![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hơn bao giờ hết, các nước cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhận lời mời của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Khoá họp thứ 73 Đại hội đồng WHO với chủ đề “Đại dịch COVID-19” được tổ chức trực tuyến trong hai ngày 18-19/5/2020. Tham dự Khoá họp có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, gần 150 lãnh đạo ngành y tế các quốc gia thành viên và 15 khách mời đặc biệt là lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, làm chết hàng trăm nghìn người, gây ra nhiều tác động nặng nề đối với kinh tế-xã hội của tất cả các nước, đồng thời đặt ra những thách thức to lớn đối với hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có WHO.
Phát biểu tại cuộc họp, các nước đều nhất trí đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có và không quốc gia nào có thể tự mình ứng phó được; kêu gọi các nước cùng đoàn kết.
Với những thành quả tích cực Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng như vị thế nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong số ít lãnh đạo được Tổng Giám đốc WHO mời phát biểu tại Đại hội đồng WHO năm nay.
![]() |
Khoá họp thứ 73 Đại hội đồng WHO được tổ chức trực tuyến – lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức này. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại khóa họp, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân các nước vì những mất mát to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra; gửi lời cảm ơn và tri ân tới tất cả các y bác sĩ, những người trên tuyến đầu phòng chống dịch vì sức khỏe và sự an toàn của mọi người dân.
Thủ tướng chia sẻ Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch COVID-19 từ rất sớm. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, hệ thống y tế quốc gia, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của lực lượng quân đội…, cùng kiên quyết thực hiện cách ly tập trung, kết hợp giữa kiểm soát nguồn lây, truy tìm tiếp xúc, xét nghiệm và điều trị. Chính phủ chấp nhận “hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân”. Các chính sách và biện pháp chống dịch của Chính phủ được người dân tham gia ủng hộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hơn bao giờ hết, các nước cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch. Cùng với nỗ lực xử lý những hậu quả nặng nề của đại dịch, các nước cần có kế hoạch phát triển hậu COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cho biết, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì và tham gia nhiều cuộc thảo luận, nỗ lực tìm tiếng nói chung, có những sáng kiến thúc đẩy hành động chung trong phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
* Tổ chức Y tế thế giới là một tổ chức chuyên môn trong hệ thống Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế cộng đồng, tăng cường nghiên cứu y tế. Đại hội đồng WHO là cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO, họp hằng năm tại Geneva (Thuỵ Sĩ) vào tháng 5 với sự tham dự của tất cả 194 quốc gia thành viên. Do tác động của đại dịch COVID-19, Khoá họp thứ 73 Đại hội đồng WHO được tổ chức trực tuyến – lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức này.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn