Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là một trong 7 dự án luật đầu tiên trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh mong muốn nhận được những ý kiến sâu sắc, trí tuệ, cởi mở với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, cùng đồng hành với Ủy ban và Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật đạt chất lượng tốt nhất.
Theo Bộ Công an, qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường trực Ủy ban cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; các quy định trong dự thảo Luật cơ bản có tính khả thi. Thường trực Ủy ban cũng nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Luật; cho rằng, như vậy là phù hợp với Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức hoạt động, cơ chế phối hợp… của lực lượng CSCĐ. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần thiết ban hành Luật CSCĐ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực hiện các nhiệm vụ theo đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị tích cực của Ban soạn thảo khi hồ sơ bước đầu tương đối đầy đủ và có tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội; Ủy ban Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã tích cực, chủ động để chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ dự án Luật này.
Nhấn mạnh, dự án Luật cần phải đạt được sự mẫu mực về quy trình làm luật, có sức sống, không có luật khung, luật ống, cái nào rõ thì quy định, chưa rõ thì chỉ đạo thí điểm rồi mới đưa vào luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để giải trình báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, về sự cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần bổ sung cho thuyết phục hơn, đâu là điều cốt lõi của dự thảo Luật này. Về đánh giá tác động, Ban soạn thảo cần đánh giá thật kỹ để dựa vào đó dự báo và đề ra chính sách đúng; về Tờ trình của Chính phủ, cần rà soát lại tất cả hồ sơ, bổ sung cho đầy đặn, rõ ràng hơn.
Toàn cảnh phiên họp thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự thảo Luật dùng từ “chuyên trách” với CSCĐ có đúng hay không? Hay việc dùng từ “biện pháp vũ trang”, theo Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có xu hướng tuyệt đối hóa mọi mặt, bởi lực lượng CSCĐ là lực lượng dùng rất nhiều biện pháp công tác của ngành công an, trong đó đặc trưng là biện pháp vũ trang chứ không phải chỉ có biện pháp vũ trang.
Về phạm vi hoạt động, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật còn hơi “luẩn quẩn”, nếu trùng với các lực lượng khác là không được, trường hợp nào dùng CSCĐ thì chưa rõ. Do đó, cần rà soát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền, phạm vi hoạt động, trường hợp sử dụng, kể cả trường hợp cấp bách huy động như thế nào. Bên cạnh đó là rà soát kỹ quy định về tổ chức hệ thống, tổ chức quan hệ trong các cơ chế phối hợp với các lực lượng khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên tinh thần vì nước, vì dân, không phải "vì anh, vì tôi" nên bên cạnh việc đúng đường lối, quan điểm, đúng Hiến pháp, pháp luật, cần bảo đảm tiết kiệm ngân sách trong điều kiện, khả năng của nền kinh tế.
Trên các cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bước đầu dự thảo Luật đáp ứng được một số yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề nghị, sau phiên họp này Ban soạn thảo nghiên cứu để có những dự kiến tiếp thu, nội dung cần giải trình và gửi tài liệu báo cáo kèm theo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguồn tin: www.baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn