Thông tin về tình hình ngoại thương của Algeria năm 2020

Thứ ba - 19/01/2021 23:00
Theo ông Bouchelaghem, Tổng vụ trưởng Ngoại thương, Bộ Thương mại Algeria, năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này đã giảm 18%, chỉ đạt 34,4 tỷ USD còn kim ngạch xuất khẩu giảm 33%, chỉ còn 23,8 tỷ USD. Thâm hụt thương mại cả năm của Algeria lên tới 10,6 tỷ USD.
 

Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do sụt giảm giá dầu trên thị trường thế giới và giảm cầu bởi những biện pháp phong tỏa kinh tế trong khi dầu khí là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm tới 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của Algeria.

Năm 2020 là một năm xuất khẩu và nhập khẩu của Algeria chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng y tế kể từ tháng ba năm ngoái, buộc chính phủ đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lượng hàng cơ bản dự trữ thông qua việc cấm xuất khẩu 30 mặt hàng với thời gian 6 tháng có thể gia hạn.

3 tháng cuối năm 2020 đã chứng kiến việc phục hồi các hoạt động thương mại khi tổng trao đổi ngoại thương cả năm đã đạt 58 tỷ USD.

Một số ngành kinh tế, công nghiệp và nông nghiệp như chất dẻo, bao bì, xi măng, giấy, thực phẩm và chà là đã duy trì được hoạt động xuất khẩu năm 2020. Mặt khác, cũng trong năm 2020, Algeria đã tiến hành đánh giá lại một cách tổng thể Hiệp định liên kết với EU, Hiệp định tự do mậu dịch khu vực Ả râp và Hiệp định ưu đãi với Tunisia.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số 1 của Algeria chiếm 17% kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này, tiếp đến là Pháp (10%), Italia (7%), Đức (6,5%) và Tây Ban Nha (6,2%). Tính theo khối nước, EU vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Algeria nhờ vị trí địa lý gần gũi, hiệp định liên kết song phương và chất lượng sản phẩm.
 

Thông tin về tình hình ngoại thương của Algeria năm 2020


Hợp lý hóa nhập khẩu và đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu quốc gia


Về các biện pháp nhằm hợp lý hóa nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu, đại diện Bộ Thương mại cho biết, thực hiện chỉ thị của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune là giảm kim ngạch nhập khẩu 10 tỷ USD, nước này đã thông qua nhiều quy định liên quan đến nhập khẩu hàng nông sản trong vụ thu hoạch, tạm dừng nhập khẩu thịt đông lạnh và tăng danh mục các mặt hàng chịu thuế phòng vệ bổ sung tạm thời.

Trong khuôn khổ đó, Bộ Thương mại đã xây dựng một nghị định về những điều kiện và cách thức nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa để bán lại nguyên trạng sau khi đã thu được 14 tỷ DZA (khoảng 105 triệu USD) vào năm 2019 từ việc tăng thuế quan.

Để thực hiện điều này, Bộ Thương mại đã phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện một bộ hồ sơ kỹ thuật đặc biệt bao gồm các nghĩa vụ và văn bản pháp lý nhằm đấu tranh chống hiện tượng ghi hóa đơn cao hơn giá trị hàng nhập khẩu thực tế.

Năm 2020, một cơ sở dữ liệu quốc gia số hóa về các sản phẩm sản xuất tại Algeria và một cơ sở dữ liệu về các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đã được xây dựng nhằm hạn chế xuất khẩu những mặt hàng được trợ cấp và những sản phẩm có nguyên liệu được trợ giá.

Hai cơ sở dữ liệu này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách biết rõ hơn những mặt hàng được chế tạo tại Algeria và năng lực sản xuất trong nước, xác định những sản phẩm được phép nhập khẩu cũng như những công ty sản xuất và xuất khẩu.

Các ngân hàng dữ liệu này cực kỳ quan trọng cho phép chính quyền địa phương có cái nhìn chính xác để đưa ra những quyết định đúng đắn ngay lập tức nhất là nền kinh tế Algeria phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa.

Mặt khác, Bộ Thương mại hiện đang tập trung vào việc hoàn thành đề án Chiến lược xuất khẩu quốc gia được soạn thảo cùng với các doanh nghiệp, chuyên gia và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC).

Liên quan đến việc hỗ trợ các khoản chi vận chuyển hàng dành cho các nhà xuất khẩu địa phương thông qua Quỹ đặc biệt về xúc tiến xuất khẩu, ông Bouchelaghem cho biết Bộ đang tiến hành thanh toán 8.600 hóa đơn,

Thúc đẩy trao đổi thương mại với các khu vực Ả rập và châu Phi

Lĩnh vực thương mại nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD các sản phẩm ngoài mặt hàng dầu khí vào năm 2021 trong khuôn khổ chiến lược xúc tiến xuất khẩu quốc gia, song song với hợp lý hóa nhập khẩu bằng cách giảm dần việc mua hàng nước ngoài.

Trong phạm vi Đại khu vực tự do mậu dịch Ả rập (GZALE), ông Bouchelaghem cho biết, Algeria chủ yếu giao dịch với 3 nước là Tunisia, Ai Cập và Maroc, chiếm tới 80% quan hệ thương mại giữa Algeria với các nước Ả rập và châu Phi. Kim ngạch trao đổi giữa Algeria và châu Phi không vượt quá 3 tỷ USD (1,5 tỷ USD xuất khẩu và 1,5 tỷ USD nhập khẩu) trong năm ngoái.

Để thúc đẩy trao đổi thương mại và xuất khẩu, Bộ Thương mại đã tổ chức vào tháng 11/2020 13 cuộc họp với các doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng trong đó có chà là, xi măng, mỹ phẩm, giày dép, vải, dụng cụ trường học….

Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu trong đại dịch Covid-19, một cơ chế hàng đổi hàng đã được thực hiện tại các cửa khẩu với các nước láng giềng như Mauritania, Mali và Niger, đồng thời giám sát việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Cũng trong năm 2020, Chính phủ Algeria đã soạn thảo một số văn bản pháp lý để thành lập các khu thương mại tự do ở phía Nam nước này nhằm thúc đẩy thương mại với châu Phi, chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do mậu dịch lục địa châu Phi.

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những biện pháp hạn chế nhập khẩu, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria chỉ đạt 148,21 triệu USD, giảm 20% so với năm 2019, gồm các mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê 93,77 triệu USD, kim loại thường và sản phẩm 12,37 triệu USD, sản phẩm hóa chất 5,5 triệu USD, thủy sản 3,2 triệu USD, hạt tiêu 1,82 triệu USD, hàng hóa khác 31,2 triệu USD…

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi