Tiệc chia tay và tấm gương cán bộ

Thứ hai - 06/05/2019 03:51
Mới đây, thông tin về một Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa mở đại tiệc giữa trụ sở, mời cả trăm khách để chia tay về hưu khiến dư luận bức xúc.

Thậm chí, dư luận còn đặt nghi vấn vị quan chức này cũng làm luôn bữa tiệc “đoàn tụ gia đình”, công khai nhận con riêng. Cho dù vị quan chức này sau đó ra sức phủ nhận chuyện nhận con riêng, tuy nhiên dòng chữ trên giấy mời lại ghi rõ là “ngày đoàn tụ gia đình” khiến những nghi vấn kia được đặt ra không phải là không có cơ sở.

Nhưng chưa nói đến câu chuyện con riêng liệu có thật hay không, nhưng trước hết, trụ sở Hạt kiểm lâm là công sở, là nơi làm việc của cơ quan nhà nước và là tài sản công. Tuy nhiên, dường như ông Hạt phó đã coi cơ quan cũng thân thuộc như chính nhà riêng của mình để rồi sẵn sàng sử dụng nó vào việc riêng của mình. Chính vì vậy, ông cũng lấy luôn trụ sở làm địa bàn để dựng rạp bày bàn tiệc.

Thông thường, khi một thành viên của một cơ quan nghỉ hưu hay nghỉ chế độ nói chung, sau một thời gian gắn bó cống hiến với cơ quan đều có một hình thức chia tay. Và đôi lúc đó cũng có thể là một buổi liên hoan nhưng thông thường nó được tổ chức ở một nơi phù hợp và thành phần cũng chỉ là những thành viên trong chính cơ quan đó. Với một cơ quan như Hạt kiểm lâm, con số những cán bộ nhân viên nhiều lắm cũng chỉ vài chục người. Tuy nhiên đại tiệc của ông Phó Hạt trưởng có số khách lên đến cả trăm, theo thông tin trên báo chí.

Theo lẽ thường, một người khi đã là cán bộ nhà nước, gánh trên vai trọng trách cũng đồng nghĩa càng phải gương mẫu, tu dưỡng đạo đức trong công việc cũng như trong đời sống riêng tư. Đảng ta đã có quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó có nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong, nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị.

Nghỉ hưu không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn những ràng buộc những quyền và nghĩa vụ với nhà nước và xa hơn là với người dân. Bởi hàng tháng vị lãnh đạo đó vẫn tiếp tục được nhận lương hưu trả từ ngân sách nhà nước với số tiền được tính toán dựa trên chức vụ, thu nhập mà khi đương chức người đó được hưởng. Chưa hết, ngày lễ ngày Tết, vị cán bộ đó vẫn tiếp tục nhận những món quà từ ngành, cơ quan cũ, một số trường hợp họ còn được đưa vào “kỷ yếu” của ngành của cơ quan trong đó kể những đóng góp và cống hiến. Chính vì thế, sau khi nghỉ hưu, cán bộ vẫn phải sống một cách gương mẫu có trách nhiệm không chỉ với bản thân với gia đình mà còn cả với xã hội, với người dân.

Dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được công bố mới đây cũng đã đề cập đến vấn đề xử lý trách nhiệm những hành vi vi phạm đối với cán bộ, công chức và viên chức sau khi đã nghỉ hưu. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo nhưng đại đa số các ý kiến đều cho thấy sự cần thiết phải xử lý trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức được phát hiện sau khi họ đã nghỉ hưu.

Cách đây ít lâu, dư luận cũng đã chú ý tới một cuộc chia tay lãnh đạo nghỉ hưu, cũng diễn ra ở trụ sở cơ quan với rất đông người tham gia. Nhưng cuộc chia tay đó không có cỗ bàn linh đình, mà chỉ có gần 1.000 đồng nghiệp, nhân viên và cả bệnh nhân đến dự. Những người trong buổi chia tay đó đã xếp thành một hàng dài từ trong trụ sở cơ quan ra đến cổng để được bắt tay và ôm, nói lời chia tay với ông Viện trưởng một đơn vị thuộc ngành Y. Và không ít nhân viên, bệnh nhân đã không cầm được nước mắt.

Chia tay nghỉ hưu chỉ là một thủ tục, nhưng nó cũng góp phần phản ánh cả cuộc đời công tác làm việc của người được chia tay. Suy cho cùng, những điều tốt đẹp đọng lại về mỗi con người không thể chỉ từ một buổi tiệc, mà phải từ cả cuộc đời…

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi