Tạo cơ sở pháp lý tương xứng hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ

Thứ ba - 14/03/2017 23:51
 Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, nhằm tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng này; cũng như bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Theo Cục PCCC và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an, trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ; các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tập trung nhiều công trình cao tầng, phức hợp với tính chất ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn. Mặt khác, các diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết trong những năm qua làm cho nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, cháy, nổ... gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Đáng lưu ý, hiện các sự cố, tai nạn có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nguy hiểm và thiệt hại về người, tài sản, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục PCCC và Cứu hộ, cứu nạn cho biết và nhấn mạnh: Các sự cố, tai nạn xảy ra hầu hết có tính chất nguy hiểm, phức tạp, cần được cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp. Do đó đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên nghiệp được đào tạo, huấn luyện thành thục các kỹ năng, được trang bị đầy đủ phương tiện để giải quyết sự cố, tai nạn nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Theo đó, cần phải có một cơ chế pháp lý đủ mạnh để đảm bảo huy động mọi điều kiện nhân, vật lực đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nhằm phát huy tính chủ động trong phòng ngừa sự cố, cũng như triển khai hiệu quả  công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra.

Theo đại diện Cục PPCC, để tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC, đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cứu nạn, cứu hộ, cách đây hơn 4 năm,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Kể từ khi có Quyết định 44, (từ 2012-2016), lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn đã trực tiếp chỉ huy tổ chức cứu nạn, cứu hộ hơn 16.500 vụ. Trong đó đã giải thoát và hướng dẫn thoát nạn được hơn gần 1,7 triệu người, cứu được hơn 3.300 người bị thương, bị mắc kẹt trong các vụ sự cố, tai nạn.

Những kết quả nêu trên đã minh chứng cho tính hiệu quả của Quyết định 44 trong việc tạo lập cơ sở pháp lý cho lực lượng PPCC thực thi nhiệm vụ.Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành Quyết định 44 đã bộc lộ những hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ hiện nay.

Cụ thể là, Quyết định 44 chưa quy định về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ nên dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ, không phát huy được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý khi có sự cố, tai nạn xảy ra, nhất là vấn đề thống nhất chỉ huy, điều hành trong công tác cứu nạn, cứu hộ...

Hơn nữa, việc chưa quy định thẩm quyền cho lực lượng PCCC được huy động lực lượng, phương tiện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia cứu nạn, cứu hộ và trong tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, chướng ngại vật và di chuyển tài sản khi cứu nạn, cứu hộ dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cứu nạn, cứu hộ tại các sự cố, tai nạn xảy ra trong thời gian vừa qua.

Với vị trí đặc biệt quan trọng của công tác cứu nạn, cứu hộ và để đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC là cần thiết.

Đại diện Cục PPCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Dự thảo Nghị định gồm 7 chương với 39 điều. Bên cạnh phần quy định chung, dự thảo quy định cụ thể về: Tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ;Hoạt động cứu nạn, cứu hộ; Bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ; Phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ;....

Cụ thể, về tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ, dự thảo, quy định về lực lượng cứu nạn, cứu hộ; lực lượng thường trực cứu nạn, cứu hộ; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC trong công tác cứu nạn, cứu hộ; nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở, dân phòng.

Về hoạt động cứu nạn, cứu hộ, dự thảo, quy định về các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; phương án cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ; điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ; hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho người và phương tiện được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ; người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; nhiệm vụ chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; quyền và trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, chướng ngại vật và di chuyển tài sản khi cứu nạn, cứu hộ; cứu nạn, cứu hộ trong trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này...

Bên cạnh đó, dự thảo cũng dành 1 chương để quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, quy định về trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; chế độ, chính sách đối với người tham gia cứu nạn, cứu hộ và đối với cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội PCCC chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ;...

Được biết, tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ sẽ trình bày xin ý kiến của UBTVQH về việc ban hành văn bản này.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi