Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể như: đầu tư hàng chục tỷ đồng đào tạo nghề cho đối tượng lao động người dân tộc thiểu số; tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại khu vực vùng sâu, vùng xa; đề nghị Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ưu tiên tuyển dụng người lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách vào làm việc tại đơn vị và các doanh nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh…
![]() |
Chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc làm đã đóng góp không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Điển hình, tại huyện Định Hóa – địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện lồng ghép để hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, cùng với đó là tư vấn hướng nghiệp và thực hiện tốt các chính sách tín dụng; kết nối với doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng, thực hiện chính sách xuất khẩu lao động ở khu vực đặc biệt khó khăn.
Do những khó khăn về đất canh tác, thị trường, vốn sản xuất... , cùng với sự chuyển dịch cơ cấu lao động khi ngành công nghiệp - dịch vụ của tỉnh ngày càng phát triển, huyện Định Hóa xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân theo các ngành nghề phi nông nghiệp.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về chỉ tiêu tuyển dụng, nhu cầu lao động, chế độ phúc lợi cho người lao động của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến người dân. Đồng thời phối hợp cùng những đơn vị liên quan tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, tuyển dụng trực tiếp tại các xã, thị trấn. Trung bình mỗi năm, huyện tạo việc làm tăng thêm cho trên 2.000 lao động địa phương, hầu hết là người dân tộc thiểu số, làm việc tại các công ty, khu công nghiệp lớn trong tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Cũng là địa phương có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Võ Nhai đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề việc làm. Thay vì chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, ngày càng có nhiều người chủ động tìm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện có trên 1.000 lao động tìm kiếm được việc làm mới trong các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, may mặc… Ngoài ra, số lượng gia trại, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cũng mở rộng về diện tích và quy mô, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Với những chính sách hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số chính sách hướng tới đồng bào các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm tỉnh có trên 20.000 người lao động tìm được việc làm mới, trong đó có khoảng 30% là người dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần giảm số hộ nghèo thuộc 124 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi xuống còn 36.587 hộ, chiếm 19,22%, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn