Tiếp cận vốn: Chìa khóa để SME tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ ba - 12/09/2017 00:50
 Trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) APEC 2017, ngày 11/9, tại TPHCM, Bộ KH&ĐT, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ban Thư ký APEC đồng tổ chức Diễn đàn “Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính trong thời đại kỹ thuật số cho các SME”.

 

Diễn đàn Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính trong thời đại kỹ thuật số. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch nhóm làm việc về các SME của APEC, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) đánh giá các doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME), các SME đã có nhiều đóng góp trong việc tạo công ăn việc làm, cải tiến sáng tạo cho mỗi nền kinh tế. Đặc biệt, loại hình doanh nghiệp (DN) này có khả năng chống đỡ những khủng hoảng kinh tế rất hiệu quả. Vì vậy, ưu tiên phát triển các SME đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Đây là lý do APEC 2017 tổ chức diễn đàn bàn giải pháp thúc đẩy các SME phát triển, duy trì tầm quan trọng của bộ phận DN này. Trong đó, mấu chốt là việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mở rộng tài trợ theo chuỗi cung ứng để tạo thêm động lực cho nhóm SME tăng trưởng bền vững hơn. Song song đó, cần phải đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, giúp SME có thể tiếp cận với loại hình dịch vụ tài chính phù hợp nhất.

Tại diễn đàn, có nhiều ý kiến tập trung trao đổi về vai trò và cách thức để tài trợ theo chuỗi cung ứng cho SME, giúp tăng cường tính cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của nhóm DN này, đồng thời hỗ trợ những nền kinh tế APEC mới tận dụng được những mô hình phát triển dựa trên tín dụng theo chuỗi giá trị.

Theo ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia, mặc dù diễn đàn này đã được tổ chức ở Philippines năm 2015, nhưng APEC 2017 tiếp tục bàn cách nâng cao hơn nữa sự hiểu biết về những mô hình tài trợ cho SME và để các nước thành viên có điều kiện trao đổi những giải pháp để có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa về tài chính cho SME.

Nói về vấn để hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Kyle F. Kelhofer cho rằng sự tham gia này là khá mạnh mẽ thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn từ những năm 1990. Tuy nhiên, với việc tiếp cận tài chính chi phí cao, đặc biệt là khu vực SME, đang là rào cản để có thể tận dụng hơn nữa, tối đa hóa được hơn nữa tiềm năng của các DN.

Hiện khoảng 20% SME của Việt Nam được liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn mức 30% và các tỷ lệ cao hơn nữa ở các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia…

Do đó, việc thúc đẩy tài trợ tín dụng cho SME sẽ giúp các DN của Việt Nam hay một số nền kinh tế APEC mới có thể tham gia sâu, ở mức độ cao trong chuỗi giá trị và thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hơn nữa sự kết nối, mối quan hệ với những người mua, các đối tác để Việt Nam trở thành nơi đến hấp dẫn hơn. IFC đã và đang tài trợ tín dụng thông qua chuỗi cung ứng tại các quốc gia như Trung Quốc, Mông Cổ, Philippines, Lào… lên đến 30-40% và các giao dịch ở Việt Nam cũng đang dần liên quan nhưng dựa trên các chuỗi cung ứng.

Cũng theo ông Kyle F. Kelhofer, thị trường tài chính đang ngày càng toàn cầu hóa, các giao dịch dựa trên chuỗi cung ứng đang được mở rộng. Do đó, việc mở rộng cung cấp tín dụng nhiều hơn nữa cho các SME sẽ góp phần mang lại sự thịnh vượng cho DN, mỗi quốc gia và cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Còn ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc bộ phận hợp tác của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ cho biết, tại Việt Nam, đã từng có thời điểm SME rất khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển thế mạnh của mình. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự cải thiện trong việc tiếp cận vốn của khu vực SME, các tổ chức ngân hàng cũng có nhiều dịch vụ và sản phẩm được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu của SME…

Tuy nhiên, vẫn còn những cản trở trong tiếp cận tín dụng của SME. Đó là SME phụ thuộc nhiều vào sự phát triển kinh tế chung, DN vẫn đang ở giai đoạn đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu và không có được yếu tố quan trọng, đó là năng suất cao, đã dẫn đến khó rút ngắn được khoảng cách năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, việc phát triển hoạt động tài trợ vốn cho chuỗi cung ứng chính là giải pháp giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của SME, phát huy được mô hình kinh doanh hiện đại và giúp các DN ra nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi