Tìm cách kéo người bệnh BHYT về trạm y tế xã

Thứ ba - 10/07/2018 03:39
Nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở được coi là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm tại bệnh viện, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương. Ngành Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên hiệu quả đến nay vẫn chưa như mong đợi.

 

Ảnh: VGP/Đình Nam


Người dân chê trạm y tế vắng vì quyền lợi thấp

Tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 6/7, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, mới đây nhất, năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 loại thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này.

“Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá được hiệu quả điều trị...”, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng khám chữa bệnh và cán bộ y tế, danh mục thuốc, kỹ thuật còn ít. Vì thế bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện, tăng chi phí, mất thời gian...

“Khi đi kiểm tra các bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều bệnh nhân chia sẻ với tôi là đi khám bệnh từ 3-4 giờ sáng, nhưng chỉ là đau đầu, mỏi chân tay, huyết áp… Những bệnh này, tuyến y tế cơ sở hoàn toàn có thể làm được. Với thực trạng này, bác sĩ mà ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ sẽ không phát triển nghề được”, Bộ trưởng nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, người bệnh BHYT thường lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã.

Ngoài ra, hệ thống các trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực, cơ sở vật chất, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc, đặc biệt là chất lượng bác sĩ.

 

Mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Ảnh: VGP/Thúy Hà


Yếu tố con người là quyết định

Cả ngành y tế và ngành BHXH đều chung nhận định, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế. Nếu làm tốt sẽ đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân.

Theo đó, trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng...

Mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiều năm qua, ngành y tế đã đưa nhiều giải pháp như luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về tuyến xã công tác, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản,… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, để phát triển trạm y tế xã hiện nay, rất cần các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng nữa là ở trạm y tế xã dù có bác sĩ tuyến trên luân phiên về công tác, nhưng không bền vững, và điều lo ngại nhất là chất lượng bác sĩ.

“Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã là do chưa tin tưởng tay nghề của bác sĩ. Vì vậy, song song với việc đào tạo nhân lực mới, ngành y tế cũng cần tập trung đào tạo lại nhân lực sẵn có tại các trạm y tế xã thì mới có thể đáp ứng nhu cầu người dân”, bà Minh chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm, nếu cơ sở y tế nào tốt, ngành y tế cần mạnh dạn phân cấp, khi đó sẽ có các chính sách ưu đãi cho cơ sở đó. Chẳng hạn nếu tuyến xã làm tốt thì BHXH có thể sẽ không thanh toán khám chữa bệnh BHYT với tuyến huyện nữa, và nếu người dân vẫn lên tuyến huyện thì việc đóng tiền khám chữa bệnh là hết sức bình thường.

Về phía ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang chọn 26 trạm y tế tại Hà Nội, TPHCM, Khánh Hoà, Yên Bái, Hà Tĩnh... để làm mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở.

“Trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ quản lý từng trạm này. Tôi được phân 6 trạm ở Hà Nội và TPHCM. Mỗi thứ trưởng cũng quản lý 5-6 trạm để làm thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngay đầu tuần tới, Bộ Y tế sẽ khai giảng khoá học về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý các bệnh không lây nhiễm cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ gia đình, sau 6 năm học đa khoa sẽ học thêm 3 năm y học gia đình. Bộ Y tế khuyến khích hệ thống tư nhân tham gia vào hệ thống bác sĩ gia đình.

Tư lệnh ngành y tế cũng nhấn mạnh, để tăng cường khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung vào đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh BHYT như không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã như hiện nay, triển khai thanh toán theo định suất, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn, đồng thời xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi