Chính phủ vừa có Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết nêu rõ, nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, trong đó có nhiệm vụ thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KH&CN, ĐMST, CĐS), chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN hoàn thiện dự thảo Luật KH&CN và ĐMST bổ sung quy định:
Doanh nghiệp (DN) được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển KH, CN, ĐMST, CĐS và nghiên cứu phát triển;
DN được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển theo cơ chế khoán sản phẩm;
DN được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập DN;
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí cho DN, tổ chức tư nhân khi sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, phòng hỗ trợ thiết kế, thiết bị nghiên cứu dùng chung, trung tâm thử nghiệm, đo lường, kiểm định, giám định của Nhà nước để phát triển sản phẩm.
Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, bổ sung quy định: miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Đồng thời, sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bổ sung quy định: miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập DN phải nộp; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm ĐMST.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân. Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp có sự tham gia của DN đối với các chương trình chất lượng cao quy định tại các văn bản quy phạm, pháp luật về quy chế tuyển sinh và đào tạo, đào tạo nghề; rà soát khung chương trình đào tạo tại các cấp học để bổ sung nội dung đào tạo các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển KHCN, ĐMST, khởi nghiệp.
Bổ sung cơ chế đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của DN, hộ kinh doanh; khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo, đào tạo nghề hợp tác, phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; tiếp nhận và nhân rộng các chương trình đào tạo tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN.
Hình thành và phát triển nhanh các DN vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung quy định đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh...), những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách.
Rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản hướng dẫn thi hành để đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP), lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công, trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hoá - xã hội, CNTT, truyền thông.
Đồng thời, xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1.000 DN tiêu biểu, tiên phong trong KH&CN, ĐMST và CĐS và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương xây dựng, triển khai Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) trên cơ sở rà soát, lồng ghép các chương trình hỗ trợ DN hiện hành hoặc dự kiến ban hành của ngành, tập trung các giải pháp hỗ trợ về thị trường, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia..../.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn