Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Lý giải về động thái này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trong một cuộc họp báo tại tại Istanbul cho biết, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ có ý định thiết lập "một khu vực an toàn" sâu khoảng 30 km bên trong lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lực lượng bộ binh nước này tham gia chiến dịch tấn công bên trong lãnh thổ Syria.
Ngay lập tức, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 21/1 đã lên tiếng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn tuyên bố của Tổng thống Assad khẳng định đây là một phần hành động của Ankara nhằm hỗ trợ các nhóm cực đoan.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới lên tiếng phản đối chiến dịch "Cành ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi ngày 21/1 hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay lập tức chiến dịch quân sự tại Afrin nhằm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria. Hãng thông tấn Tasnim (Iran) dẫn một thông báo do ông Qassemi công bố nêu rõ: "Iran theo sát những diễn biến hiện nay tại thành phố Afrin của Syria và hy vọng rằng chiến dịch này sẽ kết thúc ngay lập tức để tránh đào sâu cuộc khủng hoảng tại những khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria".
Ai Cập cũng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria.
Chính phủ Pháp đã kêu gọi HĐBA LHQ họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Syria. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết hàng chục nghìn người Syria bị mắc kẹt tại các khu vực do phiến quân kiểm soát bên ngoài Damascus, Đông Ghouta, trong khi hàng chục nghìn người khác buộc phải đi sơ tán do giao tranh ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Do đó, ông kêu gọi ngừng ngay các cuộc xung đột, đồng thời yêu cầu hỗ trợ nhân đạo cho toàn bộ người dân ở những vùng này.
Một điều đáng chú ý là trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố, nhưng YPG lại được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, được cho là có vai trò trong việc giúp đánh bật tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ra khỏi các cứ địa tại Syria?! Do đó, theo giới phân tích, chiến dịch tấn công mới này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ankara và Washington tiếp tục leo thang cũng như làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột.
Tuy nhiên, trước diễn biến này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert trong một tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế và bảo đảm rằng các chiến dịch quân sự luôn nằm trong giới hạn về phạm vi, thời gian cũng như tuyệt đối thận trọng nhằm tránh thương vong cho dân thường. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tập trung vào mục tiêu tiêu diệt IS".
Trong khi cuộc chiến chống IS ở Syria vẫn chưa kết thúc thì chiến dịch "Cành ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình biến giới giữa hai nước trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt, nó sẽ có tác động tiêu cực tới tiến trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ổn định cho Syria. Như hãng tin TASS ngày 21/1 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov cho rằng, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ chống lực lượng người Kurd tại khu vực Afrin của Syria có thể tạo ra những khó khăn nhất định cho cho Đại hội đối thoại dân tộc Syria, được ấn định vào các ngày 29-30/1 tại Sochi.
Có thể nói, chiến dịch "Cành ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra tại Syria như một "cơn sóng dữ" dội thêm vào quốc gia này nói riêng và cả khu vực Trung Đông nói chung vốn chao đảo trong nhiều thập niên qua bởi triền miên các cuộc xung đột.
Vì thế, cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại và mong muốn sớm chấm dứt xung đột để mang lại hòa bình cho Syria.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn