Nghị quyết quyết nghị việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với những nội dung lớn: Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn (Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030).
Mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Nguyên tắc, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện phương châm: “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Phân cấp, trao quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh...
Nghị quyết giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện, trên cơ sở đó xác định nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể triển khai thực hiện Chương trình, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chương trình.
Quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách Trung ương bổ sung cho Chương trình theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình.
Nghị quyết giao HĐND và UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương phù hợp, cùng với ngân sách Trung ương và huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình. Hằng năm, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản pháp luật có liên quan.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn