Thủ tướng Singapore: Đa phương hóa là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của ASEAN

Thứ tư - 14/11/2018 04:55
Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore, ông Lý Hiển Long cho rằng, hệ thống đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ đã góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định của ASEAN, đang chịu áp lực lớn.

 


Trung tâm báo chí của Hội nghị - Ảnh: VGP


Đánh giá cao sự ủng hộ của các nước ASEAN và các nước đối tác với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, đây là một năm bận rộn và hiệu quả. “Chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc họp và thực hiện các bước cụ thể quan trọng để đưa ASEAN tiến về phía trước”, Thủ tướng Singapore nói. “Khi Singapore nhận vai trò Chủ tịch, chúng tôi biết rằng chúng tôi đã nhận một trách nhiệm quan trọng”. Vừa mới bước sang "tuổi 50" vào năm ngoái, ASEAN đang mở một chương mới và định hình hướng đi mới về phía trước. Làm thế nào ASEAN có thể giữ được sự thống nhất, kết nối hiệu quả mọi người dân và các đối tác? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh môi trường bên ngoài thay đổi nhanh chóng.

Hệ thống đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ đã góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định của ASEAN, đang chịu áp lực lớn. Các quốc gia, bao gồm cả các cường quốc, đang có các hành động đơn phương hay tiếp cận song phương, chứ không ủng hộ đa phương. Vẫn chưa rõ liệu thế giới sẽ thiết lập các quy tắc mới về sự tham gia quốc tế hay trật tự quốc tế sẽ chia thành các khối đối đầu nhau hay không.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, với việc đoàn kết chung một tiếng nói, thay vì đi theo những cách riêng biệt, 10 quốc gia, các thành viên ASEAN đã củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.

Ngày nay, ASEAN là một trong những cộng đồng kinh tế sôi động nhất trên thế giới. Với tầng lớp trung lưu đang phát triển và lực lượng lao động trẻ, ASEAN dự kiến ​​sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.

Nêu ra các thách thức đối với ASEAN như công nghệ số, biến đổi khí hậu, an ninh…, Thủ tướng Singapore cho rằng, điều này cho thấy hợp tác đa phương đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Không có giải pháp đơn lẻ nào có thể áp dụng cho tất cả các nước, hoặc giải quyết tất cả vấn đề, cũng như không quốc gia nào có thể tự mình đối phó. “Chúng ta cần tập trung ý tưởng và nguồn lực để cùng nhau giải quyết vấn đề”. Đây là lý do tại sao Singapore chọn “tự cường” và “đổi mới” làm chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN của mình.

Thủ tướng Singapore cũng ghi nhận những tiến triển tích cực trong đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song nhìn nhận tình hình trên Biển Đông còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần sự thống nhất trong lập trường chung cũng như đề cao các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong thúc đẩy tăng cường lòng tin, ngăn ngừa nguy cơ bất ổn. 

Chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Lý Hiển Long, các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng với sự điều hành hiệu quả của Singapore, Chủ tịch ASEAN 2018, hợp tác và liên kết ASEAN trong năm đã đạt bước phát triển rất đáng khích lệ. Trên tinh thần chủ đề xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, củng cố và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN dẫn dắt đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, đồng thời đạt được những kết quả khả quan trong triển khai xây dựng Cộng đồng. ASEAN tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của các đối tác. ASEAN đã thể hiện được vai trò và năng lực xử lý trước các vấn đề nổi lên, nhất là các trận thiên tai lớn xảy ra ở khu vực, các diễn biến của tình hình quốc tế tại bán đảo Triều Tiên, tình hình bang Rakhine của Myanmar.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng chỉ ra các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, cả từ những biến động phức tạp của môi trường quốc tế, khu vực, cũng như từ chính nội bộ ASEAN. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và củng cố một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, với ASEAN ở vị trí trung tâm, qua đó, đóng góp tích cực cho một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Các nước đều nhất trí ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó có đàm phán COC hiệu quả và thực chất, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), song song với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định tiếp tục tích cực hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp lâu dài và bền vững nhằm ổn định tình hình, giải quyết các vấn đề nhân đạo tại bang Rakhine, Myanmar. Các nước nhấn mạnh ASEAN hoan nghênh các tiến triển tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có kết quả 3 Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều và Thượng đỉnh Mỹ-Triều, ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi