Tọa đàm 'Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN hiệu quả'

Thứ ba - 11/04/2017 03:05
Ngày 10/4, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”.
Các vị khách mời trả lời vấn đề bạn đọc quan tâm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động là tạo điều kiện, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn. Vấn đề đặt ra là làm sao để gỡ khó cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN và giải pháp bảo đảm phát triển bền vững sau khi chuyển đổi.

Khách mời tọa đàm là Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân; Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn.

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

Thưa ông Tô Hoài Nam, hiện nay cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, ông có thể thông tin rõ hơn cơ cấu thành phần, hiệu quả kinh tế của hộ kinh doanh cá thể trong bức tranh kinh tế chung của nước ta?   

 

Ông Tô Hoài Nam: Khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện nay là một khu vực có số lượng rất lớn và có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

 

Hiện nay, đã có khoảng hơn 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có khoảng hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ. Nhìn chung khu vực này hoạt động minh bạch tương đối là thấp và cơ bản đang được áp dụng loại hình thuế khoán đơn giản; việc thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động thì khu vực này tuân thủ còn khó khăn.

 

Có thể nói thêm, khu vực này mặc dù có thể giải quyết việc làm cho trên 10 triệu lao động lao động thường xuyên nhưng nếu so sánh với khu vực DN nói chung thì mức tăng trưởng lao động luôn thấp hơn khoảng 12%.

 

Hộ kinh doanh cá thể được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng DN, góp phần hoàn thành mục tiêu 1 triệu DN hoạt động đến năm 2020. Vậy, để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN thì cần những điều kiện gì?

 

Ông Tô Hoài Nam: Như tôi đã nói ở trên, điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN về mặt thủ tục cũng không có gì phức tạp sau khi ta có Luật Doanh nghiệp mới. Việc chuyển đổi chỉ cần 1 đơn xin thành lập DN và kèm theo các chứng từ về nhân thân của mình, như chứng minh thư, hộ chiếu… Nói chung  việc chuyển đổi sang DN tư nhân thì rất dễ.

 

Đối với loại hình DN khác (như  Công ty TNHH, Công ty cổ phần…) thì cần thêm điều lệ và chứng từ nhân thân của thành viên tham gia.

 

Nhìn chung về mặt pháp luật thì rất đơn giản, tất nhiên nếu Luật Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây thì thủ tục còn đơn giản hơn nhiều lần.

 

Tôi cũng xin thông tin thêm, dự thảo lần cuối cùng Luật Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đề cập việc hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực này là 1 trong 3 trọng tâm chính.

 

Sở dĩ ở khu vực này nhiều chủ hộ không muốn chuyển sang loại hình DN mặc dù số lao động đó theo luật thì bắt buộc là phải chuyển sang DN nhưng họ không chuyển là vì mấy lý do sau.

 

Trước hết là các chủ DN muốn tránh nghĩa vụ thuế, bởi vì khu vực này áp dụng thuế khoán. Mặt khác, họ ngại các thủ tục hành chính có thể còn rườm rà, chưa phù hợp, rồi thời gian để đảm bảo được các nhu cầu hoạt động liên quan đến sổ sách kế toán. Đây là trở ngại. Lý do cuối cùng là nhận thức của khu vực này thấy rõ là DN muốn phát triển thì bắt buộc phải chuyển sang từ loại hình phi chính thức sang loại hình chính thức. Bởi vì loại hình chính thức được rất nhiều lợi thế, ví dụ được tiếp cận tín dụng, mặt bằng dễ hơn, tiếp cận được nhiều điều kiện cơ hội  sản xuất kinh doanh khác và phạm vi hoạt động rộng lớn hơn.

 

Để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, nhưng điều đầu tiên các hộ này quan tâm là họ sẽ được hưởng quyền lợi gì khi chuyển đổi  và từ đó mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế nước ta, thưa ông Đậu Anh Tuấn?

 

 

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Thực ra khi các hộ kinh doanh chuyển lên thành DN thì trước hết như anh Nam cũng đã đề cập, họ được tiếp cận vốn và các nguồn lực khác dễ hơn, chẳng hạn với mô hình DN như Cty TNHH, Cty cổ phần thì có thể huy động vốn với hình thức vốn góp, những Cty lớn hơn có thể huy động trên thị trường chứng khoán thì đấy là cách thức để huy động vốn lớn hơn.

 

Nếu từng hộ kinh doanh thì những vấn đề trên chỉ ở mức độ nhất định thôi, còn nếu có kế hoạch bài bản lớn lên theo thời gian thì chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là con đường tất yếu phải theo.

 

Hiện tại khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, DN Việt Nam muốn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa… thì rõ ràng anh phải hoạt động minh bạch, bài bản và không có cách nào khác là phải có mô hình tổ chức tốt. Đây là động lực phát triển và đối với nền kinh tế toàn cục thì không thể chỉ có hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ mà cần phải có những DN lớn hơn. Một con số thống kê đang lo ngại là  ở Việt Nam đang thiếu loại hình DN vừa, còn DN cỡ lớn thì càng thiếu, chính vì vậy càng phải có những DN nhỏ dần dần phát triển lên. Tôi nghĩ đó là xu hướng bài bản, lành mạnh và lợi ích lớn nhất đối với hộ kinh doanh khi chuyển thành DN là phát triển một cách bài bản, minh bạch.

 

Với nền kinh tế nước ta, việc chuyển đổi này cũng đúng theo lộ trình và để bù lại lượng DN vừa đang còn thiếu đúng không thưa ông?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi cho rằng mục tiêu mà Chính phủ đưa ra rất là quan trọng, có 1 triệu DN, nhưng DN phải hoạt động hiệu quả.  Chính vì vậy đằng sau thông điệp của Nghị quyết 35, tôi cho rằng không chỉ là số lượng DN theo con số thống kê mà đằng sau đấy là hoạt động kinh doanh thuận lợi, đằng sau đấy là những hộ kinh doanh mà họ có động lực để chuyển thành DN, là những DN hoạt động bài bản đúng nghĩa, có nghĩa là họ tiếp cận nguồn lực dễ hơn, họ quản trị một cách tốt hơn và nguồn lực trong nền kinh tế sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, đấy là cái đích cuối cùng, còn số lượng theo tôi cũng là một tiêu chí để kiểm định một cái chính sách lớn nhưng không phải là mục tiêu quan trọng nhất.

 

Chúng ta hãy bàn về một câu chuyện cụ thể trên địa bàn TPHCM. Quận 1 hiện có khoảng 26.000 hộ kinh doanh, chỉ tiêu của quận là vận động trên 2.000 hộ chuyển đổi thành DN đến hết năm 2017. Thế nhưng trong 6 tháng qua, cả quận mới chỉ có 8 hộ chuyển đổi thành DN. Được biết cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều nơi trên cả nước. Nhiều hộ kinh doanh cá thể cho hay nguyên nhân chính khiến họ không muốn lên DN là do thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi theo dõi khá sát quá trình này và hoàn toàn chia sẻ khó khăn mà hộ kinh doanh phải cân nhắc, họ phải rất thận trọng khi mà quyết định chuyển lên thành DN. Bởi vì có thể thấy hiện tại các cơ sở kinh doanh được áp dụng chính sách thuế dựa trên hình thức pháp lý chứ không phải dựa trên quy mô hay khả năng lưu giữ sổ sách kế toán của DN. Họ phải mở sổ cách, thuê kế toán và báo cáo tài chính thì khi có  giấy chứng nhận đăng ký DN thì lập tức thủ tục hành chính phức tạp hơn lên khiến họ phải làm rất nhiều thủ tục và họ ngại. Nó không chỉ thủ tục về thuế, thủ tục về lao động mà còn thủ tục về phòng cháy chữa cháy, công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, rất nhiều yếu tố khác họ phải thực hiện và chi phí tăng lên.

 

Bởi vì đồng nghĩa với thủ tục về thuế, kế toán thì họ phải thuê, tuyển dụng kế toán. Với những DN siêu nhỏ doanh thu dưới 1 tỉ đồng hay một vài tỉ thì rõ ràng là 1 năm bỏ ra thêm 60 đến 70 triệu đồng thuê kế toán thì đó là khoản chi phí lớn cho DN.

 

Chúng tôi tính toán khi trở thành DN chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì chi phí tuân thủ trên lợi nhuận, trên doanh thu của DN tăng lên rất lớn. Vì vậy chúng tôi cho rằng cơ quan Nhà nước cần tính toán kỹ lưỡng hơn, để xem là với 1 hộ kinh doanh cá thể trở thành 1 DN chính thức hoạt động theo Luật DN thì chi phí của họ tăng lên như thế nào, và làm sao khi đăng ký DN họ thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thấy được thuận lợi nhiều hơn cản trở, thì khi đó tạo ra động lực rất lớn.

 

Chúng tôi cũng thấy nhiều phàn nàn của hộ kinh doanh cá thể rằng là sau khi họ trở thành 1 DN cùng mười mấy lao động, trước đây họ chỉ đóng quỹ an ninh quốc phòng khoảng 1 triệu, thì phường “ấn 1 cái tráp ” lên DN rồi thì đóng 3 triệu, 5 triệu đồng thì rõ ràng họ không thấy lợi gì cả. Nên đằng sau tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh cá thể lên DN cũng cần phải có những cách đánh giá phân tích cản trở ở đâu và tìm cách tháo gỡ những khó khăn và cản trở đó.

 

Thưa ông, về những trở ngại mà ông vừa phân tích thì ông có kiến nghị, đề xuất gì cụ thể hơn để thủ tục hành chính trong lĩnh vực này gần gũi và thân thiện hơn với  đối tượng chuyển đổi?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Thời gian vừa qua, chúng tôi có nghiên cứu, tìm hiểu quy định quy định pháp luật, chúng tôi cho rằng điều ảnh hưởng trực tiếp đến việc hộ kinh doanh cá thể lên thành DN có tác động lớn nhất là thủ tục về kế toán và thuế.

 

Trước hết, các quy định về chế độ kế toán và thuế đang áp dụng cho doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ thì cũng áp dụng các chế độ của doanh nghiệp cỡ vừa hay nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ vẫn phải duy trì một hệ thống sổ sách kế toán báo cáo tài chính, kết thúc năm phải lập báo cáo tài chính bắt buộc và bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp phải gửi hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế, trong đó có nhiều mục mà đối với doanh nghiệp nhỏ rất phức tạp. Mức độ tuân thủ của doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2, 3 ngày; sau khi có giấy chứng nhận đăng kí thành lập doanh nghiệp, họ phải thực hiện một loạt thủ tục.

 

Chúng tôi cho rằng đây là một gánh nặng rất lớn. Vì thế, một trong những yêu cầu trong thời gian tới là cần phải đơn giản hoá thủ tục này; làm sao để có một chế độ pháp luật về kế toán, về thuế đơn giản, thân thiện, không khác lắm so với những điều mà các hộ kinh doanh đang thực hiện.

 

Về tổ chức công tác kế toán, theo quy định của Luật Kế toán, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn phải thuê kế toán hoặc tuyển dụng kế toán. Nếu tuyển dụng kế toán thì đối với doanh nghiệp siêu nhỏ kế toán đó thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng điều đó lại vi phạm Luật Kế toán. Nếu thuê kế toán thì tạo ra một khoản chi phí rất lớn. Ở đây, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ, với Bộ Tài chính trong thời gian tới là rà soát, có một chế độ pháp luật về kế toán và thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ dễ dàng, thân thiện.

 

Một chủ hộ kinh doanh thiết bị điện máy thắc mắc “cửa hàng của tôi  hoạt động theo hình thức thuế khoán và chỉ có 3 người thay nhau buôn bán. Nếu lên doanh nghiệp, tôi trở thành giám đốc và 2 người giúp việc trở thành phó giám đốc và nhân viên. Trường hợp 1 có 1 giám đốc, 1 phó giám đốc và 1 nhân viên thì thật là kì cục”. Nên lý giải câu hỏi này như thế nào thưa ông Tô Hoài Nam. Đây có phải là câu chuyện liên quan đến cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp không thưa ông?

 

Ông Tô Hoài Nam: Trong xu thế hội nhập, không phải cứ một doanh nghiệp thì cần phải có nhiều người. Ví dụ, ở Mỹ hiện nay có 29 triệu doanh nghiệp thì có 22 triệu doanh nghiệp chỉ có 1 người. Đối với một nền kinh tế phát triển, điều quan trọng nhất là mình phải tổ chức nó như thế nào cho có hiệu quả, các hoạt động tạo nên yếu tố bền vững.

 

Trong trường hợp doanh nghiệp này, nếu chuyển đổi sang doanh nghiệp mà không tập trung vào những điều liên quan sát sườn thì sẽ là một sự cản trở không đáng có. Hơn nữa, trong thời kì hiện đại, thế giới đã có nhiều doanh nghiệp cho thuê lao động. Quan trọng nhất ở đây là phương án kinh doanh, sự tính toán với nhiều yếu tố bền vững hơn.

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi cho rằng vấn đề quản trị doanh nghiệp thế nào là quyền chủ động của doanh nghiệp. Một khung khổ pháp luật ấn định một cách cứng nhắc nó cũng tạo ra những rào cản nhất định. Hiện tại, đối với doanh nghiệp, pháp luật không quyết định có bao nhiêu phó giám đốc hay giám đốc nhưng thông thường các công ty của Việt Nam là công ty quản lý trên sự thuận tiện, tức là giám đốc có thể kiêm trưởng ban tổ chức cán bộ, kiêm trưởng ban kinh doanh và thậm chí cả trưởng phòng sản xuất. Các hộ kinh doanh cần hiểu rằng, không nhất thiết khi chuyển lên doanh nghiệp thì cần phải có đầy đủ ban bệ; khi trở thành doanh nghiệp theo luật hoạt động doanh nghiệp thì quyền tự chủ rất lớn, không bị bó buộc trong việc tổ chức quản lý công ty.

 

Hộ kinh doanh cá thể trên thực tế hiện nay chưa mặn mà với việc chuyển đổi, ông Đậu Anh Tuấn cũng từng phát biểu là do chính sách về thuế, trốn tránh nghĩa vụ thuế được cho là nguyên nhân để các hộ kinh doanh không muốn lớn. Hai vị khách mời có thể phân tích rõ hơn về việc này?

 

Ông Tô Hoài Nam: Tôi đồng tình một phần với quan điểm trên. Một hộ kinh doanh muốn phát triển thành doanh nghiệp cái quan trọng nhất là môi trường. Chúng ta rất mong muốn hộ kinh doanh từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Nó đem lại nguồn lợi rất lớn, rất nhiều ý nghĩa, lợi ích cho người lao động, cho xã hội và cho chính bản thân doanh nghiệp.

 

Hiện nay, chính sách của ta dường như chưa đảm bảo tính nhất quán. Muốn hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp thì chính sách của chúng ta phải hỗ trợ toàn diện được cho tất cả các khâu sản xuất kinh doanh. Chính sách của ta dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Cái cần là chính sách phải xuyên suốt và nhất quán, tức là nó phải làm thế nào để khi người ta thành lập doanh nghiệp rôì thì phải có một chỗ dựa để người ta phát triển từ doanh nghiệp đó lên.

 

Vì vậy về khung pháp lý, theo tôi cần phải củng cố phần này để đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán. Ta phải đảm bảo các điều luật như luật doanh nghiệp, luật thuế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động, đến việc sử dụng lao động, luật khoa học công nghệ,… không bị vênh nhau.

 

Ông có thể chỉ ra một vài quy định đang có sự vênh nhau?

 

Ông Tô Hoài Nam: Ví dụ trong Bộ luật Lao động quy định một cơ sở kinh doanh phải có 10 hay 15 lao động trở lên thì phải thành lập doanh nghiệp nhưng khi đối chiếu sang các luật khác thì không thấy điều đó.

 

Ví dụ có quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với mặt bằng sản xuất, nhưng quy định ấy mới là khuyến khích vì khi nhìn lại để tiếp cận với mặt bằng sản xuất thì luật đất đai chưa có quy định nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa.

 

Chính vì thế, chúng ta cần có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hy vọng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khắc phục được những nhược điểm trên và khớp nối với những kế hoạch khác.

 

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này và phân tích sâu hơn về những vướng mắc trong chính sách thuế. Ngay từ đầu chương trình, hai vị khách mời cũng có nhắc đến những khó khăn, những nút thắt về thuế tác động đến việc chuyển đổi nhưng tôi muốn nêu những trường hợp cụ thể,  bởi VCCI là một cơ quan tiếp xúc rất nhiều với doanh nghiệp, thưa ông?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo nhiều nghiên cứu của VCCI và các tổ chức khác thì những nút thắt khiến các hộ kinh doanh cá thể không có động lực chuyển thành doanh nghiệp chính là việc thoả thuận thuế, tránh thuế, hay trốn thuế ở các hộ kinh doanh dễ dàng hơn. Bởi vì, khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, họ vẫn được hưởng một chế độ thuế khoán. Mức khoán cao hay thấp, nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào cán bộ thuế. Nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu hay chi phí của doanh nghiệp. Không chỉ thủ tục hành chính đơn giản mà không gian thoả thuận giữa các hộ kinh doanh cũng lớn hơn. Quá trình thoả thuận ở đây tính công khai minh bạch thấp, nó còn thể hiện một môi trường kinh doanh chưa minh bạch. Anh quan hệ tốt thì thuế khoán thấp, anh quan hệ chưa tốt thì thuế khoán cao, thậm chí mức tăng khoán cũng cao lên.

 

Gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới về thuế khoán hộ kinh doanh, minh bạch hơn, tăng cường cơ chế giám sát của các tổ chức có liên quan trong việc ấn định mức thuế khoán. Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tạo ra một sân chơi công bằng giữa các hộ kinh doanh thậm chí có quy mô lớn hơn các doanh nghiệp chính thức. Khi nào những lợi thế của hoạt động hộ kinh doanh về giảm thuế không còn nữa thì khi ấy động lực chuyển lên doanh nghiệp sẽ tích cực hơn.

 

Về vai trò của các địa phương, có ý kiến cho rằng các địa phương không hoàn toàn khuyến khích việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp vì nếu trong mô hình hộ kinh doanh cá thể thì vai trò quản lý của các địa phương đối với khu vực này sẽ lớn hơn?

 

Ông Đậu Anh Tuấn:  Đây cũng là một cản trở khác. Chúng tôi biết nhiều cán bộ thuế không muốn các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp vì khi là doanh nghiệp thì đăng ký kinh doanh ở cấp sở, hoạt động kinh doanh công khai, minh bạch hơn. Vai trò quản lý của các bộ cấp cơ sở sẽ hạn chế. Để cho quá trình này diễn ra một cách tự nhiên thì đây cũng là nguyên nhân cần phải phân tích, mổ xẻ và cần triệt tiêu nếu muốn có nhiều doanh nghiệp hơn nữa từ khu vực hộ kinh doanh cá thể.

 

Cần đưa ra những giải pháp gì để tháo gỡ nút thắt về thuế, thưa ông?

 

Ông Tô Hoài Nam: Đối tượng hộ kinh doanh cứ cố thủ, không muốn chuyển đổi chỉ vì chính sách thuế thì rõ ràng mục tiêu là muốn né nghĩa vụ thuế. Đây thuộc về ý chí của họ. Một số việc có thể tác động vào như sau:

 

Phải có những động lực khác nhiều hơn, cụ thể hơn để họ thấy rằng trong môi trường mới có nhiều cái lợi hơn. Ví dụ, khi chuyển đổi có thể sẽ được hỗ trợ việc chuyển đổi (không mất kinh phí), hỗ trợ cách thiết kế mở sổ sách kế toán, hay hỗ trợ về thuế không chênh quá nhiều.

 

Nhưng động lực quan trọng nhất là phải chỉ ra được nếu chuyển đổi sẽ được tiếp cận gì. Ví dụ như tiếp cận khu vực mua bán, cung cấp những gói nhỏ về dịch vụ công. Riêng đối với hộ kinh doanh, phải có động lực cụ thể. Nên dùng biện pháp có tính kinh tế. Hiện nay thị trường mua sắm công rất lớn, có thể vấn đề là những đối tượng chuyển đổi sẽ được ưu tiên. Chỉ cần một nội dung như vậy sẽ có tác động tích cực. Chỉ cần 20% trong số 3 triệu hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện chuyển đổi hưởng ứng thì ta có thể hoàn thành kế hoạch.

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Ở nước ta đã từng chứng kiến ở một tỉnh, thuế môn bài tăng lên gấp đôi đối với hộ kinh doanh, sau 1 đêm có rất nhiều doanh nghiệp thành lập. Nhưng thuế môn bài giảm thì người ta lại quay trở lại hộ kinh doanh. Ở đây, tính bền vững nằm ở động lực kinh tế. Tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ  đồng cũng rất lớn. Nếu lên thành doanh nghiệp thì phải tuyển 1 kế toán, lương kế toán trả 5 triệu đồng/tháng, một năm mất khoảng 60 triệu đồng. Riêng tiền thuê kế toán để đáp ứng yêu cầu kế toán và thuế là chi phí quá lớn, gần 1/10 doanh thu cho 1 yêu cầu của pháp luật là điều phi lý. Ngay cả Hội Tư vấn kế toán cũng có câu chuyện hài hước là “Hội cũng phải thuê 1 kế toán theo quy định mặc dù Hội có rất nhiều chuyên gia về kế toán hoặc thuế”. Chính vì những quy định cứng nhắc ấy đã khiến cho động lực về kinh tế bị giảm.

 

Có một xu hướng các doanh nghiệp muốn quay trở lại thành hộ kinh doanh cá thể. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Một trong những gánh nặng của các doanh nghiệp là dường như quy mô càng lớn thì thủ tục hành chính càng nhiều, đón tiếp thanh tra kiểm tra càng nhiều, những doanh nghiệp càng xuất khẩu nhiều, tỷ lệ doanh thu càng cao thì tỷ lệ xử phát hành chính càng lớn. Đây là tín hiệu ngược. Đáng ra DN lớn có nhân lực tốt hơn, bài bản hơn, kinh nghiệm hơn thì phải tốt hơn nhưng họ lại thường xuyên bị xử phạt hành chính. Dường như tâm lý của các đoàn thanh tra, kiểm tra hiện nay thích vào kiểm tra doanh nghiệp lớn vì ở ta có tâm lý là càng làm nhiều thì càng sai nhiều. Đây cũng là xu thế chối bỏ sự phát triển, khiến cho nhiều DN lưỡng lự, e ngại việc muốn phát triển bài bản.

 

Ông Tô Hoài Nam: Tôi chỉ nói thêm một ý. Ở đây liên quan đến sự ứng phó của DN đối với công chức khi kiểm tra. Theo những nghiên cứu của chúng tôi, khi DN kể cả chưa sai gì cũng bắt đầu bằng một tư duy làm nhiều như thế này, pháp luật mênh mông như thế này không biết mình có sai không. Từ đó tạo nên tư duy cho chủ DN là khi gặp vấn đề thì chọn phương pháp thoả hiệp. Đáng lẽ thay vì phải xem lại rằng Nhà nước quy định 1 năm chỉ được 1 đoàn thanh tra, mình làm có vấn đề gì không, cái sai của DN đến đâu, nguyên nhân do làm sai hay do quy định chưa chặt chẽ.

 

Tư duy của DN ngay từ lúc đầu là làm thế nào thoả hiệp, vượt qua nhanh chóng việc này, ngại đối đầu với các đoàn thanh tra, sợ bị trù úm. Để vượt qua tâm lý này không đơn giản chút nào. Vì thế, tôi cho rằng phải có quy định về thanh tra, làm sao có chế tài rất mạnh đối với cán bộ thanh tra có động cơ không lành mạnh. Nên tuyên truyền để chủ DN khi gặp khó khăn thì cần đến các hội, đoàn, chứ không phải là chuyện thoả hiệp ngay lập tức.

 

Một khán giả hỏi: “Tôi là chủ hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tôi cũng rất muốn việc làm ăn phát triển, mở rộng và lớn mạnh hơn. Tôi nghĩ đây là tâm lý chung của những người kinh doanh. Nhưng khi được khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp, tôi lo ngại vì những “lính mới” như chúng tôi tương đối bỡ ngỡ và nhất là băn khoăn không biết có được cạnh tranh và đối xử bình đẳng hay không”?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là mối quan tâm của tất cả DN khi làm ăn. Họ đặt câu hỏi liệu môi trường kinh doanh có thuận lợi cho tôi không? Cả hệ thống chính trị hiện tại cũng đang tìm cách tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với hàng loạt Nghị quyết. Tôi cho rằng một chính sách tốt là tạo dựng được một môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng giữa những DN làm ăn chân chính, giữa DN chính thức và phi chính thức.

 

Gần đây, Tổng cục thuế đang có chính sách rất phù hợp, chẳng hạn quản lý thuế dựa trên chính sách rủi ro, tức là tránh tình trạng tập trung thanh tra, kiểm tra những DN tương đối “nổi”, DN lớn. Chúng ta sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo những ngành nghề nào có nguy cơ trốn thuế cao, chủ DN nào có tiền sử không tuân thủ pháp luật cao. Còn những DN nào làm ăn minh bạch thì biện pháp quản lý sẽ nới giảm hơn. Thời gian tới, cần đưa thông điệp rõ ràng là nếu DN làm ăn đàng hoàng, uy tín, nghiêm túc thì thủ tục hành chính thuận lợi hơn, thanh tra kiểm tra phải giảm. Như vậy mới khuyến khích DN làm ăn một cách bài bản.

 

Có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN không nên chạy theo thành tích. Các ông nghĩ gì về ý kiến này? 

 

Ông Tô Hoài Nam: Tôi đồng tình. Tất nhiên mục tiêu của ta là khu vực này phải được chuyển đổi. Nếu chúng ta có thêm 500.000 DN nữa, thì sẽ có khoảng 8,7 triệu lao động, có thể sẽ có thêm gần 11 tỷ USD tiền thuế, khoảng 50.000 DN xuất khẩu. Vì thế, không chạy theo thành tích là đúng nhưng phải coi đây là mục tiêu quan trọng.

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Cách tiếp cận của tôi là để tránh chạy theo hình thức, trước hết phải rà soát xem những chính sách quy định nào đang cản trở, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi và tháo gỡ. Cơ quan chức năng phải đứng trên phương diện nếu mình là hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN sẽ gặp khó khăn gì, mong muốn gì. Cũng cần có hỗ trợ thiết thực về thủ tục hành chính thông qua các Sở Kế hoạc và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp,…vì nhiều hộ kinh doanh cũng thiếu thông tin, kinh nghiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

 

Theo Tổng cục Thống kê, có 12.027 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 3/2017, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tính chung quý I/2017, số doanh nghiệp thành lập mới tạm ngừng hoạt động trên cả nước là hơn 20.000, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Thưa ông, có hay không mối lo ngại các doanh nghiệp thành lập từ quá trình chuyển đổi sẽ đi lại “vết xe đổ ngừng hoạt động” của số lượng lớn DN thành lập mới vừa qua?

 

Ông Tô Hoài Nam: Tôi nghĩ là không nên lo lắng về việc này. Về số liệu trên, một phần là do Luật DN mới quy định DN giải thể, rút ra khỏi thị trường dễ dàng hơn nên đây là tác động từ Luật DN mới còn trong cạnh tranh, DN nào không đáp ứng thì phải bị thải loại.

 

Nhưng có yếu tố tôi băn khoăn đó là các DN mới thì có rất ít tỷ lệ DN hoạt động, thành lập dựa trên khoa học công nghệ. Trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, các DN phải nhận thức là nương vào khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Có lẽ về mặt chính sách, phải làm thế nào để khu vực này được khơi dậy.

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Việc DN rời khỏi thị trường là bình thường nhưng vấn đề là cở chỗ để DN ngừng hoạt động là do ý tưởng kinh doanh của họ chưa “chín” chứ không phải do thủ tục hành chính, thay đổi chính sách. Cần phải biết nguyên nhân tại sao DN ngừng hoạt động. Bên cạnh đó,  số lượng DN thành lập mới quan trọng nhưng số DN hoạt động có hiệu quả là quan trọng hơn.

 

Theo Tổng cục Thuế, tỷ lệ DN tư nhân hoạt động theo Luật DN có lãi, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không cao, điều này là đáng lo ngại. Chính phủ và các bộ, ngành cần có đánh giá thẳng thắn, sát sao về “sức khoẻ” của DN, đặc biệt là DN mới vào thị trường một vài năm.

 

Theo ông, cần đưa ra giải pháp gì để bảo đảm “sức khoẻ” cho các hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Một là, cần cải cách thủ tục hành rất mạnh vì đằng sau cải cách thủ tục hành chính không chỉ là thành tích của cơ quan Nhà nước mà còn là chi phí của các DN. Đối với DN nhỏ, một vài triệu đóng phí thủ tục hành chính cũng tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận. DN nhỏ đặc biệt nhạy cảm với việc tăng chi phí về thủ tục hành chính nên phải rà soát, điều chỉnh vấn đề này. Hai là, phải có thiết chế hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, như đại lý thuế, dịch vụ kế toán hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Một bất cập là đại lý thuế không được cung cấp dịch vụ kế toán và ngược lại, công ty tư vấn kế toán không được thay mặt DN kê khai nộp thuế theo quy định pháp luật.

 

Gần đây, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Thuế hoàn thiện pháp luật về thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. Tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tốt. Đề nghị Tổng cục thuế có một bộ phận hướng dẫn riêng DN nhỏ và siêu nhỏ thủ tục về thuế. Về lâu dài, cần phải chính sửa luật quản lý thuế, luật kế toán theo hướng có chế định riêng cho DN nhỏ và siêu nhỏ./.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi