ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp): Dân chủ, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao
Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng như tinh thần trách nhiệm, cầu thị của các thành viên Chính phủ tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Không khí thảo luận, trao đổi rất sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng. Các ý kiến của đại biểu đa dạng trên nhiều lĩnh vực, sâu sắc, làm rõ thêm nhiều khó khăn thách thức, đề xuất gợi mở nhiều vấn đề giá trị để Chính phủ tiếp thu. Nhiều ý kiến tranh luận nhằm làm rõ các vấn đề. Điều hành của chủ tọa cũng hết sức linh hoạt, tạo không khí vừa cởi mở, đa chiều, vừa có trọng tâm, hiệu quả.
Trong nhiều lĩnh vực của kinh tế - xã hội, tôi quan tâm đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Đây là điểm nghẽn lớn trong bài toán phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Đây là khu vực có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó, suất đầu tư xây dựng cao so với các khu vực khác trên cả nước. Tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực cho phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông cho khu vực này. Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, tôi đã đặt vấn đề và đề xuất Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề trách nhiệm, đạo đức công vụ. Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội nhiều lần phản ánh trên nghị trường nhưng chuyển biến còn chậm. Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức là một trong những nguyên nhân gây trì trệ, cản sợ sự phát triển. Thời gian qua, đã có nhiều văn bản nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Năm 2023, Chính phủ đã có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về nội dung này. Tôi hy vọng, tới đây, việc triển khai thực hiện các văn bản này sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, người đứng đầu; có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Tranh luận kỹ lưỡng, để thống nhất nhận thức và hành động
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra sôi nổi, có gần 200 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cho thấy sự quan tâm của các đại biểu cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi đại biểu với các thách thức đang đặt ra với nền kinh tế hiện nay. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp, hiến kế thiết thực để đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, cất cánh trong thời gian tới. Nhiều nội dung cũng được tranh luận kỹ lưỡng để xác định chính xác các vấn đề đang đặt ra, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong các cấp, các ngành thời gian tới.
Chủ tọa điều hành phiên họp đã điều hành linh hoạt, tạo điều kiện tối đa để các đại biểu Quốc hội thể hiện được quan điểm của mình và mong muốn, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao cách thức điều hành này.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024 và thời gian còn lại của cả nhiệm kỳ, do tác động bất lợi từ bên ngoài và những yếu kém nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi sát tình hình trong nước và trên thế giới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Điều này đòi hỏi cần phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trước mắt cũng như kiên định các mục tiêu dài hạn, yêu cầu phát triển bền vững. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ giúp các cơ quan chức năng xác định trúng và đúng những giải pháp cần thiết cho thời gian tới. Các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ đều cần được nghiêm túc tiếp thu, qua đó đưa những nội dung quan trọng, cần thiết của các Nghị quyết của Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương): Tâm huyết, sâu sát với những vấn đề “nóng” của cuộc sống
Kỳ họp thứ Sáu được tổ chức vào thời điểm cuối năm và cũng là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên có ý nghĩa rất đặc biệt, diễn ra với sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là đề ra giải pháp cho những tháng cuối năm và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Vì vậy, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp này được lồng ghép rất nhiều nội dung bao gồm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...
Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa, trong 1,5 ngày của phiên thảo luận đã có 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, còn 92 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, cho thấy không khí diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã tham gia bày tỏ ý kiến và tranh luận rất thẳng thắn, đúng và trúng, thể hiện sự tâm huyết, sâu sát với những vấn đề “nóng” của cuộc sống, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Các đại biểu cũng đã chỉ ra và phân tích rõ những bất cập, hạn chế cùng với khó khăn, thách thức và đưa ra những đề xuất, giải pháp thiết thực, khả thi.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, hiện nay chúng ta đi được một chặng đường khá dài và những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên thảo luận như: cơ chế, chính sách chưa thông thoáng; việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, nhất quán... Tôi cũng như các đại biểu kỳ vọng, sau phiên thảo luận này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo và đột phá hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành.
Với 12 nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra cho năm 2024, tôi đồng tình với các đại biểu Quốc hội rằng, báo cáo đã thể hiện được những giải pháp căn cơ, cụ thể để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối các cán cân lớn của nền kinh tế, tuy nhiên cả 3 trụ cột tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều đang có chiều hướng suy giảm. Nếu Chính phủ không sớm có những giải pháp cụ thể và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan thì khó có thể tháo gỡ ngay trong năm 2024.
Cùng với đó, tôi cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có thể thực hiện được các kế hoạch, mục tiêu đề ra trong thời gian tới.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn