Ý thức pháp luật được nâng lên
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị chuyên đề về pháp luật của Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, thì nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chúng ta chính là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030 đưa ra quan điểm phát triển: “Lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”, đồng thời xác định “hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược.
![]() |
Hội nghị chuyên đề về pháp luật của Chính phủ |
“Để tiếp tục đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII và chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị chuyên đề hôm nay có ý nghĩa quan trọng và vô cùng thiết thực, đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới tư duy về thể chế phải đi tiên phong, bảo đảm thể chế phải thực sự là nền tảng, động lực đẩy mạnh đổi mới, phát triển đất nước, cải cách và tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị nêu rõ trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng đó nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới, nhất là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013
“Chương trình xây dựng luật pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện”- Báo cáo nêu rõ.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội |
Trong giai đoạn nói trên Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 117 luật, pháp lệnh, nghị quyết, giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 – 2015. Chính phủ ban hành 745 nghị định tăng 24 nghị định. Thủ tướng ban hành 232 quyết định, giảm 129 quyết định. Các bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch, giảm 201 văn bản.
Kết quả trên cho thấy việc giảm lượng văn bản ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành giảm so với giai đoạn 2011 – 2015 cho thấy công tác xây dựng pháp luật chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh. Riêng đối với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tăng so với giai đoạn trước cho thấy trách nhiệm, vai trò của các tư lệnh ngành được đề cao theo sự phân cấp quản lý, chỉ đạo.
Báo cáo cũng nhận định, hệ thống pháp luật về dân sự, kinh tế tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với đặc điểm của kinh tế thị trường hiện đại và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn vầ thực hiện cam kết quốc tế.
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị |
Đặc biệt pháp luật về phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành và phát triển khá đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, cũng như cơ chế bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đã kịp thời nội luật hóa các điều ước quốc tế quan trọng như CPTPP, EVFTA.
Một điểm nổi bật là trong giai đoạn 2016 – 2020 là ý thức pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân được nâng lên rõ rệt. Hoạt động giám sát đã thay đổi về hình thức và nội dung, hiệu quả, thực chất.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Báo cáo lưu ý việc cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản, quy phạm pháp luật năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2020 trong quá trình xây dựng, đề xuất, đánh giá tác động của chính sách. Đồng thời nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thể chế để áp dụng phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam.
Bảo đảm tính khả thi của văn bản, bảo đảm được tính liên kết giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật. Cùng đó các Bộ, ngành địa phương cần ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ Công Thương đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật phục vụ hội nhập
Trong báo cáo chuyên đề của Bộ Công Thương tại Hội nghị về công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã điểm lại một số thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoàn thiện và thi hành hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là về quản lý thương mại, xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước không trái với các cam kết để các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian nâng cao hiệu suất kinh doanh, tái cơ cấu khi tham gia. Cùng đó Bộ cũng đã theo dõi giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác thông tin liên quan đến hội nhập.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, từ thực tế hội nhập cho thấy các thủ tục đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn hoăc phê duyệt còn phức tạp, nhiều bước, ảnh hưởng đến tiến độ ký kết một số điều ước quốc tế. Cùng đó là vướng mắc do luật quy định về đàm phán, ký trong cùng một thủ tục.
Bên cạnh đó, hiệu quả của việc tuyên truyền và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các cam kết quốc tế ở cấp địa phương và doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa cao. Công tác phối hợp chưa nhuần nhuyễn, đồng bộ. Việc hạn chế về nguồn lực, cũng như hạn chế về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước thành viên trong khi pháp luật trong nước chưa thực sự đồng bộ để thực thi hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại cũng cần được khắc phục.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã nêu nhiều đề xuất trong đó đáng chú ý là tiếp tục tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi để tham gia tích cực và hiệu quả vào các diễn đàn, hội nghị kinh tế quốc tế, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho mục tiêu phát triển, nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam; rà soát, điều chỉnh và kiện toàn các thủ tục, quy trình và hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu khả thi, đàm phán và vận động hành lang trong đàm phán các FTA song phương và đa phương; hoàn thiện các quy định liên quan tới công tác đào tạo và hỗ trợ cán bộ thương vụ tại nước ngoài để chủ động dự báo và giải quyết các vụ kiện bán phá giá cũng như các hàng rào kỹ thuật bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam; nhanh chóng ban hành và cập nhật bổ sung những hướng dẫn và định hướng phát triển ngành nghề để tận dụng triệt để ưu đãi trong CPTPP…
Đưa đất nước tiến lên bằng pháp luật
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu đưa đất nước tiến lên bằng thể chế. Theo Thủ tướng, cần xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững.
Thủ tướng yêu cầu chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, triệt để tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”.
Đặc biệt Thủ tướng đã nhấn mạnh đến một số giải pháp. Tiếp tục quán triệt kịp thời đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm các đường lối chủ trương của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thể chế hóa thành các quy định pháp luật. “Ngành Tư pháp cần phát huy vai trò nhạc trưởng, gác cửa trong hoàn thiện và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương”- Thủ tướng nói.
Các bộ, ngành cần có sự phối hợp để nâng cao tính dự báo và chất lượng các chương trình lập pháp, lập quy trong nhiệm kỳ sắp tới của Chính phủ. Đặc biệt chú trọng việc áp dụng thành quả khoa học công nghệ cũng như thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản, quy phạm pháp luật năm 2020.
Tiếp tục tổ chức rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, có các chế tài nghiêm minh. Từ đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.
Các bộ ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của các luật, pháp lệnh vào cuộc sống. “Tôi yêu cầu lãnh đạo các bộ coi đây là nhiệm vụ không thể thoái thác được”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng còn yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và thi hành pháp luật chứ không thể khoán trắng cho cấp phó.
“Chúng ta cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thi hành pháp luật”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết sản phẩm sau hội nghị quan trong này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn