Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, được trình bày trước Quốc hội vài ngày trước, đánh giá việc quản lý thu, chi ngân sách năm 2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong số những điểm sáng trước hết phải kể đến bội chi ngân sách năm 2022 giảm khá cao so với dự toán. Cụ thể, ngân sách bội chi 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện, giảm 148.920 tỷ đồng so với dự toán. Các chỉ tiêu nợ công cũng giảm và trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết Quốc hội. Dư nợ công đến 31.12.2022 là 3.557.668 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% GDP. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người, giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021.
Vậy nhưng, ở một mặt khác, những hạn chế kéo dài nhiều năm trong việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điển hình là ở một số đơn vị vẫn còn có trường hợp quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất… Tình trạng dự toán chi không sát vẫn tiếp tục xảy ra, dẫn đến một số khoản chi sự nghiệp thực hiện thấp so với dự toán giao, ví dụ chi giáo dục - đào tạo, dạy nghề chỉ đạt 56,9% dự toán; y tế, dân số và gia đình đạt 43,1%; văn hóa thông tin đạt 56,7%; bảo vệ môi trường đạt 64,5%. Chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cao, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước thì tăng 47,7% về số tương đối và tăng 370.325 tỷ đồng về số tuyệt đối…
Đặc biệt, tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán ngân có xu hướng tăng lên. Nếu như có 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 32 địa phương chậm tổng hợp và gửi báo cáo quyết toán năm 2021 thì với báo cáo quyết toán năm 2022, con số này là 45 bộ và 22 địa phương. Điều này cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong công tác quyết toán ngân sách còn chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, quyết toán ngân sách không phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước chưa được khắc phục. Thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi ngân sách năm 2022 nêu tại Báo cáo quyết toán thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; ví dụ, quyết toán thu ngân sách cao hơn 4.840 tỷ đồng, quyết toán giảm hơn 407.310 tỷ đồng; bội chi giảm 49.317 tỷ đồng.
Dù rằng thời điểm xem xét, đánh giá quyết toán ngân sách năm 2022 thì “tiền đã tiêu từ lâu”, song các đại biểu Quốc hội vẫn cần phải giám sát chặt chẽ công đoạn này. Bởi lẽ, nếu hình dung quốc gia như một doanh nghiệp thu nhỏ thì Quốc hội chính là "hội đồng quản trị", thực hiện vai trò thay mặt nhân dân - các cổ đông, để giám sát xem hiệu quả sử dụng nguồn lực về tài chính của “doanh nghiệp quốc gia” trong một năm là như thế nào. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp là tài liệu hết sức quan trọng, nhìn vào đó có thể nhận biết "sức khỏe" của doanh nghiệp và phục vụ việc đưa ra các quyết định. Cũng có ý nghĩa như vậy, báo cáo quyết toán ngân sách của quốc gia là hệ thống đánh giá quan trọng nhất về “sức khỏe” và “hiệu quả” hoạt động của tất cả bộ máy nhà nước trong một năm.
Là những người trực tiếp đóng góp vào ngân sách, cử tri chờ đợi các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, kéo dài nhiều năm qua. Làm tốt việc này vừa giúp tăng minh bạch nền tài chính quốc gia, vừa giúp nguồn lực, tài sản quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn - cả hai thành quả này sẽ tăng cường năng lực nội sinh, mang lại sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn