Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng” ,và yêu cầu: “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn…” - Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi tin với một khí thế mới, quyết tâm mới, chúng ta sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội |
Về tác động tới kinh tế-xã hội, Thủ tướng nêu rõ, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu, các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng trầm trọng. Các tổ chức quốc tế và các hãng xếp hạng tín nhiệm đưa ra cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái và kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD.
“Một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như dịch tiếp tục lan ra” – Thủ tướng đánh giá và nhận định, nước ta có độ mở nền kinh tế cao, do đó, dịch Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.
Chỉ dấu rõ nhất là trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, dù vẫn là mức tăng cao nhất khu vực, song lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và thấp nhất kể từ năm 2011. Do đó, Thủ tướng chỉ rõ, Hội nghị hôm nay được coi là Hội nghị “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.
Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh; phải “biến nguy thành cơ”; sau dịch Covid-19 phải làm cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Cơ chế, chính sách, giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh phải đúng và trúng
Tại hội nghị, bên cạnh các giải pháp y tế trong phòng chống dịch bệnh, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng vấn đề, như: triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; các gói chính sách về tiền tệ và tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; chính sách giãn, hoãn thuế đối với doanh nghiệp, người kinh doanh; công tác đảm bảo thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu; cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính; công tác giải ngân vốn đầu tư công; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; phát huy thế mạnh của các địa phương đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm;...
![]() |
Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương |
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định, dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu, nên việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết. Do đó, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.
Với ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hoá đang rất khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã đề ra các giải pháp, trước hết là tạo thuận lợi để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Hỗ trợ tối đa cho người dân bị ảnh hưởng; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, khơi dậy tiềm lực thị trường trong nước và khai thác thị trường quốc tế cho xuất khẩu” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo Chính phủ và nêu rõ: Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhất là công tác đảm bảo ổn định thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Cụ thể: ổn định tâm lý, ổn định thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, nhất là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm có chất lượng, đảm bảo số lượng với giá cả phù hợp cho người dân đã được triển khai. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; duy trì, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đảm bảo lưu chuyển hàng hoá, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: EU, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Đông Á… và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đa và song phương để đưa hàng hoá thâm nhập vào các thị trường quan trọng nói trên...
Sau khi lắng nghe các Bộ, ngành, địa phương báo cáo, đưa ra giải pháp cũng như những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba. “Cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian” –Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo. Đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội.
Tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới. Đồng thời, Bộ KH&ĐT chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ.
“Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị” – Thủ tướng nói và đánh giá, những kiến nghị này hết sức cụ thể và rất đúng, trúng. Lấy ví dụ từ kiến nghị liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang, Thủ tướng cho rằng, khuyến khích xuất khẩu gạo để đảm bảo quyền lợi của người nông dân nhưng phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an ninh lương thực và cho biết, Chính phủ sẽ có văn bản trả lời về vấn đề xuất khẩu gạo.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, Thủ tướng lưu ý, cần phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen, tuy nhiên không thể bỏ quên thị trường trong nước. Do đó, cần tiếp tục phải đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trong nước, chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân, gắn với công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, nâng giá.
Người đứng đầu Chính phủ cũng hết sức lưu ý đến công tác truyền thông. Cho rằng phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo công tác truyền thông phải đổi mới hơn nữa cả nội dung và hình thức.
“Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội” - Thủ tướng kết luận.Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn