Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến việc thoái vốn Sabeco lần này.
Theo ông Đăng Quyết Tiến, Sabeco là một khoản đầu tư trọng điểm của Chính phủ, cùng với nhiều khỏan đầu tư hiệu quả như Vinamilk… Hiện Sabeco rất được thị trường, nhà đầu tư quan tâm. Nếu bán vốn thành công thì khoản thu về ngân sách để tái đầu tư phát triển rất lớn. Đặc biệt, bán vốn tại Sabeco có ý nghĩa rất lớn đó là thực hiện lời hứa với nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước rằng Nhà nước không đầu tư những lĩnh vực tư nhân làm được, củng cố niềm tin thị trường với thông điệp “Chính phủ nói là làm”.
“Hiện nay, thị trường Việt Nam đang có hiệu ứng rất tốt từ APEC. Khi Vinamilk thoái vốn thuận lợi, niềm tin càng tăng lên, điều này có ý nghĩa rất lớn.” ông Tiến nói.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hiện sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài rất tốt. Có nhà đầu tư sẵn sàng mua 51%, chứng tỏ họ rất quan tâm, chờ đợi thương vụ đầu tư này.
Về nguy cơ thâu tóm, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, với nguyên tắc hiện nay, ai trả giá cao thì người đó mua được, rất bình đẳng. Xét về tư cách cá nhân, nếu họ thực hiện hợp pháp, đúng quy định, quy chế đấu giá thì tất nhiên họ được mua. Trong một ngành mà nhà nước không có chủ trương nắm giữ, họ phải cam kết giữ thương hiệu theo quy định, thì không nên hạn chế. Cần lưu ý thêm là trong quy chế, phương án đấu giá sẽ cũng đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết với Chính phủ giữ thương hiệu của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp làm đúng nguyên tắc thị trường, quy chế, công khai, minh bạch thì sẽ được mua. Ngược lại, nếu doanh nghiệp độc quyền, thâu tóm giá... thì sẽ xử lý theo luật pháp, hay phân biệt nhà đầu tư này được mua, nhà đầu tư kia không được mua ở đây. Trong cuộc chơi này phải theo nguyên tắc thị trường, theo quy chế đã đề ra.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có 4, 5 cuộc kêu gọi đầu tư, có tác động tích cực thu hút nhà đầu tư với môi trường chính sách ổn định, sự nhất quán của Chính phủ. Cùng với hiệu ứng từ APEC, điều này đã tạo ra làn sóng thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam. Chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài vào thị trường nhiều như vậy, do đó đây là cơ hội để doanh nghiệp thoái vốn, cổ phần hoá, cung gặp cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị sản phẩm theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn của thị trường.
Về phía Sabeco, hai năm vừa qua việc này tiến hành chậm vì cũng còn vướng thủ tục, cơ chế. Tuy nhiên đó cũng là thời gian để nhà đầu tư tìm hiểu, đánh giá thị trường và việc họ muốn mua số lượng lớn, giá lên cao, cũng chứng tỏ họ rất quan tâm.
Đến nay, có thể nói quá trình cổ phần hoá đã thực sự thay đổi về chất, sân chơi của Việt Nam đã phù hợp với một số nguyên tắc cơ bản của thị trường như về thông lệ thị trường, công khai, minh bạch, quản trị…
“Tới đây, chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp bán vốn, thoái vốn theo thông lệ quốc tế, như hình thức dựng sổ (book building), đây là điều mà các nhà đầu tư lớn hướng tới. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết tâm trong việc yêu cầu sau khi cổ phần hoá phải niêm yết ngay", ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.