Nhận lời mời của Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam sẽ thăm CHLB Đức và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg từ ngày 5-8/7/2017.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần này diễn ra trong bối cảnh những diễn biến phức tạp trên thế giới cùng những bước điều chỉnh chính sách của một số nước trong thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi các nước phải thể hiện trách nhiệm của mình trong xử lý các vấn đề chung.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 lần trước ở Trung Quốc (tháng 9/2016), bối cảnh quốc tế đã có nhiều biến động to lớn, tác động tới nền kinh tế, thương mại toàn cầu cũng như các mối quan hệ quốc tế.
Đó là việc Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu…
Nền kinh tế thế giới cũng chịu tác động từ diễn biến trên chính trường Anh sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tháng 6 vừa qua khiến tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng trở nên khó đoán định, trong khi châu Âu chưa thể giải quyết được những thách thức về an ninh hay khủng hoảng người di cư…
Hơn bao giờ hết, các nền kinh tế G20 cần khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chính sách để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu và đây cũng là yếu tố để CHLB Đức, nước hiện giữ chức Chủ tịch G20, chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị 2017 là “Định hình một thế giới kết nối”.
Mục tiêu của hội nghị lần này của G20 là bàn giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội…
Trọng tâm nghị sự của G20 lần này có nhiều nội dung tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong Năm APEC 2017 mà Việt Nam là chủ nhà với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Cả hai diễn đàn đều đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, khuyến khích đổi mới - sáng tạo, xử lý các vấn đề về kinh tế, xã hội, lao động, việc làm trong nền kinh tế số hóa dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hợp tác chống biến đổi khí hậu,... Điểm đáng lưu ý là có tới 9 thành viên G20 là các nền kinh tế thành viên APEC. Đây là điểm thuận lợi để G20 và APEC, với tư cách các diễn đàn quan trọng hàng đầu thế giới, chia sẻ và phối hợp xử lý các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, nội dung nghị sự của G20 và APEC cùng đặt vấn đề phát triển bao trùm trong bối cảnh kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhấn mạnh việc xử lý các tác động xã hội của cuộc cách mạng này. Đây là vấn đề mới và được nhiều nước quan tâm, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Điều này được coi là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế trong bối cảnh mới.
Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay trên cương vị chủ nhà APEC 2017 một lần nữa khẳng định vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu, đồng thời cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham dự các hội nghị liên quan của G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017 và tích cực tham gia thảo luận, đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng vào chương trình nghị sự của G20, trong đó có việc thúc đẩy kết nối và phối hợp các nội dung ưu tiên mà G20 và APEC cùng quan tâm trong năm 2017.
Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2017, tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.
Chuyến tham dự Hội nghị G20 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa thể hiện Việt Nam luôn có trách nhiệm trong các công việc quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn