Lưu lượng nước về thấp, thủy điện tích nước khó khăn ngay trong mùa lũ
Mưa lớn liên tục từ ngày 9/12 và trong mấy ngày qua đã làm thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh thuộc hạ du lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn hứng chịu đợt ngập lụt lớn trong nhiều năm, thủy điện tại Thừa Thiên-Huế thậm chí phải xả lũ.
Trong khi đó, tại thượng nguồn lượng mưa không đáng kể, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện lớn của tỉnh Quảng Nam như Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm và thiếu hụt gần 790 triệu m3 nước so với cùng kỳ.
Điều đáng nói là nghịch lý này lại xảy ra ngay trong cuối mùa lũ đã làm cho việc tích nước tại các hồ thủy điện khu vực này hết sức khó khăn.
Mực nước tại một số hồ thủy điện thuộc tỉnh Quảng Nam cạn gần mực nước chết. Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh cho biết tình hình khí tượng thủy văn những tháng đầu năm 2018 tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh tương đối tốt. Tuy nhiên những tháng cuối năm - thời điểm diễn ra mùa lũ chính vụ, tình hình khí tượng thủy văn lại diễn biến cực đoan và tương đối phức tạp.
Theo ông Lân, riêng tháng 11, lưu lượng nước về hồ thấp nhất trong chuỗi thủy văn quá khứ 45 năm của lưu vực hồ chứa Sông Tranh 2, tương ứng với tần suất 99% và chỉ đạt 17% so với trung bình nhiều năm.
Trong tháng 12 này dự kiến lượng nước về đạt khoảng 80 m3/s, tương ứng với tần suất 98% chỉ đạt 30% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên trong thực tế từ ngày 1/12 đến nay lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 71,4m3/s.
Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh đưa ra nhận định rất đáng lo ngại “ tình hình lưu lượng nước lũ chính vụ năm nay còn kiệt hơn đầu mùa cạn”.
Cụ thể, với lưu lượng nước về hồ thấp như hiện nay thì mực nước và dung tích tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh đang ở mức 150,24 m, cao hơn mực nước chết chỉ 9,7 m.
Dung tích hữu ích của hồ chứa cũng thiếu hụt so với dung tích tối thiểu theo yêu cầu của Quy trình liên hồ là 332 triệu m3 và thiếu hụt so với khi hồ đạt mức nước dâng bình thường là 4,18 triệu m3.
“Nếu tình hình này tiếp diễn, hồ chứa nước của Thủy điện Sông Tranh dự kiến thiếu hụt 332 triệu m3 nước phục vụ cho sản xuất tưới tiêu cho khu vực hạ du năm 2019”, ông Lân nhận định.
Lý giải về tình trạng thiếu nước của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn trong khi hạ du lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đang phải chịu ảnh hưởng ngập lụt nặng nề do mưa lớn, ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện A Vương cho biết: "Nguyên nhân là khu vực thượng nguồn hai địa phương này rất ít mưa, trong khi đó lượng mưa tại vùng hạ du lại lớn chưa từng có".
Là một trong 4 hồ thuỷ điện lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, mực nước tại hồ thuỷ điện A Vương ghi nhận trong ngày 10/12 đạt hơn 341 m chỉ cao hơn mực nước chết 1 m và thấp hơn mức trung bình khoảng 39 m.
Lượng nước tích trữ tại một số hồ thủy điện ở Quảng Nam cạn kiệt và thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Ảnh : VGP/Toàn Thắng |
“Hiện nay, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương chỉ còn khoảng 11,3 m3/s, nhỏ hơn rất nhiều so với lưu lượng trung bình các năm khoảng 80-100 m3/s. Lượng mưa trên lưu vực mới chỉ đạt 1.478 mm, thiếu khoảng 1.000 mm so với trung bình nhiều năm”, ông Thế cho biết thêm.
Hiện nay, lưu lượng nước về và mực nước hồ chứa thấp nên công suất phát của thuỷ điện A vương chỉ đạt khoảng 80% công suất định mức của nhà máy.
Tình hình thủy văn tại các hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 (tỉnh Quảng Nam) và Ialy ( Gia Lai) cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc tích nước phát điện và điều tiết nước cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất.
Ưu tiên tích nước phục vụ sản xuất dân sinh
Với diễn biến thủy văn phức tạp trong thời gian qua cùng với dự báo hiện tượng El Nino sẽ đến sớm và tiếp tục kéo dài thì tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra khắc nghiệt trong thời gian tới, đặc biệt là trong cao điểm mùa khô 2018-2019.
Trong chuyến thực tế tại các thủy điện lớn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam và Gia Lai, đại điện các thủy điện này cho biết nhiệm vụ của các thủy điện là bảo đảm an toàn đập, phát điện và điều tiết nước phục vụ sản xuất.Tuy nhiên trong bối cảnh thủy văn cụ thể như hiện nay, ưu tiên hàng đầu là tích nước điều tiết nước phục vụ sản xuất cho hạ du nhất là trong mùa khô 2019.
Dự báo việc tích nước phát điện và điều tiết nước phục vụ sản xuất cho vùng hạ du sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh VGP/Toàn Thắng |
Để ứng phó với tình hình này, các công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh và các ngành liên quan để tăng đến mức tối đa mục tiêu tích nước nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh cho khu vực hạ du đồng thời góp phần đẩy mạnh hoạt động của thành phố du lịch Hội An năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh cho biết: Nhiệm vụ ưu tiên của công ty hiện nay là tích nước, điều tiết nước cho hạ du thay vì phát điện.
“Chúng tôi đã tính toán trường hợp cực đoan nhất và sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Nam để lên kế hoạch sử dụng nước hợp lý và có thể nói là chắt chiu từng giọt nước để phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp cũng như tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế cho khu vực hạ du”, ông Lân khẳng định.
Đồng quan điểm, ồng Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện A Vương cho rằng tình thế với A Vương cũng như một số thuỷ điện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay "phát điện là thứ yếu, quan trọng hơn là tích nước, điều phối cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2019".
Về phần mình, ông Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung 4 cũng cho biết nhà máy thủy điện này đang phối hợp với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia để trong thời điểm này sẽ ưu tiên cho việc tích nước nhiều hơn là phát điện nhằm đảm bảo lượng nước cho mùa cạn năm sau.
Nhận định tình hình thủy văn còn điễn biến phức tạp, Công ty Thủy điện Ialy (Gia Lai) cho biết sẽ có báo cáo đề xuất gửi Cục tài Nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề khai thác nước hồ chứa hợp lý để đảo bảo lưu lượng xả về hạ du trong cuối mùa khô 2019.
Công ty thủy điện Ialy kiến nghị về lâu dài các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét sửa lại bảng 2, Khoản 2, Điều 7, Quy trình 215 để giảm dung tích phòng lũ cho hồ Ialy. Cụ thể, từ ngày 1/7 đến 31/8 là 511,8 m; từ 1/9 đến 30/9 là 513,8 m và từ 1/10 đến 30/11 là 514,8 m.
Đại diện Công ty Thủy điện Ialy cũng kiến nghị hiệu chỉnh Khoản 1, Điều 15, Quy trình 215 cho phép hồ Ialy tích nước cuối mùa lũ bắt đầu từ ngày 1/10 đến 30/11 hằng năm nếu không xuất hiện tình thế thời tiết có khả năng gây mưa lũ trên khu vực để đảm bảo hồ chứa Ialy đủ nước phục vụ phát điện cho mùa khô năm sau.
Trước tình hình khô cạn nước tại các hồ thuỷ điện khu vực thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, kiến nghị đơn vị quản lý tách 4 nhà máy thuỷ điện gồm Sông Bung 4, A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 ra khỏi thị trường bán điện cạnh tranh; khi 4 hồ thuỷ điện tích đủ lượng nước cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt vùng hạ du thì mới tham gia phát điện trở lại.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn