mới. Giảm các khâu trung gian. Đây cũng là cơ hội để tăng tỉ lệ nhất định sử dụng phân bón hữu cơ, giảm giá thành sản xuất.
MC: Giá phân bón tăng cao cũng khiến doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón gặp khó khi người nông dân “đã đến ngượng chịu đựng”. Một số nơi xuất hiện tình trạng bỏ ruộng, diện tích đất canh tác bị thu hẹp do người nông dân canh tác không có lãi. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phân bón. Xin ông chia sẻ, đơn vị đã có những giải pháp gì để hỗ trợ bà con nông dân trong bối cảnh này?
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Thời gian qua, chúng tôi luôn hỗ trợ, đồng hành bà con trong những lúc khó khăn và kể cả thuận lợi. Giai đoạn hiện này chúng tôi nhận thức rằng càng cần chia sẻ nhiều hơn nữa với bà con nông dân. Ngay như từ năm 2020 giá phân bón lên cao, giá nống sản thấp, hiệu quả sản xuất của bà con không có. Trước tình trạng đó, chúng tôi chủ trương là tiết kiệm trong sản xuất đã hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng, làm sao để cạnh tranh nhất, mang lại hiệu quả nhất cho bà con nông dân. Về hỗ trợ, chúng tôi có nhiều kênh hỗ trợ như bán chậm trả, 4-6 tháng mới thu tiền, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, miền núi việc hỗ trợ này rất quan trọng. Mỗi năm, chúng tôi bán chậm trả khoảng 700-800 tỷ, bà con chỉ việc nhận phân bón qua các cấp hội, nhà phân phối, 4,6 tháng thu hoạch thì trả cho công ty không tính lãi. Ngoài ra, chung tôi đẩy mạnh trang bị kiến thức bón phân cho bà con nông dân; giảm thiểu môi trường, tiết kiệm, hiệu quả các loại sản phẩm. Trong lúc giá phân bón vô cơ cao, chúng tôi cũng đã nghiên cứu sản xuất loại phân bón khác, như phân bón hữu cơ, vô cơ vi sinh… qua đó giúp tăng hiệu quả chi phí về bón phân bón rất lớn cho bà con nông dân.
MC: Thưa ông, một trong những yếu tố khiến giá thành phân bón tăng lên trong thời gian gần đây đó chính là việc các đơn vị sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí đầu vào theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13. Về vấn đề này, Bộ NN và PTNT cũng như Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay. Xin ông chia sẻ thêm quan điểm của Bộ NN&PTNT về vấn đề này?
Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất và người nông dân đang phải sử dụng vật tư đầu vào phân bón cao. Tuy nhiên, Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009) quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015. Lý do không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân.
Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị, …), kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Sau nhiều năm thực hiện Luật số 71/2014/QH13, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn và đã liên tục kiến nghị sửa đổi trong thời gian qua. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn ngành sản xuất phân bón trong nước, tạo sự công bằng giữa sản xuất nội địa và nhập khẩu, đảm bảo hài hòa giữa các lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đồi để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất GTGT đối với phân bón. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ … Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ …
Về ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Bộ thống nhất sự cần thiết thay đổi chính sách thuế GTGT của phân bón theo hướng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thay cho đối tượng không chịu thuế như quy định hiện hành. Tuy nhiên, thuế GTGT là sắc thuế gián thu và người tiêu dùng là người chịu thuế, do vậy khi thay đổi chính sách thuế đối với phân bón (chuyển sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất nhất định) thì sẽ tác động đến giá bán và người nông dân là đối tượng chịu tác động chính.
Trước tình hình giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh trong hơn hai năm qua thì việc đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5% như dự kiến là tăng áp lực cho nông dân. Do đó, Bộ NN và PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật GTGT theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và không ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ NN và PTNT đã có nhiều văn bản gửi Bộ Tài chính, đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.
Để không ảnh hưởng đến nông dân thì: + Về phía doanh nghiệp: Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước cần phải tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm tối đa chi phí từ đó giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa cùng loại. + Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Khi Luật có hiệu lực thi hành thì Bộ Công Thương và các bộ có liên quan; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường quản lý giá phân bón không để giá phân bón tăng, góp phần chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước, không phụ thuộc nguồn nhập khẩu, khắc phục được việc giá cả biến động gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và người nông dân.
Thưa TS Phùng Hà, theo con số thống kê sơ bộ: Số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Được biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm xem xét, điều chỉnh lại Luật thuế số 71 theo hướng cho doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay. Ông có thể chia sẻ về tính cấp thiết của việc này?
Do tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, do đó, thuế VAT có ý nghĩa lớn đối với các đơn vị trong ngành. Ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh.
Bằng việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế VAT sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác.
Và đặc biệt, quan trọng là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
MC: Sau 7 năm thực hiện Luật thuế số 71 này, nhiều nghiệp phân bón trong nước đã “ngấm đòn” do tác động không mong muốn của Luật. Xin ông chia sẻ con số cụ thể của từ đơn vị và những kiến nghị nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp?
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao:
Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, sau khi áp dụng chúng ta nghĩ rằng sẽ hỗ trợ cho bà con nông dân. Nhưng thực tế, chúng tôi thấy có nhiều vướng mắc, như doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ đầu vào. Theo đó, như các diễn giả đã chia sẻ, những vấn đề cấp bách của Luật thuế số 71 cần phải được xem xét lại. Và từ năm 2015 các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng đã có những kiến nghị lên các cơ quan quản lý, và giai đoạn hiện nay chúng ta cũng cần đẩy mạnh quan tâm, xem xét nhiều hơn các bất cập.
Thực tế như Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là doanh nghiệp sản xuất lớn, các chi phí, nhu cầu nguyên liệu đầu vào rất lớn nên chúng tôi cần đầu tư máy móc, thiết bị để tăng hiệu quả cho sản xuất, … vì thế nếu không được khấu trừ sẽ có những thiệt hại lớn.
Trong suốt 7 năm qua, chúng tôi không được khấu trừ thuế đầu vào nên đã bị thiệt hại trung bình 9-100 tỷ đồng/năm. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi có kiến nghị là cần thúc đẩy sửa Luật thuế này, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất, nên đưa về 4-5% để đảm bảo cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.
Với sự điều chính đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ duy trì sản xuất và chính bà con nông dân cũng được hưởng lợi; tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt là chúng ta sẽ bình ổn được lượng cung cầu phân bón, tránh phụ thuộc và phân bón nhập khẩu từ nước ngoài.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung, giá phân bón trên thế giới tăng cao, nếu chúng ta không ổn định nguồn sản xuất trong nước thì ngành nông nghiệp trong nước bị ảnh hưởng rất lớn, do đó cần phải tự chủ về sản xuất để đảm bảo nguồn cung ứng vật tư phân bón trong nước, đây là điều hết sức quan trọng, cấp thiết.
![]() |
MC: Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Tuy nhiên đề xuất này đang nhận được một số phản hồi trái chiều. Chính vì thế Bộ này cho biết sẽ “xem xét lại” dựa trên tổng hợp ý kiến của Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng như các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ phương án thuế suất thuế xuất khẩu đối với phân bón. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành. Chúng ta có thể thấy ưu điểm của việc áp thuế xuất khẩu 5%. Cụ thể như việc không áp thuế xuất khẩu căn cứ vào tỷ lệ tài nguyên khoáng sản, năng lượng như hiện hành sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm, đúng như mục tiêu của đề xuất của Bộ Tài chính.
Thêm nữa, việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ góp phần giảm xuất khẩu phân bón, giữ lại nguồn phân bón cho nhu cầu sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, có thể tăng ngân sách từ nguồn phân bón xuất khẩu.
Đối với nhóm phân bón NPK, hiện nay phân bón NPK nước ta vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, cụ thể năm 2021 xuất khẩu NPK (xuất xứ Việt Nam) đạt gần 362.000 tấn, nhập khẩu 435.525 tấn. Hiện có những công ty xuất khẩu phần lớn NPK sản xuất sang thị trường các nước trong khu vực. Sản phẩm NPK sản xuất trong nước đang dư thừa công suất, việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với ngành sản xuất phân bón NPK.
Với biến động về nguồn cung, về giá phân bón ở tầm quy mô toàn cầu như vậy nên cần phải điều chỉnh linh hoạt, đúng thời điểm. Chính vì thế, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất Chính phủ nên phân loại, áp dụng linh hoạt, tạm thời thuế xuất khẩu phân bón trong những thời điểm nhất định.
Mặt khác, Bộ Tài chính cần xem xét, đánh giá và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu.
Phân bón vô cơ gồm nhiều chủng loại, mỗi loại có đặc điểm riêng về nguyên liệu, về thị trường, về cân đối cung cầu... nên cần có những đánh giá và áp dụng riêng thuế xuất với từng chủng loại.
MC: Việc tăng thuế xuất khẩu 5% lên một số mặt hàng phân bón thực chất có làm giảm giá phân bón trong nước như kỳ vọng hay không? Theo ông căn nguyên của vấn đề tăng giá phân bón hiện nay là gì và ông có những kiến nghị, đề xuất gì để gỡ vướng cho tình trạng này?
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Đạt |
Xuất phát từ tình hình giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân. Nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu phân bón dưới các hình thức khác nhau để cung cấp cho thị trường nội địa. Đặc biệt, xung đột giữa Nga-Ucraina, kèm theo đó là hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga đã tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá.
Chính vì vậy, Bộ NN và PTNT đã có văn bản số 7504/BNN-BVTV ngày 09/11/2021 Báo cáo Chính phủ và Văn bản số 2692/BNN-BVTV ngày 29/4/2022 trả lời Bộ Tài chính, theo đó Bộ NNPTNT đề nghị: Nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón Urê, DAP, MAP và phối hợp với các Bộ, ngành có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phù hợp đối với phân Urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình giá và nguồn cung phân bón còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó điều chỉnh khoản 4 Điều 4 Nghị định 122/2016/NĐ-CP theo hướng áp dụng 1 mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% (trừ nhóm phân bón hữu cơ 31.01 giữ nguyên mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện nay, còn lại tất cả các phân bón khác bao gồm cả phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% không chịu thuế trước đây nay đều phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%).
Từ quan điểm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản 7504/BNN-BVTV và 2692/BNN-BVTV (Xem xét điều chỉnh chính sách thuế xuất khẩu đối với Ure, DAP, MAP), nhằm phát huy hiệu quả chính sách mới về thuế xuất khẩu, hài hòa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón phát triển, đẩy mạnh tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy giảm chi phí năng lượng, phát triển phân bón hữu cơ, Bộ NN và PTNT đề nghị:
Tiếp tục giữ nguyên phương án sử dụng mức tỷ lệ % giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng làm căn cứ áp thuế xuất khẩu đối với phân bón mà không áp thuế đồng loạt (ngoại trừ nhóm phân bón hữu cơ 31.01) như dự thảo đang lấy ý kiến hiện nay để đảm bảo tính kế thừa quy định về thuế xuất khẩu đối với phân bón tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, không tạo ra thay đổi quá lớn đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và phân bón nói riêng.
Đồng thời có thể xem xét mở rộng đối tượng chịu thuế theo phương án hạ thấp mức tỷ lệ % giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng như hiện nay làm căn cứ áp thuế xuất khẩu. Như vậy, vừa hài hòa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp, duy trì đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, khuyến khích tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy giảm chi phí năng lượng.
Ngoài các nguyên nhân chính làm tăng giá phân bón trong năm 2021 như: i) Chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào sản xuất phân bón tăng mạnh; ii) Chi phí vận chuyển tăng cao; iii) Nguồn cung phân bón bị hạn chế; Lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Kali của Belarus dẫn tới nguồn cung Kali bị khan hiếm; Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý chặt chẽ, hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa do yêu cầu giảm sản lượng khai thác nguyên liệu đầu vào, tiết giảm điện năng sản xuất, kiểm soát chặt chẽ về môi trường từ 1/10/2021 đến 30/6/2022; Nga áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón từ tháng 12/2021 đến tháng 31/5/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Mới đây Nga vừa cấm xuất khẩu Amoni nitrat từ ngày 02/2/2022 đến 01/4/2022 khiến giá phân đạm sản xuất từ Amoni nitrat thế giới tăng mạnh do Nga chiếm 75% nguồn cung Amoni nitrat trên toàn thế giới có thể. Việc tăng giá các loại phân bón cũng chịu tác động bởi cuộc xung đột giữa Nga-Ucraina từ ngày 24/2/2022 đến nay. Cuộc xung đột này dẫn đến thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn thế giới và thiết lập mặt bằng giá mới ở mức cao. Ngay sau cuộc xung đột Nga-Ucraina xảy ra, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng 8-12% so với thời điểm trước đó. Thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân Kali do loại phân bón này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu trong khi cả Nga và Belarus chiếm trên 40% lượng Kali cung cấp trên toàn thế giới.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, Bộ NN và PTNT đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường phân bón, cụ thể:
(1). Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất: Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất, sản xuất và cung ứng kịp thời, ưu tiên tối đa lượng phân bón đáp ứng nhu cầu trong nước.
(2). Sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả: Bộ NN & PTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa tiết kiệm vật tư đầu vào trong tình hình giá phân bón tăng cao hiện nay.
(3). Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ: Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy hơn nữa việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Đồng thời, phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, v.v.) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ.
(4). Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, chống đầu cơ tăng giá, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, lưu thông để góp phần bình ổn thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước với mức giá phù hợp.
(5). Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.
Các giải pháp này đã được Bộ NN và PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7504/BNN-BVTV ngày 09/11/2021 về tình hình sản xuất, cung cầu và giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 9077/VPCP-NN ngày 11/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại văn bản số 2137/VPCP-NN ngày 30/6/2022 và văn bản số 2577/VPCP-NN ngày 30/7/2022 của Văn phòng Chính phủ.
MC: Thưa quý vị!
Qua trao đổi với các vị diễn giả chúng ta thấy ngành phân bón trong nước cũng như bà con nông dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Để nỗ lực bình ổn thị trường cả về nguồn cung lẫn giá cả phân bón là một bài toán khó đặt ra đối với các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp, nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Hi vọng trong thời gian tới, Nhà nước và Chính phủ sẽ có những điều chỉnh về chính sách kịp thời để tháo gỡ những khó khăn như sớm sửa đổi Luật thuế 71; xem xét lại chính sách áp thuế xuất khẩu 5% với một số mặt hàng phân bón; giúp doanh nghiệp phân bón trong nước có cơ sở để giảm giá thành, từ đó ổn định giá phân bón tới tay người nông dân cũng như bình ổn thị trường phân bón trong nước.
Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình Chính sách và Đối thoại của Báo Công Thương!
Xin trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị!
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn