Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức"

Thứ năm - 26/12/2024 23:14
Sáng 27/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức" với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học để hệ thống hóa, phân tích, nhận định, kiến giải, luận bàn về nhận thức, nội hàm, nội dung, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
CẬP NHẬT: Tọa đàm 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức'- Ảnh 1.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm (từ phải sang): TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (điều phối chương trình); PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Kim Liên

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, trực tiếp và toàn diện của Đảng, đất nước ta, dân tộc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá, sẵn sàng tâm thế bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiến vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đây cũng là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng, hùng cường, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Những định hướng, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra là những định hướng chiến lược, được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao.

Để hiểu rõ hơn về nhận thức, nội hàm, nội dung, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới; đích đến của kỷ nguyên vươn mình; cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; các yêu cầu đặt ra trong triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực; cơ hội, vận hội, thời cơ và thuận lợi của đất nước trong kỷ nguyên mới; những khó khăn, thách thức cần được nhận diện, có giả pháp để ứng phó, đối mặt và vượt qua…, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức" với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học để hệ thống hóa, phân tích, nhận định, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm gồm:

- PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

- PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

- TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

GS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore

- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (điều phối)

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được hỏi PGS.TS. Đào Duy Quát, với thế và lực sau 40 năm đổi mới mà nước ta đã tích lũy được, có thể nói rằng đây là thời điểm chín muồi để đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận độngcủa cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Quan điểm và bình luận của ông về vấn đề này như thế nào?

CẬP NHẬT: Tọa đàm 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức'- Ảnh 1.

PGS.TS. Đào Duy Quát (trái): Kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự phát triển về chất, tức là được đánh dấu bằng những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra chất mới là đạt được mục tiêu và chuyển sang kỷ nguyên mới - Ảnh: VGP/Kim Liên

PGS.TS. Đào Duy Quát: Cách đây gần nửa năm, GS.TS. Tô Lâm được BCH Trung ương bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với vị trí, trọng trách của người đứng đầu Đảng, trong gần nửa năm nay, đồng chí đã có nhiều bài phát biểu, bài viết đưa ra thông điệp mà chúng tôi quan niệm là một tư tưởng rất lớn. Đó là nhân dân ta, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên tăng tốc bứt phá để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ này trở thành một nước XHCN phát triển thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông điệp này, tư tưởng lớn này đã đặt ra để toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về kỷ nguyên mới.

Chúng ta bắt đầu từ khái niệm kỷ nguyên. Bài viết của Tổng Bí thư và trong cuộc nói chuyện ở Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, đồng chí Tổng Bí thư đã đề cập rất nhiều. Nhưng chúng ta nhìn chung đều quan niệm, nói đến kỷ nguyên tức là nói một chặng đường lịch sử phát triển nhất định của dân tộc, của nhân loại. Ở đây tôi muốn nói sự phát triển là về chính trị, kinh tế, xã hội. Kỷ nguyên ấy phải được đánh dấu bằng sự phát triển về chất, tức là từ lượng phải chuyển thành chất mới, phải được đánh dấu bằng những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra chất mới là đạt được mục tiêu và chuyển sang kỷ nguyên mới.

Với nhận thức này, Đảng ta trong Cương lĩnh 1991 cũng như Cương lĩnh 2011 đã sử dụng khái niệm kỷ nguyên. Cụ thể, trong lời mở đầu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng trình bày: Từ 1930, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn trùng thách thức và lập nên những thắng lợi vĩ đại. Cuộc cách mạng tháng 8/1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Đảng đã vận dụng khái niệm này và đã trình bày ngay trong phần mở đầu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991.

Chúng ta thấy chặng đường cách mạng từ khi Đảng ta ra đời năm 1930 đến 1945 đã mở ra cho dân tộc ta kỷ nguyên độc lập tự do. Từ năm 1946 đến 1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp kiến quốc, và đặc biệt là sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, lập nên kỳ tích lịch sử và mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Đến năm 1986, Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Sau 40 năm Đổi mới này, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vừa rồi là Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá, chúng ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại, tạo ra những tiềm lực mới, mạnh, thế lực mới, rất mạnh.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm còn phân tích trong bối cảnh thế giới có 2 đặc điểm rất đáng chú ý là toàn cầu hoá vẫn đang diễn ra, là xu thế không thể đảo ngược, dù có thăng trầm, tức là xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là rất mạnh. Đặc điểm thứ hai Tổng Bí thư đã chỉ ra là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn chưa bao giờ gay gắt như bây giờ. Họ có thoả hiệp nhưng cạnh tranh, đối đầu ngày càng gay gắt, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực cả chính trị, kinh tế, công nghệ... cạnh tranh vừa lôi kéo, vừa đối đầu ngày càng gay gắt, quyết liệt. Tổng Bí thư có dự báo rất sắc sảo rằng cuộc cạnh tranh chiến lược này có thể kết thúc vào năm 2030. Lúc ấy có thể hình thành thế giới đa cực thay cho thế giới đơn cực xuất hiện sau năm 1991 khi hệ thống CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã.

Năm 2030 có thể hình thành thế giới đa cực, vừa tạo ra thách thức mới nhưng cơ hội mới cũng rất lớn. Đối với những quốc gia có trí tuệ, có vị thế, có chính sách đối ngoại đúng đắn sẽ có thể tận dụng, tranh thủ được sức mạnh của thời đại trong điều kiện này.

Nếu biết phối hợp, gắn chặt các điều kiện, tiềm lực, thế lực, vị thế, uy tín của chúng ta với thời cơ chiến lược, chúng ta dứt khoát mở ra và bướt vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị 10 Ban Chấp hành Trung ương vừa rồi hoàn toàn nhất trí và quyết định đưa vào văn kiện của Đại hội tới để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực sự bước vào với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt như các cuộc cách mạng để tạo ra bước phát triển bứt phá nhảy vọt. Tôi thấy đây tạo ra một sự hứng khởi chưa từng thấy sau khi có thông điệp của Tổng Bí thư. 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: PGS.TS. Đào Duy Quát đã nêu khá rõ khung khái niệm "kỷ nguyên". Kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử có tính chất mới, đánh dấu bằng sự khác biệt so với trước, bắt đầu với đặc điểm là chuyển từ lượng sang chất. Chúng ta thấy, khi chúng ta từ chế độ nô lệ giành được độc lập thì bắt đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Hiện chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, với tính chất của kỷ nguyên là công nghệ mới, tạo nên sự khác biệt. Kỷ nguyên mới mà dân tộc ta bước vào là "kỷ nguyên vươn mình". Dân tộc này trải qua bao thử thách, khó khăn, bây giờ có một vị thế mới, vươn lên mạnh mẽ, không chỉ phát triển về kinh tế, phát triển về khoa học, công nghệ mà còn vươn lên một vị thế mới trên trường quốc tế. Vị thế mới ấy không phải chúng ta muốn mà thế giới công nhận, cộng đồng quốc tế đặt chúng ta lên vị trí đó. Đấy là khuôn khổ khái niệm.

Thời gian qua, những thông điệp và định hướng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập nhiều lần ở nhiều hội nghị, hội thảo khoa học. Đây là những định hướng chiến lược được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao. Thưa TS. Nguyễn Văn Đáng, ông có thể bình luận, phân tích rõ hơn luận cứ khoa học, thực tiễn, nhận thức về kỷ nguyên mới theo quan điểm chỉ đạo, gợi mở của Tổng Bí thư cũng như thời điểm chúng ta lựa chọn để tự tin, vững bước vào kỷ nguyên mới?

CẬP NHẬT: Tọa đàm 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức'- Ảnh 1.

TS Nguyễn Văn Đáng: Như PGS.TS. Đào Duy Quát đã chia sẻ, cụm từ kỷ nguyên mới rất hay, truyền cảm hứng. Qua theo dõi của tôi, cụm từ này được Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng lần đầu tiên tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV vào ngày 13/8. Sau đó, đến ngày 31/10, Tổng Bí thư có bài trình bày trước lớp đào tạo cán bộ chiến lược tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đến thời điểm này, cụm từ "kỷ nguyên mới" rất truyền cảm hứng, được nhân dân đón nhận, tin tưởng. Vấn đề là tại sao cụm từ này, quyết tâm chính trị này được người dân đón nhận hứng khởi như vậy?

Chúng ta nhìn lại lịch sử nhân loại, cụm từ "kỷ nguyên" thường được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà xã hội học dùng để nhìn lại quá khứ và dùng các đặc điểm vật chất nào đó để xác định một giai đoạn, ví dụ kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên đồ đồng hay kỷ nguyên công nghiệp, bây giờ là kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên số. Chúng ta lại dùng "kỷ nguyên" cho tương lai, thể hiện sự khác biệt. Ở đây, chúng ta chủ động xác định khoảng thời gian trong tương lai và ý chí quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những bước tiến, bước chuyển hết sức rõ rệt về thực tế đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Khi chúng ta đề ra kỷ nguyên trong tương lai, tại sao lại được cán bộ, đảng viên và cả xã hội hứng khởi tiếp nhận như vậy? Cơ sở nào đem đến sự thuyết phục cho cụm từ này? Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu phân tích rất nhiều trên báo chí, truyền thông và đặc biệt trong các bài trình bày của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như tại các hội nghị Trung ương, các cuộc họp sau này. Có rất nhiều cơ sở giúp mọi người quan sát được, cảm nhận được, thuyết phục được mọi người.

Về mặt kinh tế chẳng hạn, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi vị trí của một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008-2009. Từ chỗ GDP bình quân đầu người chưa đến 200 USD những năm 1990, đến nay GDP bình quân đầu người đã khoảng 4.300 USD. Đó là sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục.

Thứ hai, thương mại quốc tế từ chỗ gần như bị cô lập trên trường quốc tế, đến nay chúng ta đã có được các hiệp định thương mại tự do với gần 20 nước và tham gia tất cả tổ chức quốc tế trên thế giới và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường trên thế giới. Điều đó thể hiện sự hội nhập thế giới rất sâu rộng, chủ động, thành công của Việt Nam.

Về mặt xã hội, đến nay chúng ta đã xóa đói, giảm nghèo rất thành công, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới coi là một câu chuyện thành công, đưa tỉ lệ nghèo đói của Việt Nam xuống rất thấp.

Về mặt chính trị, từ cuối những năm 1980 cho đến những năm 1990, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổBbất chấp những biến động chính trị rất mạnh mẽ như vậy và thế giới có những cuộc cạnh tranh đa dạng, phức tạp trên bình diện khu vực và toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị trong gần 40 năm vừa qua.

Như vậy, có thể nói, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế…, chúng ta đều có những bước tiến rất rõ rệt. Không chỉ nhân dân trong nước được thụ hưởng thành quả ấy mà cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới. Chính tâm thế đó của toàn bộ nhân dân Việt Nam khiến cho khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cụm từ "kỷ nguyên mới", sau đó phân tích, bình luận và hướng người dân về tương lai, được người dân đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ tới, cụ thể hơn là đến giữa thế kỷ 21, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao. Tức là chúng ta cố gắng vươn lên nhóm quốc gia hạng nhất trên thế giới.

Đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi chúng ta, nhưng tôi tin những gì đang diễn ra cho thấy đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình. Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ. Nhìn sang các nước trong khu vực, họ đã đi trước chúng ta và có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian tính bằng thập kỷ. Tuy nhiên, sau đó họ rơi vào vòng luẩn quẩn, bẫy thu nhập trung bình. Nếu chúng ta không chủ động, không nhìn thấy thách thức ấy để bứt lên, vươn lên thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Chúng ta có thể tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000-9.000 USD nhưng không thể bứt qua được 10.000 USD, tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao, chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000 USD, chỉ số phát triển con người phải vượt 0,8. Đấy là thách thức.

Chính vì thế, cụm từ "vươn mình" mà Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng rất ý nghĩa, như một sự nhắc nhở, cảnh báo chúng ta phải bứt phá, nếu không chúng ta vẫn có thể phát triển nhưng luẩn quẩn ở mước dưới 10.000 USD/người/năm và không thể gia nhập được nhóm các quốc gia phát triển, không thể hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 là thay đổi hẳn vị thế của quốc gia, của dân tộc trên trường quốc tế.

Với những căn cứ hết sức thực tế mà chúng ta quan sát được, cảm nhận được tâm thế xã hội, tôi muốn khẳng định: "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động và nêu ra hiện nay đang được người dân rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ, tạo niềm cảm hứng trong toàn hệ thống xã hội. Người dân kỳ vọng Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc để chúng ta thực sự bắt tay vào việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ sắp tới.

 

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi