Thu hút FDI: Ưu tiên dự án chất lượng cao

Thứ hai - 24/05/2021 00:35
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, trong đó Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, để "hút" được dòng vốn FDI chất lượng cao, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ trung ương đến địa phương
 
Điểm đến hấp dẫn

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 4/2021, ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết: Theo kết quả khảo sát của JETRO về xu hướng đầu tư, kinh doanh từ 1 - 2 năm tới của DN Nhật Bản, hầu hết DN cho rằng, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh rất khó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong Top đầu của ASEAN được DN Nhật Bản lựa chọn để mở rộng đầu tư. Đặc biệt, "cụm từ thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn gần như không xuất hiện tại Việt Nam. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư" - ông Nakajima Takeo nhấn mạnh.
 

Thu hút FDI: Ưu tiên dự án chất lượng cao

Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI


Những năm qua, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Hiện, số lượng thành viên của JETRO tại Việt Nam đã lên đến 2.000 DN, trong khi những năm 1990 chỉ có 100 DN. Xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam thời gian tới sẽ dịch chuyển về các địa phương. Do vậy, vai trò kết nối của DN với các địa phương rất quan trọng trong thu hút FDI từ Nhật Bản.

Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam - đánh giá: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về kiểm soát tốt dịch Covid-19, khẳng định là điểm đến đầu tư hấp dẫn toàn cầu, sau Trung Quốc. Trên thực tế, từ khi xảy ra bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để hoạt động.

Tập trung vào chất lượng dự án

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng nhiều thay đổi. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ngay sau đó, tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP để triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW, hướng đến thế hệ FDI chất lượng cao hơn, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ hơn đến cộng đồng DN trong nước. Điều đó cho thấy, định hướng thu hút FDI đã có sự thay đổi.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành trung ương và địa phương. Trong đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, về phía Chính phủ và các cơ quan trung ương, cần củng cố vị thế nền kinh tế hấp dẫn với thiết chế chính trị ổn định. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ về thủ tục, quy định hành chính, đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, thủ tục hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội để nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng… để tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Về phía địa phương, bên cạnh xem lại chất lượng thể chế, hoàn thiện quy hoạch, cơ sở hạ tầng, cũng cần chuẩn bị quỹ đất sạch, hạ tầng sinh thái, nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các dự án có yêu cầu quỹ đất rộng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút được 12,25 tỷ USD vốn FDI đến từ 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nhà đầu tư lớn nhất với số vốn lần lượt là 4,8 tỷ USD; 2,5 tỷ USD và 1,5 tỷ USD.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi